|
Tuổi khai thác phim lên đến 70 năm
Nữ luật sư Phan Cẩm Tú bắt đầu câu chuyện của mình tại chương trình điện ảnh Gặp gỡ mùa thu diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào cuối tháng 11 bằng việc vẽ một chiếc bánh pizza tròn. Chiếc bánh đó được chia thành nhiều phần nhỏ. Một phần bánh có “nhân” là doanh thu từ rạp chiếu, phần khác là doanh thu từ truyền hình, phần nữa từ chiếu trực tuyến. Rồi bà thực hiện một loạt phỏng vấn ngắn. Bà đặt câu hỏi với nhà làm phim độc lập Phan Đăng Di, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng như đạo diễn ăn khách Charlie Nguyễn. Với phim của họ, doanh thu ra sao, từ nguồn nào, trên lãnh thổ nào, họ có bao giờ nghĩ rằng phim của mình có thể chiếu bao nhiêu lâu để thu tiền từ đó.
“Không, tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó (theo tỷ lệ các loại doanh thu như chiếc bánh bà Tú vẽ - PV). Với Chơi vơi, tôi là người làm thuê cho nhà nước nên cũng chưa nghĩ đến chuyện này”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đáp.
Không chỉ đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chưa nghĩ đến doanh thu, ngay cả “người về từ nước Mỹ” như Charlie Nguyễn cũng chẳng nghĩ nhiều đến điều gì khác ngoài việc đưa phim ra rạp. “Sau khi công chiếu, phim của tôi chỉ có thể phát hành thêm chừng 10 năm”, Charlie cho biết. Mặc dù vậy, ngoài chiếu rạp, phim của đạo diễn này cũng chưa từng có thêm nguồn thu nào khác.
Chỉ có thu nhập từ điện ảnh của Phan Đăng Di là phức tạp hơn cả. “Thị trường chính của phim Bi đừng sợ là ở Pháp. Ngoài thị trường chiếu rạp thì nó còn có thị trường là truyền hình. Ở Pháp tiền bản quyền trên truyền hình nhiều hơn. Tôi cũng thu được tiền ở những nước khác nữa nhưng ở Pháp đến 80% chiếc bánh”, Di nói.
“Như vậy là phim “chết” quá trẻ, chỉ “sống” được vỏn vẹn 10 năm, với suy nghĩ của đạo diễn Charlie Nguyễn. Theo luật Sở hữu trí tuệ thì thời gian đó là 70 năm. Chúng ta đang nghĩ tuổi khai thác phim quá trẻ”, bà Cẩm Tú nói. Bà đang làm việc tại MPA - đơn vị đã được ủy quyền để lên tiếng về vụ một số trang mạng tại VN vi phạm bản quyền phim Mỹ.
Không bịt lỗ thủng thì nước chảy hết
Tình trạng chiếc bánh pizza chỉ có một loại nhân rạp chiếu, theo luật sư người Mỹ Hank Baker (luật sư về sở hữu trí tuệ hiện sống ở Hội An), cũng chính là hiện trạng điện ảnh Mỹ khoảng năm 1940. “Bây giờ, năm 2014, chúng ta có TV, video, mạng xã hội, game online... Anh Di chỉ thu được phần của rạp chiếu và truyền hình, còn lại bằng 0 hết”, ông nhận định.
Trong khi đó, cũng có những nhà làm phim giữ gìn cho bộ phim của mình chặt chẽ. Với tác phẩm Dành cho tháng sáu, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã kiểm soát để phim của mình được bảo mật và không xuất hiện trên mạng. Vì thế, muốn xem phim người ta chỉ có thể xem ở rạp chiếu. Anh cũng cho biết có thể sau này sẽ có một số hình thức khác để khai thác bộ phim này.
“Anh Di có nói ngay từ đầu, chúng ta làm phim là kiếm tiền”, ông Hank Baker nói giọng hóm hỉnh. “Nhiều khi đạo diễn chỉ vui thú khi làm phim với sáng tạo của mình. Nhưng đoạn sau để kiếm tiền thì lại không hứng thú lắm. Phần bản quyền dường như chỉ dành cho luật sư thôi. Đạo diễn dường như không thích đọc hợp đồng, ký hợp đồng. Nhưng điều đó lại vô cùng cần cho quá trình sản xuất phim. Bởi đồng tiền bỏ ra và thu về thế nào sẽ là điều nhà đầu tư quan tâm. Họ sẽ nhìn vào tất cả điều đó. Trái lại tôi sẽ bỏ vào người nào thu lại cho tôi nhiều nhất từ đồng tiền tôi bỏ ra”.
“Thực ra, việc thu bản quyền trên mạng còn dễ hơn với băng đĩa lậu, vì môi trường mạng dễ tìm kiếm hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là nếu chúng ta nhận thức là có đủ quyền và theo đuổi việc bảo vệ quyền đó thì nhà nước cũng sẽ ủng hộ chúng ta”, ông Baker nói tiếp. Và ông dẫn chứng việc Chính phủ VN đã yêu cầu, dỡ bỏ được một số trang mạng vi phạm bản quyền phim Mỹ sau khi có văn bản đề nghị của những người làm phim.
Ở VN, theo ông Hank Baker, do vi phạm và cũng do người làm phim chưa ý thức được về bản quyền điện ảnh nên chuyện bản quyền phim cứ mãi bị rò rỉ và chảy đi. “Chúng ta phải nhận thức rằng tiền bản quyền điện ảnh ở VN như một xô nước thủng. Nước chảy qua các lỗ thủng đó còn người làm phim chẳng có được bao nhiêu. Chính vì thế, cần phải chủ động bịt nó lại”, ông nói.
Năm 2013, ông Đặng Xuân Hải khi đó là Chủ tịch Hội Điện ảnh VN cho biết hội sẽ thành lập một trung tâm bản quyền điện ảnh. Thậm chí nhân sự lãnh đạo cho trung tâm cũng được nhắm là ông Nguyễn Văn Nhiêm, Công ty phát hành phim Studio A. Tuy nhiên, cho tới giờ, trung tâm này vẫn chỉ là ý tưởng. Trong khi đó, tổ chức để bảo vệ bản quyền phim điện ảnh, truyền hình đã là việc thật sự cần thiết cho nghệ sĩ cũng như nhà sản xuất và đầu tư.
Phim chiếu trên VTV đều có mua bản quyền Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài truyền hình VN, nói: “Các phim nếu chiếu trên VTV đều có mua bản quyền. Số còn lại là phim do đài truyền hình tự sản xuất”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết Đài truyền hình VN cũng đều trả tiền để chiếu các bộ phim của ông. Không thu được tiền từ những kênh phát hành khác Trên thực tế, ở VN những “dòng chảy tiền khác” của điện ảnh nước ngoài không phải không có. Các nhân vật điện ảnh bước ra từ màn hình được bán tại nhiều cửa hàng đồ chơi. Các tác phẩm điện ảnh Mỹ trên nhiều trang phim online đầy quảng cáo... Nhưng dòng chảy đó dường như tắc với điện ảnh Việt. Những bộ phim đình đám của Quang Dũng, Charlie Nguyễn đã có bản đầy đủ, chất lượng tốt trên mạng, với hàng triệu lượt người xem nhưng chẳng có món đồ lưu niệm nào lấy cảm hứng từ phim ra đời. Đương nhiên, nhà làm phim không thu được gì từ những kênh phát hành phi rạp chiếu đó. |
Trinh Nguyễn
>> Báo động vi phạm bản quyền điện ảnh, truyền hình
>> Gặp gỡ mùa thu' - một hình dung điện ảnh khác
>> Cục Điện ảnh họp báo về bộ phim 18+ Căn hộ 69
Bình luận (0)