Vụ 'phong giáo sư' cho ca sĩ Ngọc Sơn: Khai sao cấp vậy

22/08/2017 07:35 GMT+7

Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN giải thích chức danh giáo sư trên bằng khen là do ca sĩ Ngọc Sơn tự khai. Tuy nhiên, việc hội không kiểm chứng mà cứ thế 'phong giáo sư' cho Ngọc Sơn là thiếu trách nhiệm.

Để tìm hiểu rõ hơn việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN cấp bằng khen ghi giáo sư âm nhạc cho ca sĩ Ngọc Sơn, sáng qua Thanh Niên đã liên hệ với ông Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch hội, người đã ký bằng khen. Sau khi trả lời một số câu hỏi qua điện thoại, ông Dũng hẹn gặp làm việc. Tuy nhiên, khi phóng viên đến nơi thì ông đã đi vắng với lý do bận tiếp khách.
“Khai gì ghi nấy, sai thì tước bằng khen”
Về tấm bằng khen ghi ca sĩ Ngọc Sơn là giáo sư âm nhạc, ông Dũng nói: “À, anh ấy khai thế nào thì chúng tôi ghi thế thôi. Hiểu không? Người ta khai thì người ta chịu trách nhiệm chứ liên quan đến chúng tôi đâu”.
Ông Dũng cũng cho biết ca sĩ Ngọc Sơn tự khai hồ sơ là giáo sư, đồng thời hồ sơ đó cũng được lưu giữ. Tuy nhiên, đơn vị của ông không kiểm tra lại hồ sơ trước khi viết bằng khen. “Nói chung là chúng tôi có hết. Nhưng mà chúng tôi nghĩ là các cô cứ gặp cái ông Ngọc Sơn đó, đừng gặp chúng tôi. Còn có cái gì chúng tôi đã ghi vào cái tờ giấy (bằng khen - PV) cái đó. Ông ấy sai thì ông ấy chịu thôi. Hiểu không?”, ông Dũng trả lời và cho rằng: “Chúng tôi không là cơ quan cấp cái đó nên chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi kiểm tra làm gì. Trong cái đơn khi vào hội, chúng tôi ghi rồi, ông nào sai hay làm cái gì sai thì chịu trước pháp luật”.
Cũng theo ông Dũng, hội sẽ rút lại bằng khen với ca sĩ Ngọc Sơn. “Báo đăng như thế thì chúng tôi yêu cầu anh ấy trình rõ là giáo sư hay là gì. Anh ấy là hội viên thì chúng tôi yêu cầu anh ấy xuất trình thôi. Nếu anh ấy đúng thì chúng tôi để, còn nếu không thì chúng tôi xóa cái đấy đi thôi. Thế là xong”.
Về việc ca sĩ Ngọc Sơn nhận bằng khen vì “đã có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa VN, ông Dũng giải thích: “Với hội viên thì quá đơn giản, đóng góp xây dựng hội này, người ta đóng góp về hoạt động ca nhạc này, hát này, di sản này, thì mình tặng thôi”.
Thiếu trách nhiệm, không ổn
TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), cho biết cách trả lời của ông Dũng về việc chức danh giáo sư trong bằng khen là do ca sĩ Ngọc Sơn tự khai hoàn toàn không ổn. Thậm chí, đó là cách trả lời thiếu trách nhiệm, ngụy biện. “Giáo sư là chức danh phải do cơ quan có thẩm quyền công nhận. Người ta không thể tự nhận chức danh đó. Còn việc bên trao tặng bằng khen lấy lý do đương sự tự khai cũng không thể chấp nhận được. Anh phải có trách nhiệm chứ, anh phải xác minh người ta khai ra chức danh giáo sư do ai công nhận. Anh phải yêu cầu cung cấp hồ sơ, tại sao lại cứ nghe như vậy. Đã ghi là giáo sư thì phải có công nhận đi kèm. Đó là ngụy biện”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng lưu ý một chi tiết trên tấm bằng khen do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN trao tặng cho ca sĩ Ngọc Sơn. Đó là việc chữ ký là Chủ tịch Lê Ngọc Dũng, tuy nhiên dưới tên ông Dũng lại ghi thêm chức danh là Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN. Về việc ghi thêm này, ông Sơn cho rằng: “Cũng không được. Những chức danh ghi vào tên phía dưới, chức danh thêm buộc phải ghi vào vì nó liên quan đến thẩm quyền khen, xử lý công việc. Trường hợp này, nếu ghi Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN thì được, chứ không phải ghi MTTQ VN vì Mặt trận chả dính dáng gì ở đó cả. Nếu cơ quan chủ quản của hội là MTTQ thì mới ghi như thế được”.
Hôm qua (21.8), PV Thanh Niên đã liên hệ Ngọc Sơn để phỏng vấn liên quan bằng khen giáo sư âm nhạc, nhưng ca sĩ này hẹn sẽ trả lời Thanh Niên khi về đến TP.HCM vì anh đang chuẩn bị cho chương trình biểu diễn tại Hà Nội.
Tại buổi vinh danh tổ chức ở Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) diễn ra tối 10.8, Thứ trưởng VH-TT-DL Vương Duy Biên là người đã cùng với ông Lê Ngọc Dũng trao bằng khen cho mẹ của ca sĩ Ngọc Sơn (nhận thay con trai).
Trước đó, ông Biên cũng có thư chúc mừng chương trình do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN tổ chức. Thư được in trong bộ tư liệu gửi tới các cá nhân, tổ chức để mời tham gia chương trình. Lá thư không có dấu của Bộ VH-TT-DL, được gửi từ tháng 4, sự kiện diễn ra vào tháng 8. Ông Biên ký với nội dung ghi phía dưới chữ ký là NSND Vương Duy Biên. Phía trên tiêu đề thư lại có dòng chữ “Thư chúc mừng của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL”.
Về việc viết thư chúc mừng này, ông Biên cho biết: “Thư tôi gửi tôi chỉ dám đề cá nhân. Tôi ký, tôi chỉ ghi NSND thôi. Họ gửi thư cho thư ký của tôi, thư ký cũng phải chỉnh sửa. Tôi chỉ ký với tư cách cá nhân thôi. Thường các nơi cứ muốn xin cái thư chúc mừng”.
Nhớ lại, hồi cuối năm 2015, ông Biên gửi thư chúc mừng với dấu đỏ của Bộ VH-TT-DL tới sự kiện “Vinh danh nghệ nhân văn hóa dân gian và tôn vinh cá nhân tổ chức doanh nghiệp cống hiến vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc”. Thư cũng được in trong thông tin mời tham dự chương trình. Cũng trong thông tin mời này, các nghệ nhân và tổ chức được yêu cầu đóng góp với mức tối thiểu là 30 triệu đồng, cao nhất là 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu dừng tổ chức chương trình này với nhiều lý do.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.