Thi diễn viên điện ảnh: Đãi cát đừng bỏ vàng!

01/05/2006 23:08 GMT+7

>> "Sẽ tạo đất dụng võ cho thí sinh đoạt giải" Thời gian gần đây, trong khi các cuộc thi người đẹp, thi tuyển giọng ca rầm rộ diễn ra thì cuộc thi dành cho diễn viên lại có vẻ im hơi lặng tiếng. Nhà làm phim than phiền thiếu diễn viên, đưa những đôi chân dài, những giọng ca ngôi sao lên màn ảnh. Phim trường vốn là "nhà" của diễn viên nay nhường lại cho "khách" từ nơi khác đến chiếm lĩnh.

Điểm sơ qua các cuộc thi người đẹp thì có Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Siêu mẫu Việt Nam... ca nhạc thì có các cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM, Sao Mai - Điểm hẹn... diễn ra sôi nổi hằng năm. Riêng lĩnh vực nghệ thuật thứ 7 lại thiệt thòi hơn cả. Từ năm 1991 đến nay, cả nước chỉ có một cuộc thi Diễn viên điện ảnh triển vọng do Hội điện ảnh TP.HCM tổ chức hằng năm, còn các cuộc thi tuyển diễn viên truyền hình do các đài tổ chức thì chỉ rầm rộ được năm đầu rồi... xẹp hẳn. Nhưng từ sau lần tổ chức năm 2004, thì cuộc thi Diễn viên điện ảnh triển vọng đang chững lại vì ban tổ chức chưa tìm được nhà tài trợ. Trước đây, cuộc thi này chỉ gói gọn trong phạm vi TP.HCM nhưng ba kỳ tổ chức sau đã mở rộng trên toàn quốc.

Diễn viên Trương Minh Quốc Thái (giữa) trong phim Hương phù sa - (ảnh: T.L)

Trên thực tế cũng đã có nhiều diễn viên tên tuổi trong làng điện ảnh xuất thân từ cuộc thi này. Được nhắc đến đầu tiên là diễn viên Hồng Ánh. Với giải thưởng Người đẹp duyên dáng của cuộc thi đã cho cô cơ hội đến với điện ảnh. Những bộ phim do cô thủ vai: Hải Nguyệt (đạo diễn Mỹ Hà), Cầu thang tối (đạo diễn Đào Bá Sơn) đều đạt giải A của Hội điện ảnh Việt Nam. Hồng Ánh được đánh giá là gương mặt sáng giá của điện ảnh phía Nam. Năm 2000, cô đã chứng minh điều đó với giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc qua vai Tâm trong phim Đời cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) tại LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45. Cô còn tiếp tục nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim Đời cát và Thung lũng hoang vắng (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. Quyền Linh cũng vậy. Trước đây Quyền Linh tốt nghiệp lớp diễn viên kịch nói Trường Nghệ thuật sân khấu II (bây giờ là Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) nhưng chỉ được nhận những vai phụ. Giải tư từ cuộc thi triển vọng điện ảnh cũng đã làm bệ phóng cho anh đến với điện ảnh. Cho đến bây giờ, anh đã tham gia khá nhiều phim: Khát vọng sống, Đứa con rơi, Thời đại của đàn bà con gái, Người Hà Nội, Bông hoa rừng Sác… và các phim truyền hình Gió qua miền sáng tối, Ngày trở về, Giao thời, Đồng tiền xương máu, Những nẻo đường phù sa... Năm 2001, diễn viên Quyền Linh được nhận giải Nam diễn viên được yêu thích nhất của Hãng phim TFS. Anh cũng nhận được giải Diễn viên xuất sắc của Hội điện ảnh Việt Nam, giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động... Ngoài ra, còn có thể kể đến những Minh Thư, Trương Minh Quốc Thái  và những gương mặt "một thời vang bóng" trong làng điện ảnh  như Hoàng Phúc, Hồng Loan, Thanh Mai, Trịnh Kim Chi, Sông Hương, Kim Ngân... cũng xuất thân từ cuộc thi Diễn viên điện ảnh triển vọng.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng: "Sự xuất hiện của những gương mặt đoạt giải sau cuộc thi là minh chứng cho hiệu quả của các cuộc thi. Có những gương mặt triển vọng sau cuộc thi rồi... biến mất. Hình như không có sự kết nối giữa những cuộc thi như thế này với đạo diễn. Đạo diễn phải đi tìm diễn viên là lẽ đương nhiên. Ban tổ chức cuộc thi bày biện sẵn ra đó, đạo diễn có nhu cầu thì tìm đến. Những người trong nghề mặc định phải quan tâm, phải tìm thông tin thông qua các phương tiện, như báo chí chẳng hạn".

Người mẫu Tống Bạch Thủy: "Những cuộc thi như thế này rất hay. Người tham gia cuộc thi không phải là người chuyên nghiệp mà chỉ cần có năng khiếu và ngoại hình. Cuộc thi tạo điều kiện cho những người yêu điện ảnh thử sức mình. Còn đối với những người vừa bước chân vào nghệ thuật, cuộc thi sẽ cho họ sự tự tin hơn. Về mặt quản lý, năm Thủy tham gia thì cuộc thi được tổ chức rất chặt chẽ. Ban tổ chức đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Nhưng có điều sau cuộc thi, người đăng quang được giải thưởng rồi thôi. Ban tổ chức chỉ có trách nhiệm tạo ra cuộc thi và giải thưởng. Sau cuộc thi, người đoạt giải phải tự tìm đến đạo diễn".
M.H (ghi)

Nhưng công bằng mà nói, vẫn còn số đông những người đã đoạt giải lớn từ cuộc thi này nhưng "im thin thít, lặn mất tăm" chưa kịp để lại vai diễn nào như  Kim Liên, Thanh Xuân, Hoàng Kép, Trung Hiếu, Huyền Trang... Mục đích những người tổ chức cuộc thi là đi tìm diễn viên cho đạo diễn - tìm những gương mặt "triển vọng". Nhưng hạn chế của những cuộc thi là chỉ mới tạo được "đầu vào", chưa có động tác cụ thể  để cho các gương mặt triển vọng có "đầu ra". Vì thế, những người sau khi đăng quang, cầm giải thưởng trên tay như là tấm giấy giới thiệu tự thân đến gõ cửa các nhà làm phim, các đạo diễn... Mà hành trình để gõ cửa được các nhà làm phim cũng lắm gian nan vì những người đoạt giải cũng chỉ "triển vọng" chứ  chưa là "diễn viên". Những người đăng quang để rồi mang giải thưởng về nhà làm kỷ niệm thì cuộc thi đã thất bại vì không đi đúng như mục đích của nó. Cuộc thi lúc này giống như đãi cát bỏ vàng vậy, chỉ có ý nghĩa vui là chính.

Làm đau đầu các nhà làm phim, các đạo diễn không dừng lại ở việc thiếu kinh phí, mà còn ngay cả việc thiếu diễn viên. Phim Việt đang khởi sắc. Trên sóng truyền hình giờ đây không chỉ có phim Hàn chiếm lĩnh mỗi chiều, mỗi tối. Ngoài rạp chiếu phim cũng đã thấy khá nhiều những poster phim Việt. Dù diễn xuất của những người mẫu, ca sĩ không tệ, nhưng những người ủng hộ phim Việt sẽ hân hoan hơn khi được nhìn diễn viên "thứ thiệt" trên màn ảnh. Như niềm vui của khách đến nhà, được chính chủ nhân của ngôi nhà đó tiếp đón chứ  không phải là hàng xóm qua tiếp hộ.

Cần lắm những cuộc thi nghiêm túc để "đãi cát tìm vàng", phát hiện ra những gương mặt có đủ tố chất cho truyền hình - điện ảnh Việt đang khởi sắc bên cạnh nguồn cung ít ỏi từ những nơi đào tạo.

Bà Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam: "Sẽ tạo đất dụng võ cho thí sinh đoạt giải"

Sau một năm tạm dừng, sắp tới vào khoảng tháng 8.2006, cuộc thi Diễn viên điện ảnh triển vọng do Hội điện ảnh TP.HCM tổ chức  sẽ được khởi động trở lại, dưới một tên gọi khác. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hội điện ảnh TP Hồ Chí Minh.

* Bà đánh giá như thế nào qua 12 cuộc thi do Hội điện ảnh TP.HCM tổ chức?

- Qua các cuộc thi trước đây, chúng tôi nhận ra phần đông công chúng và giới trẻ nói chung rất yêu thích phim ảnh. Đó là điều đáng mừng. Hiện nay, dù có các trường điện ảnh nhưng vẫn chưa có một lớp đào tạo diễn viên chuyên nghiệp. Truyền hình và điện ảnh rất thiếu diễn viên. Với chức năng của Hội điện ảnh, chúng tôi muốn làm điều gì đó cho nghề nghiệp của mình. Đó là lý do chúng tôi tổ chức cuộc thi này. Diễn viên là nghề đòi hỏi người đến với nó phải có năng khiếu. Công việc ban đầu của cúng tôi là tìm kiếm và phát hiện những tài năng. 

* Hạn chế của những cuộc thi trước đây là... không có "đầu ra" cho những người đăng quang. Vậy lần này, Hội điện ảnh có những động tác "hậu" Ngôi sao phim Việt không?

- Hội điện ảnh cũng sẽ có những động tác tiếp theo sau cuộc thi, chẳng hạn như giới thiệu những thí sinh đoạt giải cho các nhà sản xuất phim, các đạo diễn. Cuộc thi sẽ chú trọng tăng cường tất cả các thành phần làm phim trong ban giám khảo cũng như các khâu tổ chức của cuộc thi để họ có thể tiếp cận những người dự thi và trực tiếp chọn diễn viên cho mình. Về phía nhà tài trợ, họ cũng có những kế hoạch để có đất dụng võ cho những người đoạt giải theo đúng chức năng.

* Còn về việc đào tạo chuyên môn sau cuộc thi? Vẫn tốt hơn khi diễn viên được đào tạo bài bản, thưa bà?

- Việc đào tạo sau cuộc thi sẽ cần rất nhiều thứ: kinh phí, giảng viên... mà hiện nay chúng tôi không có sẵn. Nhưng chúng tôi cũng có dự định kết hợp với Hội điện ảnh Việt Nam và Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh mời chuyên viên nước ngoài về giảng dạy cho những người đoạt giải sau cuộc thi.

Minh Hoa
(thực hiện)

Minh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.