Xin lộc như cướp

18/08/2016 06:26 GMT+7

Nhiều người cho rằng việc xin lộc cuối lễ cúng Mông Sơn thí thực ở chùa Quán Sứ, Hà Nội, trong một clip được tung lên mạng, chẳng khác gì tranh cướp.

Tiếng nhạc chưa dứt, nhiều phật tử đang quỳ đứng phắt dậy và bắt đầu nhặt các lễ vật trên mâm lễ bỏ vào túi. Những người phía sau cũng chen lên. Người ta không nhặt vài trái cây mà cố vơ thật nhiều. Có người còn vơ cả thùng xốp đồ lễ. Thậm chí, khi cuộc vơ vét đồ lễ kết thúc, có những quả na mà phật tử giành được đã trật cả vỏ. Đó là những gì người xem có thể thấy trên một clip về lễ rằm tháng bảy tại chùa Quán Sứ, Hà Nội năm nay.
Ủy viên Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN Thích Thanh Tuấn cho biết đó là thời điểm việc lễ đã xong. Bản thân ông chính là người trực tiếp chỉ đạo buổi lễ. Khi lễ tạ xong cũng là lúc các phật tử được phép vào thụ lộc. Buổi lễ hôm đó là Mông Sơn thí thực, nhằm cúng cho các linh hồn chưa siêu độ.
Xin lộc như cướp 1
Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn, trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hán Nôm năm 2006, cho biết theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang thì từ thời Trần đã có nghi thức cúng cô hồn. Nhà sư Huyền Quang từng đăng đàn chẩn tế. Một số tài liệu khác như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư cũng có nhiều ghi chép cho thấy việc cúng thí thực tồn tại ở nước ta từ sớm. Thời Lê, Trịnh, Nguyễn, đàn Lục Thủy được tiến hành để bảo dương hộ âm cho tướng sĩ bại vong trong chiến tranh cũng được nhiều tài liệu Hán Nôm ghi lại.


Người trong ban tổ chức nên nhắc nhở người dự khóa lễ đó thực hiện đúng nghiêm túc cho khóa lễ hoàn mãn đúng tinh thần Phật pháp.
Lộc thì cũng cần thật, ai đến chùa cũng muốn có lộc Phật trong ngày lễ lớn. Nhưng mình phải làm đúng tuần tự, tạo tôn nghiêm

Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo VN


Mặc dù vậy, theo một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chưa đọc thấy tài liệu nói sau các buổi lễ cúng thí thực có tục xin lộc, cướp lộc hay không. Việc này có thể xảy ra do các quan niệm dân gian. Theo nhà nghiên cứu này, không nên dùng con mắt hiện đại kiểu phương Tây nhìn châu Á xưa kia. “Khi người châu Âu đến châu Á, họ nhìn người châu Á như man di mọi rợ. Mình cũng đang nhìn mình bằng chính con mắt ấy. Đây (việc tranh lộc sau buổi lễ - NV) không phải chuyện văn minh hay man rợ mà là khác biệt văn hóa”, nhà nghiên cứu này chia sẻ.
GS-TS Đặng Văn Bài, Chủ tịch Hội Di sản VN, cho biết việc chia lộc sau các lễ cúng chúng sinh là chuyện ông thấy rất bình thường. Cúng xong thì chia ra cho người nào xin. “Hồi bé tôi cũng tham gia cái đó”, ông Bài nói.
Cướp lộc… có văn hóa
Cũng theo nhà nghiên cứu giấu tên ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ngay cả khi việc xin lộc, cướp lộc đã là tập quán lâu đời thì cách thức xin cũng cần phải được thực hiện sao cho an toàn. Chẳng hạn, việc xô đẩy nhau đến mức bị đè bẹp hoặc mất hết cả giày dép như trong clip chùa Quán Sứ vừa qua thực sự đã mất an toàn. “Người đi lễ nên được hướng dẫn cách thức lễ, xin lộc. Như thế mới đảm bảo an toàn”, nhà nghiên cứu này chia sẻ.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, về việc lấy phần lấy lộc, cũng không có ai quy định mỗi người lấy bao nhiêu cả. Càng không có luật cấm ai đó không được vơ vét hết. Vì họ đều sợ nếu không cướp thì làm sao có được. Vì thế, việc tổ chức sao cho đảm bảo mọi người đều có thể lấy lộc là điều quan trọng. Nhưng việc lấy sao cho không lấy hết phần của người khác cũng là một thứ văn hóa, một ứng xử có văn hóa. Đặc biệt, với một tôn giáo như Phật giáo, việc gieo nhân lành vô cùng quan trọng thì việc lấy phần mà vẫn để phần cho người khác mới là thấm nhuần giáo pháp.
Ông Bùi Trọng Hiền, nhà nghiên cứu âm nhạc của Viện Văn hóa nghệ thuật, Bộ VH-TT-DL, cũng cho rằng việc xin lộc đã có từ xưa, là một phong tục dân gian. Nói cách khác, theo ông Hiền, nó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng dân gian dung hòa với Phật giáo. Nhưng trong việc cướp lộc có những yếu tố lộn xộn. Thậm chí ông Hiền chia sẻ, mình có cả clip tư liệu trước đây, trong đó các nhà sư phải dùng gậy xua mấy người đổ xô vào cướp lộc.
Xin lộc như cướp 3
Xin lộc như cướp 2
Xin lộc như cướp 4
Trong khi đó, TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng phụ trách di sản phi vật thể, Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, cho biết với những hiện tượng mất an toàn như thế này cần áp dụng giáo dục cộng đồng. “Từ hiện tượng đó để phân tích thì làm thế không nên. Ngày xưa các cụ múc cháo vào lá đa đặt ở hàng rào và cũng không ai tranh cướp lộc kiểu thế này cả”, bà Lý nói.
Chúng tôi cũng liên lạc với thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo VN, nhưng không được. Đại đức - TS Phật học Thích Giải Hiền từ chối trả lời vì quá bận.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo VN, cho rằng việc tranh cướp lộc cho thấy các phật tử chưa ý thức được ý nghĩa của lễ đó. Khi lễ nghi cúng chúng sinh xong thì mình xếp hàng xin lộc thì sẽ nghiêm túc hơn, tuần tự hơn, có sự tôn nghiêm hơn. “Họ cũng không phải đói khát gì nhưng họ cố gắng xin lộc của các đàn lễ như thế. Thực sự là cũng nên có việc các thầy hướng dẫn về việc phổ thí cho chúng sinh trong lễ đó. Người trong ban tổ chức nên nhắc nhở người dự khóa lễ đó thực hiện đúng nghiêm túc cho khóa lễ hoàn mãn đúng tinh thần Phật pháp. Lộc thì cũng cần thật, ai đến chùa cũng muốn có lộc Phật trong ngày lễ lớn. Nhưng mình phải làm đúng tuần tự, tạo tôn nghiêm”, thượng tọa nói.
Một tí cũng là lộc
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết trong dân gian còn có một quan điểm khác là những phẩm vật sau khi cúng chúng sinh không nên lấy nhiều để ăn vì vị của nó thường nhạt. Thượng tọa Thích Thọ Lạc còn cho biết lộc Phật có cả thực vị và pháp vị. Thực vị là các đồ thực phẩm mang đến. Pháp vị là các lời cầu nguyện, trì chú của các thầy. “Thực ra là lộc nó làm thơm tho chứ đâu có cần phải lấy nhiều đâu. Một tí cũng là lộc”, ông nói. Trên thực tế có nhiều người đã cố gom lộc bằng cả thùng xốp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.