Tranh luận quanh tiểu thuyết "Hội thề"

22/04/2011 23:25 GMT+7

Ngay sau khi tiểu thuyết Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2010, một cuộc tranh luận dữ dội đã nổ ra, làm xáo động văn đàn cả nước.

Hai cách nhìn về hình tượng Nguyễn Trãi

Đặt bối cảnh lịch sử vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân dường như không có tham vọng dựng lên một bức tranh toàn cảnh về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà chỉ chọn một thời điểm, thời điểm kề cận chiến thắng cuối cùng: đó là lúc đại quân của Lê Lợi kéo về trại Bồ Đề, và bên kia sông, đoàn quân viễn chinh của Tổng binh Vương Thông đang thoi thóp trong thành Đông Quan.

“Tràn vào thành, tắm máu quân xâm lược, hay là một chiến thắng nhẹ nhàng bằng cách cho chúng cơ hội cởi giáp quy hàng? Sự giằng co giữa hai lựa chọn này của nghĩa quân Lam Sơn chính là cái lõi để cốt truyện Hội thề được bung ra, và từ đó, một trong những chủ đề cơ bản của tác phẩm được đào sâu: thân phận của người trí thức trong mối quan hệ với thế lực cầm quyền”, nhà phê bình Hoài Nam nhận định. Hoài Nam cho rằng: nhân vật đại diện cho người trí thức trong Hội thề là Nguyễn Trãi, người kiên quyết chủ trương giành chiến thắng mà không gây đổ máu, giữ “sĩ diện” cho kẻ thù để tránh hậu quả về sau. Đối lập với Nguyễn Trãi là các tướng lĩnh Lam Sơn, những người đã sát cánh với Lê Lợi ngay từ buổi đầu tụ nghĩa, và là những cột trụ của tân triều sau này. Trong tác phẩm, họ được mô tả như là những kẻ võ biền, ít học, ứng xử rất cảm tính, bản năng.

Phát biểu ý kiến của mình trên một trang web, nhà thơ Từ Quốc Hoài đã tỏ ra bức xúc về việc Hội Nhà văn VN tôn vinh tiểu thuyết Hội thề khi cho rằng: “Tác giả Hội thề đã đẩy Nguyễn Trãi, một anh hùng kiệt xuất vào thế cô độc, chỉ trang trải lòng mình được với Thái Phúc, một viên bại tướng nhà Minh đã đầu hàng nghĩa quân: “Xin đại huynh nhận cho Trãi này ba vái: một vái để tạ lòng nhân của đại huynh… Còn vái này là tạ công lớn của đại huynh với nghĩa quân…, vái này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút là Trãi này…”. Một Nguyễn Trãi uy nghi, tác giả bản thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại cáo mang hào khí của cả dân tộc thắng giặc ngoại xâm sao có thể tự nhận mình là đứa em côi cút trước viên hàng tướng Thái Phúc?”.

 
Bìa tiểu thuyết Hội thề

Trong khi đó, nhà phê bình Hoài Nam lại tỏ ra đồng cảm với tác giả Nguyễn Quang Thân khi ông miêu tả một Nguyễn Trãi cô độc giữa các tướng lĩnh của Lê Lợi: “Ông luôn là khách giữa đám quần thần tướng lĩnh của một triều đại đang bắt đầu sửa soạn ngôi thứ. Họ là người nhà, còn ông là khách, mãi mãi là khách. Với các tướng lĩnh Lam Sơn, ông không cách nào chia sẻ được cùng họ “tầm nhìn xa” của một trí thức, tầm nhìn hướng tới những vấn đề hậu chiến thắng, những vấn đề của một quốc gia phương Nam luôn phải duy trì sự tồn tại độc lập của mình bên cạnh kẻ láng giềng phương Bắc chưa bao giờ nguôi tham vọng...”.

Tranh luận dưới góc độ tiểu thuyết và lịch sử

Cuộc tranh luận nhanh chóng lan sang địa hạt sáng tác tiểu thuyết lịch sử với những kiến giải khác nhau về “quyền” của người viết. Bình luận về Hội thề trên trang web của Hội Nhà văn VN, nhà phê bình Lê Thành Nghị nhìn nhận: “Cái hơn người của Lê Lợi là ở chỗ ông đã nhận ra tư tưởng lớn trong dự định của Nguyễn Trãi. Lịch sử chỉ nói có cuộc dụ hàng của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đối với tướng nhà Minh là Vương Thông qua những Trung quân từ mệnh nhưng không nói nó đã được hình thành, đã được trả giá như thế nào để đi đến một kết thúc chiến tranh chưa từng có trong lịch sử quân sự, đưa lại nền hòa bình kéo dài ba trăm năm mươi năm sau đó cho Đại Việt. Đấy là một trong những trang trắng của lịch sử mà Nguyễn Quang Thân muốn lấp đầy bằng tiểu thuyết”.

Ngược lại, nhà văn Hà Văn Thùy phản biện về Hội thề trên một trang web như sau: tiêu chuẩn vàng để định giá một tiểu thuyết lịch sử, đó là tính chân thực lịch sử. Không phải sách sử nhưng tiểu thuyết lịch sử thể hiện tinh thần, hồn vía của sự kiện cùng nhân vật lịch sử. Đem chuẩn mực kinh điển này soi vào Hội thề, ta thấy rất rõ tác phẩm thiếu tính chân thực lịch sử ở phương diện phản ánh không chân thực tinh thần của một thời đại lịch sử. Cái tâm thức kình chống, coi khinh trí thức của nghĩa quân Lam Sơn trong Hội thề cũng không thực. Ở triều Trần và tiếp đó, Hậu Lê, Nho giáo Việt Nam cực thịnh. Chỉ ít năm sau hội thề, vua Thái Tông đã tổ chức khoa thi và lập bia tiến sĩ rồi vua Thánh Tông xây dựng văn nghiệp huy hoàng chưa từng có. Vì vậy, thái độ kỳ thị, khinh khi trí thức như mô tả trong Hội thề không chỉ không có trong khởi nghĩa Lam Sơn mà cũng không hề có trong lịch sử Việt. 

Trên một trang web khác, nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại phát hiện những khiếm khuyết của Hội thề khi cho rằng nhà văn Nguyễn Quang Thân đã hư cấu những chi tiết phi lịch sử. Nhà thơ này nhận xét: “Ví dụ khi tác giả viết về bà Nguyễn Thị Lộ vào năm 1427: “Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ (tức Nguyễn Thị Lộ)…”. Xin thưa, chức đại học sĩ của bà Lộ mãi đến mười năm sau mới có, khi sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua thích vợ của thừa chí Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ gọi vào cung làm lễ nghi học sĩ”… Hay ở trang 324, tác giả tả cảnh người dân Thăng Long ăn mừng đại thắng quân Minh dưới Khuê Văn Các. Thưa rằng, Khuê Văn Các do Tổng trấn Bắc Hà Nguyễn Văn Thành xây từ năm 1802, tức là tác giả đã bịa ra Khuê Văn Các trước khi nó được xây dựng tới 375 năm! Còn ở trang 307, tác giả tả Vương Thông cưỡi ngựa chạy trên đường Cổ Ngư. Thưa, hơn ba trăm năm sau sự kiện này đường Cổ Ngư mới được dân ba xã quanh Hồ Tây đắp nên, làm gì có đường cho quân Minh phi ngựa lúc đó (!)”.

Tranh luận quanh tiểu thuyết Hội thề (phần 2)

 Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.