Ứng xử với di sản chưa có danh hiệu

27/05/2018 07:08 GMT+7

Tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều công trình kiến trúc cổ quý giá gắn liền với lịch sử vẫn chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo vệ trước sự xâm hại của tiến trình phát triển đô thị là vô cùng khó khăn.

Vì sao không chịu xếp hạng?
Nhân dịp Sài Gòn - TP.HCM 300 năm, PTS-KTS Lê Quang Ninh từng có công trình nghiên cứu gần 5 năm, xác định 108 đối tượng văn hóa cần được bảo tồn thì tính đến thời điểm hiện nay đã bị “biến mất” và xâm hại đến 1/4 do sự phát triển “quá nóng” của đô thị. Trong khi đó, việc hoàn thiện các hồ sơ để được xếp hạng di tích không hề đơn giản, thậm chí có nơi không... né mà còn từ chối thẳng.
Chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) đều là những di sản chưa có danh hiệu Ảnh: Ngọc Dương - Khả Hòa
Ông Nguyễn Văn Nghiệm, đại diện Ban Quản lý chợ Tân Định (nơi có tuổi đời cỡ 92 năm) cho biết: “Cấp trên cũng có xuống trao đổi nhưng tiểu thương và ban quản lý còn băn khoăn lắm. Vì nếu được xếp hạng di tích thì việc sửa chữa, trùng tu phải theo đúng quy trình mà chợ xưa thì cũ kỹ hư hỏng, mưa dột bất thình lình, chờ theo thủ tục biết bao giờ mới xong, chưa kể trong quá trình chờ ảnh hưởng đến hàng hóa ai sẽ chịu trách nhiệm. Khó lắm”.
Công trình Bưu điện TP.HCM, sau khi sơn sửa hoàn thiện, theo Giám đốc Nguyễn Thị Thu Vân thì hiện vẫn cho tổ chức khách tham quan bình thường, còn việc tiến hành làm hồ sơ công nhận di tích cũng chưa thấy tiến triển. Đối với nhà thờ Đức Bà hiện đang được trùng tu quy mô lớn chưa từng có, cũng đầy đủ các tiêu chí nhưng do chưa tiến hành các thủ tục cần thiết nên vẫn chưa thể xếp hạng và Sở VH-TT chỉ đưa vào danh mục kiểm kê di sản theo quy định. Theo linh mục Hồ Văn Xuân, Trưởng ban Trùng tu nhà thờ Đức Bà: “Thực ra Sở VH-TT TP.HCM nhiều lần mong muốn chúng tôi làm hồ sơ xếp hạng di tích nhưng nhà thờ vẫn đang cân nhắc, còn phải tìm được sự đồng thuận trong linh mục đoàn, tu sĩ và giáo dân thì mới có thể quyết định được”.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM), lý giải: “Căn cứ vào quy định hiện nay, di tích nào muốn xếp hạng đều phải có đơn đề nghị của chủ sở hữu thì mới có cơ sở làm thủ tục, mà một khi đã được xếp hạng thì phải chịu sự chi phối của luật Di sản văn hóa và chịu sự quản lý của nhà nước nên nhiều nơi không muốn nộp hồ sơ. Bênh cạnh đó, nếu di tích đã được công nhận thì bất cứ lúc nào muốn trùng tu hay sửa chữa gì (dù nhỏ nhất) cũng phải được sự cho phép của UBND TP.HCM hoặc Cục Di sản văn hóa nên vì sợ rắc rối, nhiều đơn vị đều tìm cách lần lữa không làm hồ sơ”.
Ở TP.HCM còn nhiều công trình trong tình trạng tương tự như: chợ Bến Thành (hơn 100 tuổi), nhà thờ Huyện Sĩ, Nhà hát TP, trụ sở UBND TP.HCM, Trường THPT Trưng Vương, Dinh Thống Nhất, Kho bạc Nhà nước TP.HCM, trụ sở Cục Hải quan TP.HCM...
Vẫn có cách để quản lý di sản đô thị
Ở Hà Nội, cũng từng có tình trạng di sản kiến trúc đô thị không có danh hiệu nên bị xâm hại. Trường ĐH Dược ở 19 Lê Thánh Tông, do KTS nổi tiếng Ernest Hébrard thiết kế, đã bị phá khuôn viên khi một phòng thí nghiệm được xây trong sân hồi đầu năm 2013, trong khi nơi này là tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương. Khi đó, công trình này không phải di tích có danh hiệu, cũng không thuộc một danh sách cần bảo tồn nào.
Sau đó, cuối năm 2013, công trình ĐH Dược đã xuất hiện trong một danh sách có tên Các công trình kiến trúc khác xây dựng trước 1954 cần được bảo tồn, do UBND TP.Hà Nội ban hành. Trong danh sách này còn có nhiều công trình khác, trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia và trụ sở Bộ Ngoại giao. Điều đó có nghĩa là nếu “động chạm” vào các công trình này, sẽ phải có sự cho phép của TP và các sở ngành liên quan. Chưa hết, trụ sở Bộ Ngoại giao sau đó đã được bộ này và Sở VH-TT Hà Nội cùng phối hợp để làm hồ sơ, nhận danh hiệu di tích cấp quốc gia vào 2016. Việc “động chạm” vào công trình do đó cũng sẽ chịu một quy chế giám sát nghiêm ngặt hơn từ cấp T.Ư.
Cùng với danh mục các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần được bảo tồn, Hà Nội cũng công bố danh sách biệt thự cũ. Cả hai danh mục trên đều thuộc nhóm phụ lục của Nghị quyết về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Theo đó, các di sản mà Hà Nội xác định “cần tập trung nguồn lực bảo tồn” này gồm: 79 phố, 1 làng, 7 làng nghề, 225 biệt thự cũ, 41 công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và 2 di sản phi vật thể. Trong danh sách các công trình trước năm 1954 có còn những công trình như: Phủ Chủ tịch, trụ sở Bộ Ngoại giao, trụ sở Bộ Tư pháp, trụ sở Báo Văn nghệ quân đội, tháp nước Hàng Đậu, nhà thờ Cửa Bắc, cầu Long Biên, Trường THPT Chu Văn An, nhà tù Hỏa Lò, nhà thờ Hàm Long, ga Hà Nội…
Bưu điện TP.HCM ẢNH: KHẢ HÒA
TS Nguyễn Thị Hậu, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, cho rằng phát triển sẽ tạo ra thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi đến mức các biểu tượng của đô thị như Dinh Thượng Thư (TP.HCM) nếu biến mất thì đó không phải là cách phát triển bền vững, lấy văn hóa làm gốc. “Nó sẽ đụng chạm đến ký ức của người TP trước đây, của cả những người đã đi khỏi TP. Những ký ức vật chất đó không còn thì những người mới đến cũng không thấy TP có gì để họ thấy lịch sử để tôn trọng và yêu quý nữa”, bà nói.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, cho rằng việc khẩn trương làm hồ sơ cho các công trình xứng đáng có danh hiệu di tích là rất cần thiết. Điều này đảm bảo việc nó sẽ được trùng tu đúng bài bản khi các công trình xuống cấp. Cũng theo ông Tín, thời gian tới, khi sửa luật Di sản cũng cần mau chóng đưa thêm các quy định với những trường hợp công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. Đây là một quỹ di sản đô thị quý giá. Trong thời điểm hiện tại, khi chưa thể sửa luật, địa phương cần chủ động đưa ra những danh sách tương tự như danh sách công trình cần bảo tồn của Hà Nội. Điều đó cho thấy sự chủ động của địa phương trong việc giữ gìn ký ức đô thị và văn hóa kiến trúc.
Phương án của TP.HCM
Việc xác định các đối tượng kiến trúc cảnh quan trên địa bàn TP.HCM ngoài nhiệm vụ của Sở VH-TT hiện nay còn có trách nhiệm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. TP.HCM đã đề ra hẳn một chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, ban hành quyết định yêu cầu thực hiện kiểm kê, bảo tồn đối với 168 công trình, địa điểm có dấu hiệu đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa.
Hiện nay, thực hiện Quyết định 923/QĐ-UBND ngày 7.3.2017 của UBND TP.HCM, trong thời hạn 5 năm TP đều có Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa - danh lam thắng cảnh trên toàn địa bàn. Các di tích chưa làm hồ sơ công nhận di tích đều có trong danh sách này và đều được ứng xử như một di tích đã được công nhận. Nhiều nơi vẫn muốn chọn phương án này hơn là làm hồ sơ để được xếp hạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.