Quá nhiều lỗi trong sách tái bản của GS Trần Quốc Vượng

09/09/2016 10:00 GMT+7

Nhiều đầu sách tái bản của GS Trần Quốc Vượng (1934 - 2005): Văn hóa VN tìm tòi và suy ngẫm; Văn hóa VN những hướng tiếp cận liên ngành; Dặm dài đất nước - Những vùng đất, con người, tâm thức người Việt có những lỗi sai nghiêm trọng.

Sai cả tên và nghĩa của câu
Cuốn Văn hóa VN tìm tòi và suy ngẫm (NXB Văn học, nhà sách Minh Lâm - 2016) hiện được bày bán tại nhiều cửa hàng sách trên phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) có rất nhiều lỗi sai chính tả, lỗi sai tên, sai nghĩa.
Ở trang 500, dẫn câu “dân khả sử do chi bất khả sử tri chi” (dân chỉ có thể khiến theo chứ không thể cho biết được) là câu trong sách Luận ngữ thì viết sai thành... Lận ngũ. Hay dẫn câu thơ của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm thì viết sai tên danh nhân là Vũ Phạm Hàn. Vị trí địa chiến lược thành vị trí địa chiếc lược (trang 502).
Khi dẫn sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng vốn là bản in chữ Hán, viết sai thành bản tin chữ Hán (trang 520). Trang 718, biến Chu Tam Tỉnh là con của Chu Văn An thành xon của Chu Văn An, biến xứ Hưng Hóa thành Hưng Góa. Trang 764 trích dẫn tư liệu của Dương Quảng Hàm về vua Lê Thánh Tông mở mang bờ cõi vào phương Nam: “Trong 38 năm làm vua, ngài (Lê Thánh Tông) đánh thua Chiêm Thành để mở mang bờ cõi nước ta về mạn Nam”. TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học), học trò của cố GS Trần Quốc Vượng, khẳng định: “Đánh thua thì làm sao mở mang bờ cõi được, đúng ra là đánh vua Chiêm Thành”.
Làm tổn hại uy tín tác giả
Hiện bản thảo gốc của những quyển sách này do GS Trần Quốc Vượng viết vẫn được TS Nguyễn Hồng Kiên lưu giữ. Ông Kiên yêu cầu thu hồi sách, đề xuất NXB hãy làm hợp đồng biên tập với ông, ông sẽ đọc và sửa cho từng trang sách. Còn việc in sách nhiều lỗi sai như thế thì ông Kiên cho rằng: “Thà không in còn hơn, bởi phần lớn các lỗi sẽ làm độc giả không hiểu nổi, làm tổn hại tới uy tín khoa học của cố GS Trần Quốc Vượng”.
TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết mới đọc một số trang, trong 6 bài của cuốn Văn hóa VN tìm tòi và suy ngẫm, đã phải “nhai” 47 lỗi. Trước những lỗi sai này, ông Kiên nói: “Không thể đọc tiếp nổi”. Ngoài ra, theo thống kê của TS Kiên, trong 47 lỗi này có 24 lỗi chữ Anh - Pháp, cho thấy: “Cả bộ sậu xuất bản không ai biết ngoại ngữ!”. Bên cạnh đó, với các lỗi đánh máy trong sách, TS Kiên khẳng định: “Điều này cho thấy dường như không có ai đọc chứ đừng nói biên tập”.
HƠn 660 lỗi trong một cuốn sách
Cuốn sách Văn hóa VN những hướng tiếp cận liên ngành (NXB Văn học - Công ty TNHH sách Hương Giang - 2015) có thể coi như một hợp tuyển công trình nghiên cứu văn hóa của ba thế hệ trong một gia đình khoa học: Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Khánh, Trần Thúy Anh, Trần Phương Anh và Phan Quang Anh.
Ngay bài đầu tiên Cao Bằng dưới cái nhìn dân gian về sự giao thoa văn hóa Tày - Việt đã có rất nhiều lỗi: Lã Văn Lô thành Lã Văn Lê (chú thích đánh số 2, trang 27). Lỗi sai tên tác phẩm Cẩu chúa chèng vua (Chín chúa tranh vua) viết thành Cẩu chủa cheng Vua (trang 28). Riêng trang 32, đã cắt mất một câu (đoạn cắt người viết để trong ngoặc): Thành Nà Lự... Lê Thái Tổ đi đánh Bế Khắc Thiệu có (đóng quân ở đây. Ở Nà Lự và ở vùng núi Khắc Thiệu có) truyền thuyết nỏ thần y như truyện nỏ thần của An Dương Vương.
Cuốn Dặm dài đất nước - Những vùng đất, con người, tâm thức người Việt (NXB Thuận Hóa, nhà sách Thăng Long - 2015) với hơn 660 trang nội dung nhưng có tới hơn 660 lỗi, từ đơn giản như lỗi trình bày (đứt chữ), lỗi chính tả, cho đến lỗi kiến thức.
Quá nhiều lỗi trong sách tái bản của GS Trần Quốc Vượng 2
Ví dụ, trong bài Vĩnh Phúc: vị thế địa - chính trị và bản sắc địa - văn hóa, viết sai đối sánh thành đối sách (trang 74); viết sai tên GS địa lý Trần Đình Gián thành Trần Đình Giân (trang 77); văn hóa Thương - Ân tức nhà Thương còn có tên gọi khác là nhà Ân của Trung Quốc bị viết sai thành văn hóa Thương - Ấn (trang 85); tên nhà dân tộc học Cầm Trọng viết sai thành Cẩm Trọng (trang 86).
Hay như bài Chu Văn An và làng Thanh Liệt thì lỗi đến không ngờ. Đó là tên sách Lĩnh Nam chích quái viết sai thành Lĩnh Nam chính quái (trang 216); viết sai tên vua Lê Thế Tông húy Duy Đàm thành Lê Thánh Tông (trang 217); sai tên TS Nguyễn Công Thế thành Nguyễn Công Thể (trang 218); sai bia từ đường họ Đặng thành học Đặng (trang 219). Cũng trang 221 viết sai tên thụy của Chu Văn An sau khi chết là Văn Trinh Công thành Văn Trịnh Công; sai tên nhà nghiên cứu Triêu Dương thành Triều Dương - tên một họa sĩ. Nhiều lỗi rất ngớ ngẩn như: trang 229 dẫn lá thư của cụ Tảo Trang - Vũ Tuân Sán gửi GS Trần Quốc Vượng đề năm 1912. Năm này, cụ Vũ Tuân Sán phải 2 năm sau mới sinh, còn GS Trần Quốc Vượng mãi 22 năm sau mới cất tiếng khóc chào đời. Tương tự, trang 221 viết sai niên hiệu vua Tự Đức năm Quý Mùi (1863) thành 1763 - năm vua Gia Long mới tròn 1 tuổi; còn vua Tự Đức phải năm 1829 mới ra đời.
Cũng trong bài này còn có câu không thể hiểu nổi: “Ở đây cũng như ở Phượng Hoàng (Chí Linh) đều có bàn tay bậc đại cho chấp Bùi Huy Bích người Thịnh Liệt xã biên, nhiệt tâm chấn hưng nho giáo sưu tầm thơ Chu An” (trang 223). Bậc đại cho chấp - có ý nghĩa gì? Xã biên nghĩa là gì? TS Nguyễn Hồng Kiên, người cộng tác với GS Trần Quốc Vượng viết bài này, cho biết nguyên văn là: “bậc đại nho chấp chính Bùi Huy Bích ở xã bên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.