'Tấm Cám: Chuyện chưa kể': Chơi lớn như Ngô Thanh Vân

19/08/2016 19:56 GMT+7

Nhấn mạnh ý tưởng chuyện chưa kể ngay từ tên phim, nhưng rốt cuộc chính những chuyện chưa kể lại là điểm yếu của phim.

Những tình tiết quen thuộc như mất giỏ tép, mất cá bống, mất vàng anh… hóa ra mới là những phân đoạn tròn trịa và hấp dẫn nhất của phim. Tiếc thay, cái hay thì không mới. Mà cái mới thì không hay.
Nếu nhìn nhận Ngô Thanh Vân ở vai trò sản xuất, Vân thực sự đáng nể vì với hai mươi tỉ đồng, cô đã làm ra được một tác phẩm chỉn chu, đẹp mắt với thể loại fantasy vốn lụy kỹ xảo - một trong những thứ hao tiền bậc nhất khi làm phim. Nhất là sau thông tin một phim không quá công phu như Fan Cuồng mà kinh phí lên tới hai mươi sáu tỉ đồng. Tuy nhiên, ở vai trò đạo diễn thì Vân cùng đứa con tinh thần của mình - phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể có vẻ như chưa thỏa mãn người xem, cũng như tương xứng với những sự kiện - rất có thể đi vào lịch sử điện ảnh Việt mà bộ phim vô tình hay hữu ý mắc phải.
'Tấm Cám: Chuyện chưa kể': Chơi lớn như Ngô Thanh Vân 1
Việc lấy cảm hứng và làm lại chuyện cổ tích đưa lên màn ảnh rộng không chút gì xa lạ với điện ảnh thế giới. Những năm gần đây, trào lưu làm live - action (phim người đóng) những phim hoạt hình cổ tích đang bùng nổ ở Hollywood, và xem danh sách những phim sắp ra trong hai năm tới, dễ dàng nhận thấy, trào lưu này chưa định ngày hạ nhiệt. Câu chuyện Tấm Cám thì hầu hết người Việt Nam mình đã thuộc làu làu rồi. Ngày xửa ngày xưa, Tấm xinh đẹp, chăm chỉ, hiền lành (tóm lại là đủ các đức tính tốt) mồ côi cha, phải sống với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ là Cám… Không có gì đặc biệt, nhưng ai cũng thuộc, đó là cái hay của Tấm Cám. Nhà nhà kể chuyện Tấm Cám, người người kể chuyện Tấm Cám, thậm chí sách giáo khoa cũng kể chuyện Tấm Cám…, chẳng cần mạng xã hội, chỉ nhờ truyền miệng hình ảnh Tấm Cám được xuất hiện hết sức rộng khắp. Song, chả vì thế mà Tấm Cám bị ngán. Đầu năm nay, sân khấu kịch Idecaf diễn lại vở Tấm Cám lừng danh mười sáu năm trước. Vài tháng trước, sân khấu kịch Hồng Hạc công diễn vở Tấm và Hoàng hậu. Bây giờ thì, cả Việt Nam đều biết đến Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân, do cuộc "đấu tố" kịch liệt giữa BHD, VAA với CGV hay chất lượng bộ phim thì không thống kê được.
Nói thế để thấy, Tấm Cám nhẵn mặt người Việt Nam thế nào. Ngô Thanh Vân, đúng với những gì người ta biết về cô, quyết liệt và mạo hiểm (bằng chứng là dù hát không hay, Vân vẫn đi làm ca sĩ), đã chọn kể chuyện theo cách khác, không khuôn rập một trăm phần trăm nguyên tác. Ngay khi trailer đầu tiên trình làng, bằng những cảnh quay đẹp lộng lẫy, bằng những điểm nhấn khác biệt câu chuyện cổ tích mà người Việt Nam được nghe, có đánh giặc, có hành động, có âm mưu..., và bằng gái đẹp, dĩ nhiên, Tấm Cám: Chuyện chưa kể suýt tạo được hiện tượng như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hồi năm ngoái. Nhưng, tiếc là, để nói một câu ngắn gọn về bộ phim thì đó có lẽ là, những thứ hay ho nhất đã nằm trong trailer. Còn để nói dông nói dài hơn, bộ phim có nhan sắc và cuộc đời giống như nhân vật Tấm vậy.
'Tấm Cám: Chuyện chưa kể': Chơi lớn như Ngô Thanh Vân 2
Đầu tiên là Tấm xinh đẹp. Những cảnh quay ở Ninh Bình tuy không bì được với Thiên mệnh anh hùng năm nào, nhưng cũng đủ để đãi người xem một chuyến du ngoạn sông núi chớp nhoáng. Kỹ xảo CGI của phim khá tốt. Diễn viên trong phim thì lung linh, mỹ nữ có Lan Ngọc, Hạ Vi…, mỹ nam có các thành viên nhóm nhạc 365 vừa trẻ trung vừa nhiều fan.
Tấm chăm chỉ. Phim là phản ánh sức lao động bỏ ra của Ngô Thanh Vân nói riêng và ê kíp Tấm Cám: Chuyện chưa kể nói chung. Phim nhìn chung nhiều đoạn lực bất tòng tâm, nhưng không phủ nhận, nỗ lực để làm nên một tác phẩm hoành tráng là điều hoàn toàn rõ ràng qua bối cảnh, phục trang, thiết kế, âm thanh, ánh sáng…
Tấm đa đoan. Phim đáng lẽ đã tốt hơn nếu Ngô Thanh Vân không quá tham thể loại và tình tiết. Nào là fantasy, nào là hành động, nào là ly kỳ, nào là dã sử, rồi sau cùng hai con quái vật qua dung nhan đoán chừng mang quốc tịch nước ngoài xuất hiện làm gợi nhớ một số phim khoa học giả tưởng của Mỹ. Nhấn mạnh ý tưởng chuyện chưa kể ngay từ tên phim, nhưng rốt cuộc chính những chuyện chưa kể lại là điểm yếu của phim. Những tình tiết quen thuộc như mất giỏ tép, mất cá bống, mất vàng anh… hóa ra mới là những phân đoạn tròn trịa và hấp dẫn nhất của phim. Tiếc thay, cái hay thì không mới. Mà cái mới thì không hay. Mạch phim thì bấp bênh như phận cô Tấm. Có những phân đoạn cực kỳ trau chuốt, song có những tình huống được xử lý nhanh chóng đến độ hấp tấp. Như cái cách thái tử và Tấm yêu nhau. Và tông phim thì chả khác gì những hiệp khách giang hồ thoắt ẩn thoắt hiện. Người xem đang say sưa với cây thị, bếp lửa, cây cau… đậm chất Việt Nam thì đùng cái, gã hiệp khách mang tên Hollywood nhào tới, vung kiếm một phát, gã hiệp khách khoác áo nhà quê kia đành ngậm ngùi rời cuộc chơi. Biên độ sáng tạo của người làm nghệ thuật là bất tận. Đạo diễn được quyền chiều chuộng trí tưởng tượng của mình, song nhất định phải có độ chính xác và một sự chuẩn bị kỹ càng để người xem đón nhận. Người xem vừa quen mắt với các thế võ có chút Vovinam, chút đấu vật Mông Cổ, chút Teakwondo mà trong tíc tắc, thái tử hứng chí bật một phát bay xa vài trượng, rồi từ đó đến cuối phim, thái tử đổi luôn thế võ. Thế là, từ đánh đấm như võ sĩ giác đấu, các nhân vật trong phim chuyển sang đánh đấm như siêu anh hùng không cần nghĩ ngợi.
'Tấm Cám: Chuyện chưa kể': Chơi lớn như Ngô Thanh Vân 3
Tấm hời hợt, nửa cuộc đời trước của mình cũng phải nhờ mẹ con nhà Cám và ông Bụt quyết. Khá nhiều lời thoại trong phim sáo rỗng, nhất là lời thoại giữa thái tử và Tấm. Thái tử ngoài thể hiện say mê dành cho Tấm ra (phần lớn là qua ánh mắt đắm đuối) thì không còn gì khác để khiến người xem cảm nhận được tình yêu giữa hai người, đó là chưa kể diễn xuất và biểu cảm cứng ngắc của Hạ Vi. Điểm yếu nhất của Tấm Cám: Chuyện chưa kể có lẽ là kịch bản. Ngoài những vật cũ có trong nguyên tác, thì hầu hết các nhân vật nằm trong nhóm chưa kể đều chưa đặc sắc. Họ không dở, chỉ là, như đã nói, chưa đặc sắc. Diễn xuất của nghệ sĩ Hữu Châu quá tuyệt, nhưng nhân vật tay thừa tướng gian trá của anh vẫn là một nhân vật được xây dựng vô cùng bề nổi và đơn giản.
Tấm đơn điệu và suy nghĩ ngây thơ, tưởng xúc đầy tôm là được yếm thắm. Cái thiện và cái ác trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể chủ yếu được minh họa, cứ như thể Bụt chọn giúp ai nghĩa là người đó tốt vậy. Ngô Thanh Vân, Lan Ngọc vào vai mẹ con nhà Cám vô cùng ngọt. Nhưng xem xong phim, thứ đọng lại là, chẳng lẽ cái ác chỉ là mồm mép ngoa ngoắt hay hành vi ngược ngạo? Và cái thiện chính là cái bị vùi dập? Mà, cái ác cái thiện đâu dễ minh họa đến thế, cứ đem bỏ cạnh nhau là được. Bên cạnh đấy, sự đơn điệu và ngây thơ còn nằm trong cách xử lý vấn đề của nhân vật. Mô tuýp của một bộ phim giải trí thông thường thường có ba hồi: Đặt ra vấn đề, nhân vật tìm cách giải quyết vấn đề và cái kết. Các nhà biên kịch Tấm Cám: Chuyện chưa kể cho thấy, đặt ra vấn đề là chuyện của họ và Tấm, còn lại đã có ông Bụt lo. Đây không phải là một tác phẩm đề cao tính chất tác giả và ngôn ngữ điện ảnh, nên việc đi theo hướng giải quyết này chỉ cho thấy sự non yếu của biên kịch.
Tấm có tinh thần vươn lên đỉnh cao quyền lực, sau khi bị hãm hại chết. Ngô Thanh Vân từng tuyên bố trong một bài phỏng vấn trên tờ tạp chí Thể thao văn hóa Đàn ông rằng, cô muốn thống lĩnh dòng phim fantasy trong năm năm tới. Không đợi đến Tấm Cám: Chuyện chưa kể mà từ Ngày nảy ngày nay, người ta đã thấp thoáng thấy được hướng đi của cô. Ngày nảy ngày nay cũng như lần Tấm may mắn thử vừa đôi hài. Nhưng để tái sinh và đạt được mộng lớn như lời tuyên bố ấy là cả một con đường dài phía trước. Tấm Cám: Chuyện chưa kể quả thực là phương tiện để cô truyền tải tham vọng kia. Dẫu còn hạn chế, nhưng cần công nhận, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để chơi liều và chơi lớn như Vân.
Và sau tất cả, Tấm rất thích khóc nhè, hay còn gọi là ăn vạ ông Bụt, tùy cách dùng chữ của mỗi người. Cái này thuộc Tấm Cám: Chuyện chưa kể ngoại truyện rồi. Mời các bạn đọc tin bài liên quan đến việc ra rạp của bộ phim trên trang Văn nghệ của báo Thanh Niên Online những ngày qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.