Quan niệm của nhà quản lý giết lễ hội

17/05/2012 03:47 GMT+7

“Cán bộ quản lý nhìn lễ hội có yếu tố mê tín dị đoan sẽ dẫn đến việc hạn chế, không tạo điều kiện cho cộng đồng phục hồi hay thực hành lễ hội”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói.

 Quan niệm của nhà quản lý giết lễ hội
Vì yếu tố mê tín dị đoan mà nhiều lễ hội bị e ngại - Ảnh: Ngô Vương Anh

PGS-TS Huy mở đầu phát biểu tại Hội thảo Lễ hội - nhận thức, giá trị và quản lý hôm qua 16.5 tại Hà Nội với giọng tiếc nuối về những lễ hội đã từng bị cấm thực hành do quan điểm chống mê tín dị đoan.

Đó là các lễ cúng giàng, cúng bó nước vốn mang trong mình quan niệm về vũ trụ, về mùa màng. Nhưng đã một thời gian dài bà con dân tộc sống thiếu chúng. Lên đồng với những làn điệu hát văn tuyệt vời, xiêm áo lộng lẫy cũng ở trong cảnh o ép một thời gian dài. Chẳng đâu xa, di sản văn hóa thế giới Hội Gióng cũng từng bị đứt đoạn một thời gian dài do bị gán là mê tín.

“Chống mê tín dị đoan cho đến những năm 80 của thế kỷ trước đã làm hủy hoại biết bao giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Hầu hết lễ hội không được thực hành vì bị quy chụp là mê tín dị đoan do thực hành tín ngưỡng”, ông Huy nói.

Cũng nhờ thế, ông Huy thấm thía sự thay đổi nhờ Đổi mới. Khái niệm tâm linh xuất hiện, thay cho khái niệm tín ngưỡng để tránh bị quy chụp. Tâm linh là văn hóa nhưng thực chất vẫn là tín ngưỡng, là tôn giáo. Nhờ thế, việc phục hồi lễ hội mới có cơ hội phát triển.

Không có nội hàm rõ ràng

“Ý mà tôi muốn trao đổi ở đây là không có một cơ sở hoặc tiêu chuẩn khách quan để định nghĩa như thế nào là mê tín dị đoan. Thuật ngữ này luôn được sử dụng bởi những người ở phe đối lập nhằm tạo ra sự nghi ngờ cho các thực hành nghi lễ”, ông Huy phân tích.

Một Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia khác, PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng: “Không có cái gọi là mê tín dị đoan trong bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng cũng như lễ hội truyền thống. Chỉ có những cá nhân lợi dụng đức tin, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của cá nhân và cộng đồng vào những mục tiêu phi văn hóa, trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội mà thôi”.

GS Vũ Minh Giang, Giám đốc Đại học Quốc gia, nhận xét: “Mê tín dị đoan là một khái niệm mờ, không có nội hàm rõ ràng. Chính vì thế người ta dễ dàng tùy tiện ghép nó cho một số hiện tượng”. Đặc biệt, theo ông Giang, do là khái niệm mờ - việc thực hiện văn bản pháp luật liên quan sẽ khó khăn. Mà một văn bản luật đưa ra đầu tiên là để đi vào đời sống. “Vì thế, theo tôi nên đưa ra nội hàm cụ thể của khái niệm, còn nếu không thì không nên dùng”, ông Giang nói.

GS Ngô Đức Thịnh cũng có chung quan điểm. “Đây là một cụm từ (mê tín dị đoan - PV) không có nội dung học thuật cụ thể. Thực tế cho thấy, nó có thể gây hệ lụy là tàn phá di sản phi vật thể, trong đó có lễ hội”.

Do đó nên thay cụm từ mê tín dị đoan bằng khái niệm lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội để mưu cầu mục tiêu không chân chính và trái pháp luật. Có thể dùng luật để chế tài những hành vi lợi dụng này.

Là người tổng kết hội thảo, GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia - nhắc đến chính sách ở các nước tiên tiến. Đến nay, không nước nào còn sử dụng khái niệm mê tín dị đoan như một khái niệm công cụ trong chính sách quản lý văn hóa nữa. Thay vào đó, họ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Theo GS Tiêu, bản thân nước ta, khi đã gia nhập công ước đa dạng văn hóa của UNESCO này, rất nên mau chóng cụ thể hóa những hành vi “lợi dụng niềm tin tôn giáo và lễ hội để mưu lợi bất chính và vi phạm pháp luật”. Như thế, những hành vi xấu sẽ giảm dần cho tới giảm hẳn.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.