Tuổi thơ bi thương của người đẹp Trần Ngọc Trà

09/04/2007 23:05 GMT+7

Khác với cô Ba xà bông con thầy thông Chánh, cô Ba Trần Ngọc Trà - hoa khôi số một của Sài Gòn đầu thế kỷ 20 - đã có một tuổi thơ cay đắng, bị đánh đập hắt hủi từ lúc mới lên năm...

Thân phụ Ngọc Trà người ở Cần Giuộc (làng Phước Khánh) đã trải qua sáu lần tan vỡ với sáu người phụ nữ khác trước khi lấy má của Trà quê ở Cần Đước (làng Tân An) về làm vợ. Sinh Trà được 5 năm, thì ba Trà trong một cơn ghen đem lòng nghi vợ không chung thủy và không nhìn Trà là con ruột của mình nữa; ông giận đến nỗi thổ huyết qua đời. Bà nội Trà quá đau xót trước cái chết của con trai nên khi vừa liệm xong ba Trà, bà cũng đột ngột mất theo.

Thế là hai chiếc hòm đặt song song giữa nhà trông tang tóc hết sức. Chôn cất ba và bà nội Trà xong, người bác ruột cho gọi má Trà bồng Trà đến, rồi nhẫn tâm lột chiếc khăn trắng trên đầu Trà ra không cho để tang nữa, lấy cớ lúc hấp hối ba của Trà trối rằng Trà không phải con của mình. Vậy bé Ngọc Trà là con ai? Đã không có bằng cớ nào để kết tội má Trà cho rõ ràng, bác trai chỉ một mực vin vào lời ba Trà để lên tiếng mắng má Trà không xứng đáng là con dâu họ Trần.

Không sống nổi trong nhà chồng đầy ánh mắt thị phi ruồng rẫy kia, nên má Trà lặng lẽ bồng con về quê ngoại Cần Giuộc và nhiều lần dường như bà bị lên cơn khủng hoảng. Mỗi lần như thế bà lấy cô bé Trà ra "gỡ gạc" bằng cách nện những trận đòn roi, đấm đá, củi gậy lên người Trà. Tấm thân bé bỏng của cô hoa khôi Sài Gòn tương lai này đã bầm tím từ thuở lên 5 lên 6 ấy - cái tuổi con nít láng giềng có đứa bắt đầu được đi học ê a, còn bé Trà thui thủi ở nhà, bên tai văng vẳng lời mắng nhiếc của má: "Đánh cho tiệt nòi cái giống đoản hậu!".

Câu mắng đó Trà vẫn còn nhớ như in trong trí mình. Sau mỗi trận đòn phũ phàng như thế, má Trà lại ân hận thường mua bánh trái về cho Trà ăn, dường như bà muốn bù lại chút ngọt ngào hiếm hoi cho bé, nhưng làm sao bù nổi? Vì trong lòng cô bé Trà đã hằn lên một nếp gấp bi thương có sức tác động đến sự hình thành một tính cách: coi đời "lạnh như băng".

Con tem có in hình người đẹp Nam Bộ mà một số nhà sưu tập cho là hình của hoa hậu Sài Gòn xưa - Ảnh: Tư liệu của ông K.H

Lạnh cả khi lớn lên đối mặt với tiền của và sự chìu chuộng của những người ái mộ, như với trường hợp của công tử Georges Phước chẳng hạn: Georges Lê Văn Phước, con trai một ông đốc phủ giàu nức tiếng, đã sang Pháp du học, về nước không theo đường công danh hoạn lộ, chỉ thích ăn chơi bay bướm, người lại trắng trẻo hào hoa nên được giới phong lưu thời ấy tặng cho mỹ danh là Bạch công tử. Với phong độ đang lên, Bạch công tử không thiếu gì người đẹp vây quanh nhưng vẫn thấy hụt hẫng vì đeo đuổi bao lâu mà chưa chinh phục được hoa khôi Trần Ngọc Trà.

Lúc bấy giờ Trà đã nắm trong tay sức mạnh kim tiền lẫn nhan sắc trời cho đang vào độ "mãn khai" và đã trở thành bà hoàng trong các sòng bạc thâu đêm (hơn là trong các "dạ vũ" như chúng tôi đã viết trong kỳ trước) và được gọi bằng một cái tên rất Tây ghép với tên một nữ tài tử nổi tiếng trên màn bạc thành: Yvette Trà. Để được gần gũi Yvette Trà, một bữa Georges Phước lái một chiếc xe bốn bánh thuộc loại lộng lẫy đương thời đến rước Trà xuống Cần Thơ đổi gió.

Khi hai người vào khách sạn Bungalow, Georges Phước lột chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó vàng chỉ 60 đồng một lượng) đặt lên bàn để vào phòng tắm. Khi bước ra thấy Yvette Trà đang lấy chiếc nhẫn của mình đeo thử vào tay ngắm nghía, Georges Phước liền buột miệng nói chiếc nhẫn coi vừa ngón tay Trà quá, vậy Trà đeo luôn đi. Chỉ trong nháy mắt, chiếc nhẫn kim cương "nặng ký" kia đổi chủ nằm ôm ngón tay thon đẹp của hoa khôi số một Sài Gòn. Biết chuyện, công tử Bạc Liêu lúc ấy cũng đang theo đuổi Yvette Trà, liền đến gặp Trà và tặng cô một chiếc nhẫn khác trị giá gấp đôi chiếc nhẫn của Georges Phước. Trước hai cuộc săn đón ấy, Yvette Trà phải chọn đeo chiếc nhẫn nào để vừa lòng cả hai công tử? (Còn tiếp)

H.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.