Việt Nam qua ghi chép người phương Tây: Phủ Võ vương qua mắt y sĩ phương Tây

27/03/2017 07:51 GMT+7

Trong việc nội trị, có lẽ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa Nguyễn đầu tiên sử dụng một người phương Tây làm y sĩ riêng cho mình. Người đó là Jean Koffler, giáo sĩ, sinh ở Prague (nay thuộc CH Czech) ngày 19.6.1711, lớn lên tu học theo các giáo sĩ dòng Tên (Jésuite).

Năm 1739, Koffler sang Macao, và năm sau đến Đàng Trong rồi ở lại đây suốt 14 năm, trong đó có 7 năm phục vụ trong phủ chúa, trước khi chịu chung số phận với nhiều giáo sĩ khác, bị tống giam và bị trục xuất khỏi Đàng Trong vào năm 1755.
Mười một năm sau, tức năm 1766, Koffler lại bị tống giam ở Lisbonne (Bồ Đào Nha). Ông sử dụng thời gian ở trong tù để ghi lại những hồi ức về khoảng thời gian khá dài đã sống ở Đại Việt. Tác phẩm này được một giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo quốc ngoại là V.Barbier dịch ra tiếng Pháp dưới nhan đề Description Historique de la Cochinchine (Miêu tả lịch sử xứ Đàng Trong). Tác phẩm gồm 7 chương, trong đó dành 4 chương đầu viết về lịch sử vương quốc Đàng Trong, đặc biệt những chi tiết thú vị về đời sống thường nhật cũng như những dịp đặc biệt trong phủ chúa. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên miêu tả sinh động và khá đầy đủ các sinh hoạt cung đình, điều mà chính sử chỉ nói đến qua loa bằng những dòng sử biên niên khô khan và cứng nhắc.
Kiến trúc nguy nga tráng lệ
Thú chơi gà chọi
Thú chơi gà chọi đến thế kỷ 18 đã khá phổ biến ở Đàng Trong. Koffler nắm vững cách nuôi và chăm sóc gà chọi, từ việc nhổ hầu hết lông khi gà còn tơ, chỉ chừa lại lông cánh, lông đuôi và mỗi ngày thoa rượu lên mình gà, đến việc chuốt nhọn cựa gà cho sắc để có khả năng sát thương cao các đối thủ khi xáp chiến. Chi tiết này cho phép suy diễn Võ vương là người mê đá gà có hạng lúc bấy giờ.
Năm 1739, Võ vương lập phủ chính ở Phú Xuân (Huế). Theo miêu tả của Koffler, lúc ấy phủ chúa là một kiến trúc khá đồ sộ, vuông vức và được bao quanh bởi ba lớp tường thành. Phủ có 7 cổng ra vào, cổng đẹp nhất mở ra hướng sông, tạo thành mặt tiền vương phủ với một tháp canh cao. Bên trái vương phủ, không xa tháp canh là ba khẩu súng thần công thường chỉ nổ vang khi vị thế tử sẽ kế nghiệp chúa ra chào đời (xin nhớ là vào năm 1614, một người Bồ Đào Nha tên Jean de la Croix đã mở cuộc đúc súng tại Huế và hướng dẫn người Việt nghề này). Chung quanh phủ, người ta bố trí 150 khẩu thần công nhỏ hơn, đúc bằng sắt hay đồng. Sau khi đi vào cổng chính, sẽ đến một sân rộng, tại đây có 25 đội lính phòng ngự luân phiên ngày đêm canh gác. Kế sân phủ là một đại sảnh, nơi diễn ra hai buổi chầu mỗi tuần. Trong buổi chầu, quan văn đứng thành một hàng bên trái, quan võ bên phải, theo thứ tự phẩm cấp lớn nhỏ. Đi vào phủ chúa theo các cửa hông, người ta sẽ bắt gặp một bên là chuồng ngựa, chuồng nuôi súc vật nhỏ, trong đó có gà chọi và một bên là chỗ ở của các ca nhi trong phủ chúa.
Ở khu nhà dành cho ca nhi, có một sân vườn tĩnh mịch trồng đủ các loại kỳ hoa dị thảo. Đi sâu vào trong sẽ gặp tòa lâu đài thứ hai, nhỏ hơn, được bao bọc bởi một dãy hành lang có cột và mái che để người đi dạo không bị ướt lúc trời mưa. Khu vực này có 4 cửa lớn, mỗi cửa được trấn giữ bởi một người lính thượng đen đúa. Các nhân vật trọng yếu cư ngụ trong những căn nhà đầu tiên, kế đến là nhà những vương thân trong phủ chúa.
Sâu vào trong hơn nữa là chỗ ở của các cung phi của chúa. Nơi đây có phong cách của một tu viện; mỗi căn nhà được phân cách nhau bằng một bức vách, tất cả cửa ra vào đều hướng về một hành lang. Người ta bố trí bên phải mỗi căn nhà một chiếc giường lộng lẫy dành cho chúa đến nghỉ ngơi, bên trái là giường của cung phi. Sau nhà là chỗ ở của những người hầu gái và bếp.
Phần trong cùng là chỗ ở của chúa Nguyễn gồm 5 tòa nhà, cái quan trọng nhất xây cao ba tầng, bên trên có một tòa tháp dùng làm đài thiên văn, từ đó chẳng những có thể nhìn thấy toàn bộ dinh cơ của chúa mà còn bao quát cả quang cảnh chung quanh, với những con sông trôi lặng lờ qua nhiều thôn xóm đìu hiu, vắng vẻ. Ở đây, người ta không nhìn thấy dấu vết của vôi vữa, tường xây hay gạch đá. Tất cả đều làm bằng gỗ quý, được chạm trổ và đánh bóng rất công phu. Những chiếc cột tròn, to làm bằng một thứ gỗ màu vàng chanh. Theo Koffler, sự xa hoa, tráng lệ của phủ chúa xứng đáng dành cho hạng vương giả.
So với phủ chúa Nguyễn Phúc Chu qua ngòi bút của nhà sư Thích Đại Sán (người Trung Quốc), phủ Võ vương đã được xây dựng nguy nga, tráng lệ hơn nhiều, không đơn sơ như hồi cuối thế kỷ 17. Gần vương phủ còn có ba tòa nhà lớn khác, cổ nhất là tòa ngân khố với những bức tường kiên cố. Theo sự dò hỏi của Koffler, đây là nơi cất giữ tài sản của các đời chúa Nguyễn trước (tòa nhà này cũng có dịp khêu gợi lòng tham của một thương gia Pháp). Thứ đến là tòa nhà xây dựng trên một nhánh sông, nơi chúa thường đến nghỉ ngơi vào mùa đông và cuối cùng là khuê phòng, dành làm nơi thủ tiết cho các bà phi của các chúa Nguyễn đã qua đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.