Yvette Trà với lữ quán về đêm

13/04/2007 23:18 GMT+7

Nghe lời "dì Tư Ăng-lê", hoa khôi Trần Ngọc Trà sang lại nhà hàng Đông Pháp lữ quán ở đường D'Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn, Q.1) để bán cơm với các món ăn Việt Nam. Tự thâm tâm có lẽ cô muốn kiếm những đồng tiền "căn bổn" do sức mình làm ra hơn là ngồi chờ "trên trời rơi xuống". Nhưng sắc đẹp đầy ma lực của cô vẫn cứ tiếp tục thu hút thêm nhiều tay chơi tận lục tỉnh tự nguyện "gánh tiền" lên trước cửa...

Trong số khách phương xa lặn lội tìm tới Đông Pháp lữ quán do Yvette Trà đứng caisse thâu tiền có ông hội đồng Th. ở Rạch Giá và cậu Năm B. - chủ một rạp chiếu bóng ở Cần Thơ. Hai người này đến lữ quán không chỉ vì mấy món ăn khoái khẩu như cua xào giấm hoặc mắm kho thịt ba chỉ ăn với cơm gạo nõn thơm phức, khiến Tây cũng thích, mà còn vì để ngắm người đẹp Yvette Trà và để lâu lâu được Trà đảo mắt ban cho họ một nụ cười chết người. Mê Trà tới nỗi cả hai nhiều phen ăn dầm ở dề trên đất Sài Gòn cả tháng trời vẫn chưa về "cố quận". Họ lân la cả vào ban đêm vì được biết nơi đây ngoài bán cơm còn có các món "ăn chơi" uống rượu như đuông nướng, nhộng chiên và đặc biệt có tổ chức cờ bạc, hút xách tới khuya. Khi đã quen biết như "người trong nhà", bấy giờ cả hội đồng Th. và cậu Năm Cần Thơ lận trong lưng một mớ tiền đến quán xin "dì Tư Ăng-lê" và Yvette Trà cùng họ đánh tứ sắc hoặc bài Tây với một cam kết ăn thua khá lạ. Hễ thua họ phải chung bằng tiền mặt. Ngược lại họ thắng chỉ đòi được... hôn Yvette Trà. Nhưng không phải hôn lên môi, lên má, hoặc lên trán, lên tóc để lâng lâng mơ màng đôi chút, đằng này họ chỉ được hôn một cái vào... mu bàn tay của Yvette Trà. Để chạm môi vào làn da non trắng ở tay Trà họ phải bán bớt nhiều sở ruộng màu mỡ dưới quê để lấy tiền lên Sài Gòn lãng đãng. Cơn háo hức dâng cao tới nỗi cả hai ao ước sẽ được cưới Trà làm vợ mặc dầu lúc bấy giờ Yvette Trà đang còn mặn mà tình chồng nghĩa vợ với ông Diên Hương. Song họ vẫn lờ đi như không biết để nạp "sính lễ" nhờ dì Tư làm mai. Nghe vậy Yvette Trà mở to đôi mắt đẹp ngạc nhiên, nói là hai vị cùng lúc "đòi làm chồng một người đang có chồng" thì đã điên chưa ? Cô bảo họ hãy giữ tình bạn đêm đêm trên chiếu bạc là hơn.

Còn cô, sau ngày chia tay với ông Diên Hương, sống tự do phóng khoáng, không ràng buộc dưới một mái ấm nào cả, tập trung lo cho Đông Pháp lữ quán ngày càng đông khách. Mà lữ quán này, trước đây khi chưa về tay cô Ba Trà, bị chèn lấn bởi hai nhà hàng lớn cận kề, cũng nằm ở khu vực đường D'Espagne xưa. Một cái chuyên bán cơm Tây là nhà hàng Quảng Hạp với người đầu bếp từng nấu ăn cho Thống đốc Cognacq đảm trách bếp núc. Cái kia mở "nhạc sống", thuê nghệ sĩ về đờn ca hát xướng êm tai vào mỗi cuối tuần để chiêu khách là nhà hàng Cửu Long Giang. Cả hai "nhà" trên đã kẹp Đông Pháp lữ quán ở giữa khiến người chủ cũ không chịu nổi lỗ lã phải sang tay. Ngày cô Trà về đó, như một đóa hoa tỏa hương không cần lên tiếng, khách hai nhà hàng kia cũng lần lượt kéo sang ăn uống. Người sành điệu khi rủ nhau đến Đông Pháp lữ quán thường lấy danh của hoa khôi ra gọi, rằng: "Lại chỗ Yvette chơi!" hoặc  "Yvette Trà nha!" là hiểu. Nhắc tới Yvette Trà, Vương Hồng Sển bảo mình cũng nhiều hôm đến lữ quán ăn cơm mắm ruột để ngắm hoa biết nói. Ở đó, sau lúc đãi đằng no nê nếu muốn khách có thể lui sau đánh bài hoặc hút xách. Nhân chỗ này cụ Vương chú thích là, ngày nay có một số tác giả thường viết hút sách (chữ s thay vì x), cụ không hiểu do điển tích nào mà đổi "xách" (hút xách) thành "sách" (hút sách) như thế? Chứ theo cụ thì: "Tôi viết hút xách dựa theo điển  này: có một ông già thần tỉnh Sốc (Trăng), xứ tôi, linh ứng lắm, không ai dám nói xúc phạm hay có cử chỉ bất nhã nào với ngài, một hôm đạp đồng lên dặn người coi miễu không nên cho bợm hút vào miễu bất cứ sang hèn cũng vậy, các đạo lấy làm lạ, hỏi duyên cớ, ngài để tên ngồi đồng đáp: "Làng này người nào cũng tốt, duy bợm hút phải coi chừng, vì khi nó ghiền, lư hương tao nó cũng xách!”. Hút xách đi đôi đi cặp với nhau là vì điển này”. Những ngày ở Đông Pháp lữ quán, cô Ba thực sự chuyển đời chuyển bến, trau chuốt trang điểm đẹp đẽ hơn nhờ vào tay dì Tư và Marie Huệ chỉ bảo. Cô cũng bộc lộ sự hào hiệp của mình với người xung quanh, nhất là với những cộng sự dưới tay như: "Đưa tiền mua món nào, bồi bếp đem về tiền lẻ, cô Ba không bao giờ lấy lại, hoặc nói để đó mà xài... cô dạy bỏ (tiền thừa) vào một rổ con để gần bàn phấn, đứa nào thèm chè cháo chút đỉnh cứ lấy đó mà chi tiêu, cô không bao giờ tra hỏi cũng không nói một lời khi thấy rổ đang đầy bỗng hóa rỗng không". (Còn tiếp)

H.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.