Ngọn đèn dầu quê...

05/12/2020 10:00 GMT+7

Làng quê tôi nằm bên dòng Lam của quê hương xứ Nghệ. Một bãi sa bồi chạy dài hàng cây số là thiên đường tuổi nhỏ tuổi thơ tôi.

Trốn mẹ đi câu cá, đào dế, đuổi bắt châu chấu, cào cào, đá bóng bưởi... là đủ thứ trò chơi của tuổi thần tiên.
Thuở ấy, vào thập niên 60 của thế kỷ 20, tôi vào học lớp vỡ lòng trước khi vào lớp một. Những bài học tuổi thơ, qua bao nhiêu năm, vẫn còn ghi dấu ấn đến bây giờ: “Có dây bìm bìm/ Leo trên bờ giậu/ Bướm vàng đến đậu / Hoa tím rung rinh”.
Học nhẹ nhàng nên chúng tôi có nhiều thời gian chạy nhảy, vui chơi và vui nhất là giúp mẹ, giúp bà làm nhiều công việc vừa sức, trong đó có công việc làm dầu thắp sáng.
Dầu lửa dùng thắp đèn vô cùng khan hiếm, có thể nói là không có ở quê tôi thuở bấy giờ! Nhà nhà đều thắp đèn bằng dầu tự làm, cũng không mua được dầu ngoài chợ vì không có ai bán!
Những ngày nghỉ học, tôi theo chân các anh chị cùng các em đi dọc bờ sông Lam vào cuối thu. Thời khắc này, thầu dầu tía đã chín rụng quanh gốc; phải nói là bạt ngàn thầu dầu. Từ đâu trên nguồn, giống cây thầu dầu tía (quê tôi gọi là cây dầu vét) được phù sa đưa về và mọc lên thành rừng ven bãi sông.
Những trái thầu dầu tía to gần bằng ngón chân cái có từ bốn đến năm hạt nhỏ, lớn gần bằng hạt mãng cầu, khi chín màu đen bóng. Mang về nhà, đem phơi nắng trái thầu dầu chừng vài ba hôm là nó tự tách ra hạt.
Từ nhà nhìn ra ngay giữa đồng, không biết tự bao giờ có hai cây dầu sơn sừng sững. Vào cuối thu, trái bắt đầu chín và rụng. Chúng tôi phải thức dậy thật sớm, chạy ào ra giành nhau lượm trái rụng quanh gốc. Trái dầu sơn to gần bằng nắm tay, trong ruột có từ ba đến bốn hạt màu xám như hạt gấc…
Khi các nguyên liệu đã khô (hạt thầu dầu tía, hạt dầu sơn, hạt bưởi…), mẹ đem tất cả lên rang chín. Khi chín vàng, mẹ đổ ra và chúng tôi giúp mẹ giã càng nhỏ càng tốt. Một mùi thơm quyến rũ tỏa lan xung quanh. Không ăn được nhân các hạt này đâu, vì chúng rất độc!
Tiếp theo công đoạn “chế biến dầu” là đem nguyên liệu đã giã nhỏ này đun trên bếp cùng với nước. Đun nhỏ lửa ban đầu, khi sôi tăm thì đun tiếp. Chúng tôi ngồi quanh bếp để tận mắt “chứng kiến” những “mẻ dầu” ra đời như thế nào!
Lúc này, váng dầu đã nổi lên phía trên. Mẹ cầm cái môi (dụng cụ làm bếp) vớt nhẹ và đổ vào cái hũ bên cạnh. Cứ thế, nồi càng sôi thì dầu càng nổi nhiều, đến khi lên khói nhạt trắng thì hết. Hũ dầu có một màu vàng sóng sánh, thoang thoảng mùi thơm dễ chịu.
Bây giờ đến “công đoạn” làm bấc đèn! Ra đồng, lựa những thân cỏ ống già, lấy cây đũa thụt vào thì đầu kia ra một đoạn ruột trắng. Đem phơi lên cho khô dùng dần. Bấc cỏ cháy đều và rất nhẹ. Vì thế, cụ Nguyễn Du mới có câu Kiều mà mẹ thường hay ngâm: “Nhẹ như bấc, nặng như chì/ Gỡ ra cho được còn gì là duyên” là thế.
Khi màn đêm xuống, mẹ đem chiếc đèn là chiếc đĩa nhỏ, làm bằng gốm được treo lên cái giá nhỏ. Mẹ rót dầu vào và thả tim vào cho dầu thấm. Đầu bấc được khêu lên và mẹ châm lửa. Một làn khói mỏng bay lên với vừng sáng tỏa xung quanh cùng lan tỏa mùi dầu thơm thơm, lâng lâng đến lạ.
Thuở ấy, bố tôi công tác xa nhà. Nơi lâm trường Tân Kỳ cách nhà chừng bốn mươi cây số. Vài chủ nhật bố lại đi xe đạp về thăm nhà. Có những khi đèn cháy đượm, ngồi cùng bà tẽ ngô, đầu bấc dầu nở ra những nụ đỏ thật đẹp. Bà nói: “Bố mày sắp về thăm nhà đấy! Coi hoa đèn kìa! “Thứ nhất đom đóm vào nhà/ Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn”.
Dưới ngọn đèn dầu này, chúng tôi ngồi học bài say mê. Bao chân trời mở ra qua những trang sách đời, trang sách cuộc sống… Chắc ngày xưa, bao ông nghè ông cống cũng từng ngồi “sôi kinh nấu sử” bên ngọn đèn dầu quê!
Những năm chiến tranh, bom đạn đêm ngày; cơm độn ngô khoai, thiếu thốn trăm bề nhưng ngọn đèn dầu quê không bao giờ biết tắt! Ngọn đèn nhỏ cháy bừng lặng lẽ như thầm nhắc nhở, động viên chúng tôi học hành chăm chỉ, cần cù, biết vượt lên, biết cháy lên để mà tỏa sáng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.