Trần Anh Hùng với 'Eternite': Đẹp hơn, và mất mát hơn

08/09/2016 19:55 GMT+7

'Những con gà đi loanh quanh trong vườn, việc của chúng là đẻ trứng. Trần Anh Hùng chẳng diễn giải tầm thường như tôi, nhưng cái cốt lõi trong Vĩnh cửu có khi còn bình thường hơn thế'.

Khi cô bé Mathilde hỏi cậu trai Henry rằng, anh có muốn đạp xe đạp không? "Ngay lúc này à?", Henry hỏi. "Phải", Mathilde gật đầu. Thế rồi, hai đứa trẻ nhắm mắt, nắm tay nhau và lắc lư theo những vòng quay tưởng tượng giữa khu vườn tràn đầy ánh sáng. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến khoảnh khắc Midori và Wantanabe đứng cùng nhau dưới trời ngập tuyết trắng trong Rừng Na Uy mà Trần Anh Hùng làm cách đây sáu năm. Không một tà áo cô dâu, nhưng đấy thực sự là một đám cưới. Những nét mặt rạng rỡ ấy, những lời hẹn thề im lặng ấy, tất cả đã trở nên vĩnh cửu.
Vẫn là sự duy mỹ cực đoan và những khuôn hình đậm chất Trần Anh Hùng mà càng ở những phim sau, cái chất ấy chỉ càng thêm vững mạnh. Trung thành với chất thơ và tính nhạc, tác phẩm mới nhất của Trần Anh Hùng là một đỉnh cao mới trong việc phá bỏ những lối mòn của điện ảnh. Dù rằng, người ta có thể bắt gặp thấp thoáng đâu đó tinh thần The new world của Terrence Malick hay Barry Lyndon của Stanley Kubrick, song nỗi xót xa mà Trần Anh Hùng thả vào những thước phim mãi mãi là thứ của riêng anh. Nỗi xót xa ấy, như cái cây xanh tốt, đã được gieo mầm từ Mùa hè chiều thẳng đứng, đâm chồi ở Rừng Na Uy, và giờ đây, trong Eternite hay còn gọi Vĩnh cửu, nó xum xuê hoa trái.
Tôi có một chị bạn, một nhà sản xuất phim thành đạt. Năm ba mươi bảy tuổi, chị quyết định có con. Vừa bước ra khỏi rạp phim, chị gần như vỡ òa. Chị bảo, nếu không có con, chắc chị đã không cảm nhận được Vĩnh cửu như cách chị cảm nhận hiện tại. Chị nhắc lại một câu thoại trong phim, câu mà hẳn nhiều người sẽ nhắc và nhớ. Một câu nói Valentine tự nói với lòng mình, khi đứa con gái nhỏ của bà chọn đời sống tận hiến và trở thành tu sĩ, rằng, đứa con gái bà yêu thương sẽ không thể cảm nhận trọn vẹn cuộc sống vì đã bỏ qua thiên chức làm mẹ. Mắt chị thật long lanh khi nói về thiên chức của mình. Tôi thì, đã muốn sanh con ngay sau khi xem Vĩnh cửu, dĩ nhiên không phải vì câu nói của Valentine, một người phụ nữ có đến bảy, tám người con và vài chục đứa cháu, một trăm mấy chắt chít. Là vì, tôi bị Trần Anh Hùng thuyết phục bởi cách anh đào sâu hơn hình thái tồn tại của loài người, rất giản dị mà đầy yêu thương. Cho nên, dẫu biết, trong mỗi hành trình vươn lên của bất kỳ cái đẹp nào cũng phải có sự tàn úa và chết chóc, con người vẫn cứ khao khát dấn thân vào. "Máu và thịt, tuy không bao giờ có đủ thời gian như mong muốn, lại có cả sự vĩnh hằng phía trước và phía sau mình. Cảnh tượng đó diễn ra không có tận cùng. Bởi bản năng đã làm nảy mầm xác thịt, sự ham muốn thúc đẩy nó, quấy rầy nó khi nó từ chối điều này, cho đến tận khi nó nhượng bộ, buông mình ngã xuống, áp vào một cơ thể khác và sự vĩnh hằng của dòng dõi những người yêu nhau được đảm bảo", giọng nói ngoài khuôn hình của Trần Nữ Yên Khê - cũng là người dẫn dắt câu chuyện trong phim đã chốt và khép lại Vĩnh cửu như thế.
Thật khó khăn để tiếp nhận cuốn phim ở năm phút đầu tiên. Nhưng rồi, khi đã tìm ra lối đồng điệu với hình ảnh và âm giai, chúng ta sẽ với tay đến được một thứ mới mẻ hơn, nằm ngoài hình thức và vẻ đẹp. Điều gì là vĩnh cửu trong Vĩnh cửu? Phải chăng là một màu hè mật ngọt - mùa của thu hoạch và sinh sôi. Vẫn là nhờ sự ăn ý giữa Trần Anh Hùng và cộng sự lâu năm Ping Bin Lee - người đã đóng dấu ấn của mình lên những thước phim slow-motion của Vương Gia Vệ nên chất thơ trong Vĩnh cửu đã đạt đến cực điểm, đồng thời đẩy cuốn phim ra khỏi sự sến súa. Một mùa hè mật ngọt và mềm mại như dải lụa, như tuổi thơ và tuổi trẻ của những nàng thiếu nữ trong phim. Anh bạn tôi hỏi, thế, những con người trong phim không làm gì ngoài ngồi thưởng trà và sanh con à? Ừ, thì thật ra nó là bản chất cuộc sống đấy thôi. Những con gà đi loanh quanh trong vườn, việc của chúng là đẻ trứng. Trần Anh Hùng chẳng diễn giải tầm thường như tôi, nhưng cái cốt lõi trong Vĩnh cửu có khi còn bình thường hơn thế. Sinh sôi trong mùa hè và đưa tiễn nhau ở những mùa khác. Cuộc sống quá ngắn ngủi và bất trắc để yêu thương. Không cần đến mười hai mùa hè ngọt ngào của Valentine và Jules, ở giữa những tháng ngày hạnh phúc nhất của họ, những mất mát đã manh nha thành hình. Màu sắc của phim đều mang tính hoài niệm. Mọi cái đẹp đều là quá khứ. Nhưng nếu quá khứ không mất đi, thì cái đẹp vẫn luôn tồn tại. Khi Valentine đỡ đầu cháu nội trong lễ rửa tội đứa trẻ, bà rưng rưng nhớ lại cái lần mình đỡ đầu chính đứa con rứt ruột của mình. Những va chạm và vòng ôm được tái diễn nhiều lần của những người mẹ với những đứa trẻ sơ sinh.
Vĩnh cửu dựa trên cuốn tiều thuyết L’Élégence des veuves (Nét duyên góa phụ) của nhà văn Pháp Alice Ferney, xuất bản năm 1995, đã được Trần Anh Hùng lược bỏ gần như hoàn toàn nội dung nếu đem so với nguyên tác. Kịch bản phim chỉ vỏn vẹn tầm bốn chục trang và không có cốt truyện. Tất cả những thứ còn lại trong Vĩnh cửu là cái đẹp và cảm xúc. Ba người phụ nữ tuyệt đẹp và tuyệt vời trong phim được giao cho ba minh tinh hàng đầu Pháp hiện nay, Audrey Tauto (Valentine), Melanie Laurent (Mathilde), Berenice Bejo (Gabrielle). Lấy bối cảnh nước Pháp từ cuối thế kỷ mười chín trở về sau, Vĩnh cửu khởi đầu bằng thời kỳ vàng son "Belle Epoque" trải dài qua nhiều năm tháng, trong đó có thế chiến thứ nhất. Ba người phụ nữ kể trên đều là những người phụ nữ Pháp nếm trải hạnh phúc từ việc sinh con và hơn một lần đau khổ vì mất đi người thân. Không tập trung ở nhân vật nào, Vĩnh cửu của Trần Anh Hùng cự tuyệt mọi xung đột và tình tiết, tất cả chầm chậm phớt qua khuôn hình. Hai LHP lớn nhất thế giới từng phát hiện và công nhận Trần Anh Hùng là Cannes và Venice đã từ chối Vĩnh cửu. Vì một lý do nào đấy, hoặc vì họ không còn thể chấp nhận được Vĩnh cửu sau khi đã được Trần Anh Hùng lóc sạch da thịt, chỉ còn lại phần cảm giác bay bổng như chính cuốn phim mà rất khó khăn người ta mới nắm bắt được. Cá nhân tôi nghĩ, không cần Trần Anh Hùng phát biểu, chỉ coi phim của anh thôi đã có thể dõng dạc tuyên bố, đây hẳn là một sai lầm lớn của hai ông lớn kia. Những năm gần đây, các LHP lớn bắt đầu biến thành sân chơi khoác áo nghệ thuật của chính trị, hoặc là bản thân họ đang bế tắc đến độ chỉ nương theo dẫn dắt của câu chuyện. Vĩnh cửu, có lẽ sẽ rất khó đồng cảm ở lần thưởng thức đầu tiên đối với số đông người xem, song nó là tác phẩm hoàn hảo có lối diễn đạt bậc thầy về con người.
Tôi thích triết lý cả nghệ thuật lẫn nhân sinh của Trần Anh Hùng trong Vĩnh cửu, cũng như quy trình phình to của thế giới này mà cuốn phim đã thể hiện, hay cái cách những người phụ nữ của anh mang bầu trong phim. Cô con gái đi tu của Valentine từng có một buổi sớm hè ngập nắng ở tuổi ấu thơ và chớm lớn khi cô còn tại gia. Nhưng rồi, cuộc đời cô khép lại ở ngày tháng đó, hoặc trôi về một thế giới nào khác, không phải là thế giới tự nhiên của Vĩnh cửu. Hai hình ảnh, hai cô dâu. Cô áo đen đính ước với Chúa. Còn cô áo trắng bước ra thánh đường với chú rể rồi hăng hái lao vào đời sống rất đỗi bình thường như bà mình, mẹ mình, và những đứa con gái sau này của cô ấy. Nhưng, như những cánh đồng lúa vàng rực, sau khi thu hoạch, là rơm rạ và chết chóc. Hình ảnh cánh cửa, không hề phô trương hay cố ý, đã được đặc tả như là nơi mà cái chết bước ra và sự sống bước tới. Mọi thứ xoay vần.
Đẹp đến choáng ngợp! Ngoài cảnh quay Paris hiện đại cuối phim, thì toàn bộ cuốn phim được quay ở một dinh thự Pháp được thiết kế quá sức trang hoàng lộng lẫy. Chính điều này làm tôi liên tưởng đến Barry Lyndon mỗi frame đều là một bức tranh tuyệt hảo. Tuy nhiên, bỏ qua hình thức đẹp đẽ bề ngoài đi, rốt cuộc, Vĩnh cửu còn lại gì? Vẫn là cái đẹp thôi, nhưng Trần Anh Hùng đã đưa người ta đi đến tận cùng của cái đẹp. Là những run rẩy. Từ sự xuất hiện không hình hài của cái chết đầu tiên cho đến khi màn hình khép lại, nỗi sợ hãi về sự tan biến của cái đẹp cứ ám ảnh trong đầu tôi. Cái đẹp rực rỡ là cái đẹp được tiên báo sẽ mất đi. Và nỗi mất mát ấy cứ gặm nhấm người ta cho đến khi mùa hè quay trở lại. Cái đẹp lặp lại dễ khiến người ta nhàm chán, nhưng nỗi sợ thì không. Những sự cọ xát da thịt giữa người và người trong phim vừa êm ái lại vừa sắc nhọn như lưỡi dao đợi sẵn trên cổ gà. Tôi không thấy đẹp. Tôi chỉ thấy được sự bất lực của con người. Không có cách nào để gần nhau hơn. Và, mỗi cú chạm là một tiên liệu cho sự xa cách.
Một cảm nhận mang tính cá nhân, đó là việc Trần Anh Hùng đã thay đổi ít nhiều tiêu chuẩn của mình. Không phải là những cú máy slow - motion đã làm nên một In the mood for love mà anh từng chê bai, hay những giá trị truyền thống được tôn vinh trong phim…, sự thay đổi ở đây là việc Trần Anh Hùng bỏ mặc mọi thứ, kiểu hình ảnh đã có Ping Bin Lee phụ trách, thiết kế đã có vợ anh - Trần Nữ Yên Khê đảm nhiệm, phần anh, anh cho tôi cảm giác anh chỉ ai có làm gì đi nữa thì cái thứ anh theo đuổi xuyên suốt cũng không bị ảnh hưởng. Tất nhiên, khẳng định lần nữa, đấy cũng chỉ là ý kiến cá nhân mà không có cái gật đầu của đạo diễn. Có những xung đột tự thân trong cách làm phim của Trần Anh Hùng ở tác phẩm này, khước từ tiếp cận điện ảnh thông thường để kể những câu chuyện hết sức cũ kỹ, sinh nở và chết chóc. Nhưng nếu bị hút vào mạch cảm xúc của Vĩnh cửu, thì người ta sẽ dễ dàng run bần bật lên trước những mong manh của cuộc sống mà không chỉ qua một, hai khuôn hình hay vài lời thoại có thể khắc họa được. Đó, đó chính là lý do hơn hai tiếng ngụp lặn trong vỏ bọc của cái đẹp mà người lỡ ngã lòng với Vĩnh cửu vẫn không bị ngộp ngạt. Vì con người càng sợ hãi thì càng muốn chạm tới giới hạn của bản thân.
Sự vĩnh cửu là gà mái không thể cưỡng được việc chúng đẻ trứng để ấp thành con, hay để người ta đến lấy đi. Sự vĩnh cửu là dù muốn hoặc không, con người phải đối mặt với nỗi mất mát. Bởi, cuộc đời này quá đẹp rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.