Vẻ đẹp Việt Nam qua những bộ phim nổi tiếng thế giới

20/03/2017 14:00 GMT+7

Việt Nam đang dần trở thành điểm đến của các nhà làm phim nước ngoài. Kể từ thập niên 1990 đến nay, đã có khá nhiều bộ phim Hollywood lấy bối cảnh tại đất nước hình chữ S như: The Lover, Indochine, Pan, Kong: Skull Island...

The Lover (1992)
Chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc đã trở thành chuyến phà định mệnh của cặp tình nhân trong phim The Lover
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud, kể về cuộc tình của thương gia người Hoa 30 tuổi (do Lương Gia Huy đóng) và cô gái người Pháp 15 tuổi (Jane March) theo mẹ đến sinh sống tại Việt Nam. The Lover là bộ phim dung hợp trong mình vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại. Vẻ đẹp ấy như góp phần tô điểm cho cuộc tình của cặp nhân vật chính trong phim thêm thơ mộng nhưng cũng không kém lâm ly.
Họ tình cờ gặp nhau trên một chuyến phà từ Vĩnh Long sang Sa Đéc, và người đàn ông gốc Hoa đem lòng yêu cô gái trẻ ngay từ lần đầu gặp mặt. Sau đó, người đàn ông đưa cô gái trẻ đến khu chợ người Hoa, nơi anh ta sinh sống. Ở đó họ trao nhau những lời yêu đương nồng nàn.
Vẻ đẹp phương Đông trong phim hiện lên rõ nét qua hình ảnh những chiếc đèn lồng đỏ, tục lệ đám cưới… rất đặc trưng của người Hoa khu Chợ Lớn, hòa trộn với với vẻ đẹp của làng quê Việt Nam như hình ảnh tre làng, những đàn trâu thong thả trưa hè, những chú bé chơi đùa… đã tạo nên một vẻ đẹp Việt rất đặc trưng trong phim.
Indochine (1992)
Indochine xứng đáng là một trong những bộ phim có bối cảnh Việt Nam đẹp nhất từ trước đến nay
Indochine phản ánh cuộc sống của nhân vật Éliane Devries (do Catherine Deneuve thủ vai), một chủ đồn điền cao su với vẻ đẹp quý phái, trang nhã. Bộ phim phản ánh số phận con người để đánh bật lên những vấn đề lịch sử. Lịch sử dân tộc ta những năm kháng Pháp hiện lên chân thực qua từng khung hình trong phim.
Indochine là một bộ phim đẹp buồn. Đẹp qua những phong cảnh hùng vĩ, tráng lệ nhưng lại trầm buồn vì vẻ đẹp ấy bỗng trở nên phù phiếm khi dân tộc Việt Nam bị đặt dưới ách thống trị của Pháp. Vẻ đẹp Việt Nam khi ấy không còn nhìn qua con mắt của người bản xứ nữa mà được nhìn qua con mắt của kẻ ngoại bang, và qua những cuộc thi mà chính quyền Pháp tổ chức ở Việt Nam.
Khung cảnh của phim không tập trung vào một nơi nào mà trải dài khắp đất nước như Sài Gòn, vịnh Hạ Long, Tam Cốc, kinh thành Huế… Do đó, vẻ đẹp của Đông Dương hiện lên muôn màu muôn vẻ theo chiều dài địa lý của đất nước Việt Nam. Những cảnh quay trong phim được đạo diễn Régis Wargnier đầu tư, dàn dựng rất công phu. Sự thành công của phim còn nhờ vào tài nghệ diễn xuất của nữ minh tinh Catherine Deneuve, cùng với nữ diễn viên trẻ Phạm Linh Đan. Bộ phim vinh dự nhận được giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất.
The Quiet American (2002)
Một cảnh quay ấn tượng trong phim Người Mỹ trầm lặng
Như cái tên của nó, The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) đánh bật những suy tư sâu xa, không tên trong tâm trí con người cùng như những âm mưu giữa người với người lên màn ảnh rộng.
Người Mỹ trầm lặng lấy bối cảnh những năm gần cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, dẫn người xem theo chân phóng viên chiến trường Thomas Fowler (do nam diễn viên gạo cội Michael Caine thủ vai) trong việc khám phá ra những bí mật chính trị của các nước đế quốc đối với Việt Nam. Phim lấy bối cảnh chủ yếu ở Sài Gòn, Việt Nam và Rome, Ý.
Trong phim, Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước, với vẻ đẹp trầm mặc hiện lên qua những ánh đèn lồng tại các quán trà, những chiếc xích lô cũ, những phố xá thênh thang...
Tuy không thành công về mặt doanh thu nhưng Người Mỹ trầm lặng lại được các nhà chuyên môn đón nhận nhiệt liệt. Riêng Michael Caine được nhận đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc.
Pan (2015)
Thắng cảnh Việt Nam trong phim Pan
Bộ phim phiêu lưu viễn tưởng Pan ra mắt năm 2015 đã được quay tại nhiều nơi ở Việt Nam như hang Sơn Đoòng, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long...
Pan được chuyển thể từ tiểu thuyết Peter Pan của J. M. Barrie. Nội dung phim kể về chuyến phiêu lưu bất tận của cậu bé Pan không bao giờ lớn trong thế giới viễn tưởng hội đủ các nhân vật từ tốt đến xấu, từ cao đến thấp với nhiều loài động vật quái dị… Những cảnh quay đẹp ở Việt Nam đã góp phần làm cho yếu tố hình ảnh trong phim trở nên bắt mắt, huyền ảo. Điều này có được nhờ công giám sát và phục dựng, điều chỉnh của hai đạo diễn hình ảnh Seamus McGarvey và John Mathieson. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết rằng tuy Pan ra mắt năm 2015 nhưng trước đó, đoàn làm phim đã khá vất vả trong việc tìm kiếm người chỉ đạo phần hình ảnh trong phim. Đến tháng 8.2014, Seamus McGarvey và John Mathieson mới chịu nhận lời cho vị trí này.
Phần lớn những cảnh quay tại Việt Nam đã được xử lý kỹ xảo trước khi công chiếu trên màn ảnh rộng. Pan là bộ phim có mức kinh phí khá tốn kém 150 triệu USD, được đầu tư công phu trên nhiều mặt như dàn diễn viên hùng hậu, kỹ xảo hoành tráng, âm nhạc được chăm chút tỉ mỉ, hình ảnh đẹp… Nhưng những điều đó không thể cứu vãn nổi bộ phim khỏi sự thất thu phòng vé (thu về gần 130 triệu USD toàn cầu) và nhận nhiều lời chỉ trích từ các nhà chuyên môn bởi nội dung không mấy ấn tượng.
Kong: Skull Island (2017)
Núi rừng Việt Nam được chọn làm các cảnh quay chính trong phim
Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cho rằng thế giới vẫn chưa biết Việt Nam đẹp lộng lẫy như thế nào, và ông đã tạo nên một "Đảo Đầu Lâu" tuyệt vời cho bộ phim bom tấn của mình.
Trong bài phỏng vấn với Channel News Asia, đạo diễn Vogt-Roberts chia sẻ rằng khung cảnh của Việt Nam toát lên một nét "rất hoàn hảo về mặt thẩm mỹ" cho bộ phim. Những thước phim trong Kong: Skull Island khác ở chỗ là quay cảnh thật, người thật để đưa lên màn ảnh rồi chỉnh sửa qua kỹ thuật chứ không quay trong phim trường nhân tạo như các phim khác.
Mới đây, nhà sản xuất cho hay Kong: Skull Island đã thu về 104 tỉ đồng sau một tuần ra rạp tại Việt Nam, tương đương 1,3 triệu lượt người mua vé xem phim.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.