Vỡ mộng thành sao: Chỉ đóng vai quần chúng!

23/04/2012 09:12 GMT+7

Mong muốn được đóng phim, nhanh chóng nổi tiếng, nhiều bạn trẻ đã chọn những con đường mà không biết rằng lối đi đó sẽ chẳng thể đưa mình đến đâu.

Mong muốn được đóng phim, nhanh chóng nổi tiếng, nhiều bạn trẻ đã chọn những con đường mà không biết rằng lối đi đó sẽ chẳng thể đưa mình đến đâu.

Không phải không biết trước những khó khăn nhưng nhiều bạn trẻ vẫn ôm mộng lên phim, chấp nhận “thử một lần cho biết” để rồi... ân hận

Không được đào tạo nền tảng bền vững từ các trường nghệ thuật uy tín nhưng vẫn ôm mộng “làm người nổi tiếng”, không ít bạn trẻ đã tìm đến các công ty đào tạo, với suy nghĩ sẽ có thể dễ dàng được mời đóng phim khi đã đường đường chính chính là “người của công ty”. Nhưng mọi việc đâu có đơn giản như vậy!

Đóng tiền, chụp ảnh là xong

Theo “kinh nghiệm” truyền lại của gương mặt trẻ H.K, từng là học viên của một trung tâm đào tạo diễn viên, ca sĩ, MC, người mẫu tại quận Tân Bình-TPHCM, tôi cũng tìm đến công ty này với “nguyện vọng” đăng ký học để có cơ hội lên phim. Đúng như lời của bạn học viên đi trước, tại đây, tôi được yêu cầu đóng khoản phí đầu tiên 700.000 đồng để chụp hình chân dung – yêu cầu bắt buộc đối với tất cả học viên đến trung tâm đăng ký (chụp khoảng 20 bức ảnh, học viên được nhận lại 8 bức… làm kỷ niệm). Xong thủ tục này, người đăng ký cũng được lưu tên tuổi trong hồ sơ công ty, “chờ phim mới cần diễn viên, công ty sẽ gọi”.

Nhưng cũng đừng vội mừng, với kiểu nhận học viên không cần kiểm tra đầu vào như vậy thì có được đóng phim cũng chỉ tham gia những vai quần chúng. Học viên nào muốn có cơ hội tham gia những vai diễn có thoại, nhiều phân đoạn hơn thì phải trải qua khóa đào tạo ngắn hạn của đơn vị, với học phí được chia thành từng giai đoạn (không dưới 3 triệu đồng/tháng). Khi tôi thắc mắc về giảng viên, nghệ sĩ nào sẽ tham gia giảng dạy các khóa đào tạo cũng như cơ hội thực tập thực tế trên phim trường thì người ghi danh nói lòng vòng tìm cách thoái thác: “Sẽ phổ biến sau”. Hỏi thêm những tên tuổi nào từ “lò đào tạo” của công ty hiện nay đã được xuất hiện trên phim thì được nghe trả lời “nhiều lắm, hầu hết đều có đi đóng phim” nhưng những tên tuổi nào ít nhiều đã có dấu ấn trên màn ảnh nhỏ thì… không có.

Vai quần chúng cũng không yên thân

“Thì có đóng phim nhưng chủ yếu là đóng vai quần chúng đi qua đi lại” – H.K cho biết. Theo chia sẻ thêm của H.K, sau khi đăng ký, chụp hình cũng phải… đợi dài cổ mới được công ty gọi đi đóng phim… “Chúng tôi được yêu cầu tập trung từ 6 giờ sáng ở công ty, phải mang theo nhiều trang phục để thay đổi. Đóng phim xong quay trở lại công ty để nhận tiền cát-sê. Sau khi nghe phổ biến “quy chế đóng phim”, mỗi chúng tôi ai nấy tự túc di chuyển đến điểm quay, bỏ tiền túi ăn sáng, ăn trưa, thậm chí ăn tối nếu phim có cảnh quay đêm. Chờ đợi vạ vật ở trường quay cả ngày để đóng mấy cảnh nhiều khi không ai thấy mặt mũi” – H.K nói. Thế nhưng, điều đó cũng chưa xót bằng việc kết thúc ngày quay trở về công ty nhận cát sê thì số tiền cũng đã bị “chiết khấu”, xem như là hoa hồng cho công ty đã “có công” gọi các bạn đóng phim.

Độc giả Kim Hằng cũng gửi thư đến Báo Người Lao Động, phản ánh về hoạt động của công ty đào tạo diễn viên C.N tại quận 5-TPHCM, cùng tình trạng cắt xén tiền cát-sê của học viên. Liên lạc với T.Trang - hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt, từng có thời gian 4 tháng làm học viên của công ty C.N - gương mặt trẻ này cho biết đúng là thời gian đầu vào công ty, bất kỳ vai diễn quần chúng nào của bạn này cùng những học viên khác cũng bị xén bớt thù lao vốn ít ỏi.

Dài cổ chờ phim

Rất nhiều công ty đào tạo ca sĩ - diễn viên - MC - người mẫu đang hoạt động tại TPHCM đưa ra những mẩu thông báo chiêu sinh, quảng cáo khá hấp dẫn khiến không ít người trẻ ngỡ đó là chiếc cầu nối để có thể nhanh chóng, dễ dàng thực hiện ước mơ được làm người nổi tiếng. Thế nhưng, đóng tiền để dễ dàng trở thành học viên với đủ mọi hứa hẹn là một chuyện, còn được đóng phim đàng hoàng hay không lại là một chuyện khác.

“Người trẻ chúng tôi vốn xa lạ với phim trường, không quen đạo diễn cũng như các trợ lý, cũng chỉ biết nhờ đến các công ty trung gian để thực hiện ước mơ của mình” – T.Trang nói. Nhưng gương mặt trẻ này cũng phải thừa nhận sau thời gian làm học viên, cô mới hiểu được đó cũng chỉ là việc tự “gông” mình vào sự kiềm tỏa của công ty, bị cắt xén tiền thù lao, khó có cơ hội gì ngoài việc tham gia đóng vai quần chúng.

“Giữa học viên và công ty cũng không có ràng buộc gì. Đợi dài cổ mà không thấy công ty gọi đi đóng phim thì cũng không có lý do gì để phàn nàn. Có gọi hỏi sẽ được trả lời là chưa có phim. Nếu thu hút được đều đặn số người đăng ký hằng tháng thì công ty cũng có thể sống khỏe với lợi nhuận từ việc chụp ảnh rồi ” – một học viên cho biết.

Không phải không biết trước những khó khăn khi chân ướt chân ráo ra phim trường nhưng nhiều bạn trẻ vẫn ôm mộng lên phim, chấp nhận “thử một lần cho biết”, để rồi cuối cùng đa số ý kiến của những gương mặt trẻ bước ra từ các công ty đào tạo đúc kết rằng: Chỉ đóng phim cho vui một thời gian thì được, còn khó mà trông mong “nổi tiếng, đổi đời”.

Nhìn đoàn làm phim rồi về!

Nắm bắt được nhu cầu của những người trẻ yêu nghệ thuật, nhiều công ty đào tạo đã ra đời. Không phải đơn vị nào cũng làm ăn chụp giựt nhưng thực tế phải nhìn nhận rất khó kỳ vọng gì hơn về chất lượng đào tạo ở các công ty.

Một nghệ sĩ hài có tên tuổi từng được mời tham gia giảng dạy khóa học ở một công ty đào tạo nghệ thuật cho biết: “Công ty mời tôi đến dạy kỹ năng diễn xuất cũng như kể chuyện đóng phim cho các bạn trẻ. Thấy các em hào hứng lắng nghe nhưng nói thật, xem đó là buổi trò chuyện vui thì được chứ nói đào tạo nghe to tát quá”. Chưa kể, cách công ty đào tạo đưa các bạn trẻ đi thực tế ở phim trường cũng có nhiều điều bất cập. Chủ yếu là các bạn đến “nhìn” đoàn phim rồi về, chứ có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận gì đâu. “Khách quan mà nói, tôi không đánh giá cao và cho rằng đào tạo như thế là hiệu quả” – nghệ sĩ này nói thêm.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.