Phát hiện mới ở Hoàng thành Thăng Long

15/12/2015 06:09 GMT+7

Theo các nhà khoa học, kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2015 cho thấy rõ hơn vị trí của trục thần đạo, cũng như hình dung thêm về những vùng khó khai quật.

Theo các nhà khoa học, kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2015 cho thấy rõ hơn vị trí của trục thần đạo, cũng như hình dung thêm về những vùng khó khai quật.

Một hố khai quật năm 2015 - Ảnh: Quế NguyễnMột hố khai quật năm 2015 - Ảnh: Quế Nguyễn
Ba hố khai quật đã được mở trong đợt khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2015. Diện tích này nằm phía bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1.000 m2, nhằm nghiên cứu khu vực không gian chính điện Kính Thiên. Cuộc khai quật do Trung tâm di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ thực hiện. Báo cáo sơ bộ được công bố sáng 14.12.
Ở hố khai quật thứ nhất, các nhà khoa học đã làm rõ dấu tích đường nước thời Lý ở phía nam. Hiện trạng cho thấy thành gạch xây đường nước đã bị phá hủy nhiều, chỉ còn lại dãy cọc gỗ. Còn nhớ, cách đây 3 năm, cũng chính các nhà khoa học của Viện Khảo cổ và trung tâm này đã tìm thấy kiến trúc thời Lý ở khu vực bắc Đoan Môn. Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ, đó cũng là lần đầu tiên tìm thấy kiến trúc thời Lý ở khu vực này. Cũng tại hố thứ nhất, các nhà khoa học tìm thấy 5 móng cột gia cố sỏi. Nhóm nghiên cứu dự đoán đó là dấu tích của một kiến trúc lớn.
Cùng ngày, các nhà khoa học cũng công bố thông tin về dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Tuyến tường bao phía tây thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Dự án do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội kết hợp với Viện Bảo tồn di tích thực hiện. Đây là đoạn tường bao từ Đoan Môn, bao quanh Nội điện, bên trong là các công trình được nhà Nguyễn sử dụng là hành cung mỗi khi tuần du Bắc Hà.
Ở hố khai quật thứ hai, đã xác định được vết tích quan trọng nhất là đường nước lớn thời Lý được phát hiện năm 2012. Đoạn này có chiều bắc - nam, dài 72 m, chạy về hướng Đoan Môn. Tại hố này, một con đường hoa chanh dài kiên cố cũng được phát hiện.
Ở hố khai quật thứ ba, nhiều dấu tích kiến trúc trong đó có bó nền được cấu trúc bằng dải hoa chanh và một số mảng nền lát gạch. Đường nước thời Lý cũng xuất hiện tại đây.
Nhận thức “đột biến” về nghiên cứu kinh đô Thăng Long PGS-TS Tống Trung Tín cho biết cuộc khai quật tiếp tục xác định rõ cấu trúc và quy mô của các dấu tích kiến trúc thời Lý ở khu bắc Đoan Môn.
Kết nối với kết quả nghiên cứu cách đây 3 năm, ông Tín cho rằng: “Đường nước lớn thời Lý rõ ràng có cấu trúc phức tạp hơn dự kiến ban đầu rất nhiều”. Năm 2013 và 2014, ông Tín chỉ đoán đường nước này chạy lên phía bắc để bao quanh khu vực điện Kính Thiên. Tuy nhiên, năm nay đã thấy rõ đường nước này chạy tới tường Đoan Môn. Có ý kiến dự đoán có thể đường nước còn chạy qua Đoan Môn đến Cột Cờ. Chiều bắc - nam của đường nước chưa thể xác định được chiều dài. Song chiều đông tây, nếu dựa vào phương pháp đối xứng qua Ngự đạo (thời Lê) có thể đoán chiều dài là 100 m. Khai quật năm 2015 đã xác định chính xác dài 83 m, và có khả năng đường nước còn chạy về phía đông.
Hiện vật phát hiện năm 2015 gồm cả đồ gốm và vật liệu kiến trúc
Hiện vật phát hiện năm 2015 gồm cả đồ gốm và vật liệu kiến trúc
Cũng theo ông Tín, việc xuất hiện thêm 2 móng cột lớn ở hố H2, H3 cho thấy ngay bên ngoài đường nước lớn đã có các kiến trúc Lý khá quy mô.
Những dấu tích thời Trần có thể đưa tới giả thuyết trong thế kỷ 13, khu vực này vương triều Trần về cơ bản sử dụng lại dấu tích kiến trúc thời Lý. Nhưng từ cuối thế kỷ 14 trở đi, tình hình xây dựng ở đây có nhiều biến đổi lớn. Đó là việc xây dựng đường nước thời Trần gần như song song với đường nước thời Lý. Đường nước lớn thời Lý sau một thời kỳ được sử dụng lại cũng được lấp dần.
Dấu tích kiến trúc thời Trần mới vô cùng quy mô, đặc biệt là dấu tích các dải nền hoa chanh và tường gạch. Dấu tích hoa chanh thời Trần có xu hướng phát triển về phía đường Hoàng Diệu.
Sự “đột biến” trong nhận thức có thể thấy khi các nhà khoa học thử bước đầu kết nối các kiến trúc ở 18 Hoàng Diệu với khu vực chính điện Kính Thiên, nhờ bố cục quy chỉnh cân đối thời Lý.
“Qua đó nhận thấy, dường như trung tâm Càn Nguyên - Thiên An thời Lý vẫn thuộc về khu vực điện Kính Thiên”, ông Tín cho biết. “Các kiến trúc ở 18 Hoàng Diệu cũng tạo thành một cụm rất đăng đối, tuy chưa khai quật làm rõ hết, là thuộc cụm kiến trúc khu tây của điện Kính Thiên. Và như thế, đối xứng qua khu Kính Thiên, trong thời Lý có thể có một cụm kiến trúc lớn đăng đối ở phía đông. Cả khu đông điện Kính Thiên và khu tây sẽ có hồi lang lớn kết nối liền mạch”, ông Tín cho biết.
Theo ông Tín, trong thế kỷ 13, nhà Trần sử dụng về cơ bản bố cục kiến trúc thời Lý, nhưng có xây dựng và sửa chữa thêm rất nhiều. “Khối lượng các mảng trang trí kiến trúc thời Trần chiếm số lượng lớn gấp bội so với thời Lý đã chứng minh cho điều đó. Từ cuối thế kỷ 14, nhịp độ sửa chữa và xây dựng thời Trần rất nhiều do đó diện mạo khu vực Kính Thiên thời Trần thay đổi rất lớn và hiện nay đang rất khó nhận biết”, ông Tín phân tích.
“Qua khai quật có thể thấy, sau 20 năm xâm lược của nhà Minh, nhà Lê sơ đã quy hoạch và làm mới hoàn toàn Thăng Long. Đến thời Lê Trung hưng, về cơ bản một lần nữa tiếp tục làm mới hoàn toàn Thăng Long nhưng bố cục chung không có nhiều thay đổi. Qua khai quật, chúng ta khẳng định rõ hơn trục thần đạo của Hoàng thành. Với cách đăng đối, từ những gì đã thấy chúng ta có thể hình dung được phần đối xứng ở Hoàng thành mà khó có thể khai quật”, PGS-TS Vũ Quốc Hiền cho biết.
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho biết dự kiến sẽ cho người dân vào tham quan các hố khai quật vào dịp Tết Nguyên đán. Các hiện vật mới được khai quật sẽ được giới thiệu trong đợt này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.