Văn phòng, nhà ở cao cấp cho thuê ở TP.HCM: Cầu vượt cung!

01/07/2005 15:36 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, giá thuê văn phòng làm việc, nhà ở tại TP.HCM tiếp tục tăng cao là câu trả lời của thị trường trước thực tế nguồn cung hạn chế trong điều kiện nhu cầu tăng cao.

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã cho rằng, chi phí quá cao làm cho thành phố kém sức hấp dẫn về mặt thu hút đầu tư. Thành phố đã quá chậm trễ trong việc tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực cao ốc văn phòng, căn hộ cho thuê - loại dịch vụ rất cơ bản, hết sức cần thiết cho các nhà đầu tư.

Chờ chỗ ở

Hiện nay, những tòa nhà phức hợp (văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn...) luôn đắt khách. Saigon Riverside ở quận 2 trong hai năm gần đây luôn đầy khách. Có những chuyên gia nước ngoài đưa gia đình sang Việt Nam làm việc phải ở tạm đâu đó và phải đăng ký trước chờ 6 tháng mới có thể dọn đến đây ở. Không chỉ ở Saigon Riverside, các căn hộ cao cấp cho thuê luôn đắt hàng do cung không đủ cầu. Sofitel Plaza, Diamond Plaza... cũng luôn có khách đặt chỗ trước.

Theo công ty An Cư, doanh nghiệp muốn mở văn phòng ở những căn hộ thuê ngoài hầu như không còn chỗ và rất khó tìm. Trong lúc đó, các tòa nhà văn phòng cung cấp dịch vụ trọn gói hấp dẫn. Công ty chỉ lo làm việc, không cần đầu tư cho các hoạt động hậu cần khác như vệ sinh, bảo vệ...

Ngoài ra, nơi làm việc, ăn ở còn thể hiện đẳng cấp của doanh nghiệp, doanh nhân. Do vậy, có xu hướng doanh nghiệp tìm đến các tòa nhà phức hợp, kể cả doanh nghiệp Việt Nam.

Theo JETRO (Tổ chức xúc tiến ngoại thương của Nhật), chi phí thuê văn phòng ở TP.HCM từ 2002 - 2004 trở lại đây luôn ở mức rất cao trong khu vực Đông Nam Á (trung bình trên 20USD/m2/tháng), gấp đôi giá thuê văn phòng ở Bangkok.

Còn theo CBRE - một tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ quản lý cao ốc, năm 2005, giá văn phòng cho thuê hạng A ở thành phố đã vọt lên 27 USD/m2/tháng, chỉ thua Hongkong (53 USD) và Singapore (29 USD), gấp đôi Bangkok.

TP.HCM lại có thêm vấn đề là nguồn cung giới hạn. Cả thành phố chỉ có 55 cao ốc văn phòng và 16 khu căn hộ cho thuê. Các văn phòng hạng A tiêu chuẩn quốc tế hầu như khai thác 100% công suất từ đầu năm đến nay. Số dự án sắp đi vào hoạt động vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khó đầu tư

Một lãnh đạo thành phố cho rằng có quá nhiều loại biệt thự, nhà ở cao cấp. Nhưng theo các doanh nghiệp, cung vẫn chưa đủ cầu. Chủ nhân của các căn biệt thự đã dư chỗ ở thì luôn có khách thuê.

Ông Võ Đình Quốc, Phó giám đốc Công ty Địa ốc ACB nói: "Mong cung vượt cầu để giá giảm xuống". CBRE cũng cho rằng giao dịch thứ cấp các căn hộ cao cấp chưa có nhiều, chứng tỏ cầu còn rất lớn mà cung không đáp ứng được.

Trong khi đó, việc tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này không dễ dàng, kể cả ở các đơn vị thừa tiền. Ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng giám đốc Prudential nhận định: "Chúng tôi có thể đầu tư vào các dự án địa ốc. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn gặp khó khăn về thủ tục".

Ông Trương Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân nói: "Lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, thủ tục pháp lý đảm bảo có thể vay ngân hàng ngày càng khó hơn. Có khi dự án hoàn thành mới có thể thế chấp để vay tiền, trong khi chúng tôi muốn dự án được hỗ trợ tài chính ngay từ đầu".

Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng: "Thị trường địa ốc không thể tách rời thị trường tài chính, nhưng hiện nay mối quan hệ này chưa được tốt, làm kìm hãm sự phát triển".

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.