Vay vốn ngân hàng khó, nhiều doanh nghiệp tìm đường vay 'nóng'

Đình Sơn
Đình Sơn
03/04/2023 19:28 GMT+7

Doanh nghiệp và người dân vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng trong khi lãi suất tiếp tục "neo" ở mức khá cao khiến người dân, doanh nghiệp kiệt sức.

Vay được là tốt lắm rồi, lãi cao cũng phải chấp nhận

Ông Trần Lâm, lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM, đang phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, chấp nhận vay nóng với lãi suất 30% cho thời gian vay 9 tháng vì "tiếp cận vốn ngân hàng quá căng, trong khi hạn mức của công ty đã "full cứng". 

"Không những vậy, việc chứng minh thu nhập lúc này là điều không hề dễ dàng khi doanh nghiệp chúng tôi không có doanh thu, hoạt động thua lỗ. Để có tiền trang trải, duy trì hoạt động, thôi đành "cắn răng" cầm cố tài sản để vay bên ngoài chứ biết sao giờ"- ông Lâm ta thán. Cũng theo ông Lâm, tài sản ông hiện vẫn rất nhiều nhưng "mấy chục lô đất ở ở quận Bình Tân giờ kêu bán mãi không ai mua dù đã giảm giá rất nhiều so với giá thị trường. Mỗi lô đất trị giá khoảng 6 tỉ đồng, cầm cố khoảng 3 tỉ để vay số tiền khoảng 15 tỉ đồng. Chúng tôi cũng đã nghĩ nhiều phương án và lúc này phương án nào vay được tiền là tốt lắm rồi. Công ty có 4 chiếc xe cũng đã bán 3 chiếc, chỉ còn giữ lại một chiếc dùng cho việc cá nhân và cho cả công ty. Tồn tại trước đã, mọi chuyện tính sau", ông Trần Lâm cho biết. 

Vay vốn ngân hàng vẫn "khó như lên trời"  - Ảnh 1.

Giao dịch đất đai trầm lắng, khó tiếp cận vốn khiến người dân và doanh nghiệp điêu đứng

ĐÌNH SƠN

Nhiều doanh nghiệp khác cũng phản ánh, dù ngân hàng thông báo còn room nhưng việc tiếp cận vốn vay vô cùng khó khăn. Bởi theo quy định, doanh nghiệp muốn được vay tiền thì dự án phải đảm bảo pháp lý, nghĩa là phải đóng xong tiền sử dụng đất và dự án được cấp phép xây dựng. 

Quy định này không khác gì đánh đố doanh nghiệp, bởi hiện đa số các dự án đều "đứng hình" do vướng các quy định về pháp lý. Để dự án được cấp phép xây dựng phải mất 3 - 5 năm. Trong khoảng thời gian này, nếu không được bơm vốn, doanh nghiệp đã "chết". Thực tế, nếu  dự án đã được cấp phép xây dựng, doanh nghiệp cũng không cần phải vay vốn ngân hàng, bởi khi đó có thể bán và huy động tiền của khách hàng. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm doanh nghiệp đang cần "hà hơi, tiếp sức" để tồn tại bằng bất cứ giá nào.

Nhiều nhà băng thừa vốn nhưng kén khách

Anh Minh Kiên (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết làm hồ sơ vay vốn tại ngân hàng Lienviet Postbank từ hồi cuối năm 2022, tài sản cầm cố vay vốn là bất động sản tại Bảo Lộc ngân hàng định giá khá thấp và cho vay bằng 50% giá trị trong định giá. Thế nhưng số tiền vay hơn 2 tỉ đồng mà làm hồ sơ làm mãi chưa xong và có nguy cơ không vay được. 

"Ngân hàng vẫn nói cho vay nhưng điều kiện cho vay khó khăn hơn rất nhiều. Nếu trước đây cho vay để trả cho chính miếng đất đó thì nay không. Ngoài ra, điều kiện cho vay khắt khe hơn và số tiền được vay cũng ít hơn trong khi lãi suất cho vay quá cao. Nhưng dù chấp nhận và vượt qua được các điều kiện trên thì việc giải ngân cũng không hề dễ dàng. Như trường hợp của tôi đã mấy tháng rồi vẫn chưa xong và có thể sẽ không được vay", anh Minh Kiên nói. 

Lãnh đạo một công ty chuyên sản xuất cửa nhôm và bán vật liệu ngành cửa tại TP.HCM cho biết, hiện ngân hàng không cho vay nên không có vốn xoay vòng. Còn nếu cho vay, điều kiện vô cùng khó khăn: Sản xuất phải có hồ sơ, tài sản bất động sản định giá cho vay chỉ 50% giá trị tài sản. Không những vậy, ngân hàng mà công ty này đang làm việc bấy lâu nay giờ chỉ nhận tài sản đảm bảo ở TP.HCM và Bình Dương, không nhận tài sản ở các tỉnh khác.

"Tình cảnh bây giờ rất khó khăn. Lãi suất cho vay tầm 9 - 11,5%/năm tùy từng doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Nhưng không làm cũng chết vì còn anh em công nhân, còn đối tác. Phải cố gắng thôi", lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay. 

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng cũng đang thừa tiền nhưng lại kén khách vay. Lãnh đạo một chi nhánh của Ngân hàng Agribank, thừa nhận hiện nay tìm được khách hàng tốt để cho vay rất hiếm dù nhiều ngân hàng, trong đó có Agribank, vẫn còn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện có nguồn thu giảm, đa số khó khăn mới tìm đến ngân hàng. Còn ngân hàng không thể cho vay dù có tài sản đảm bảo. 

"Ngân hàng đang dư tiền nhiều, nhưng không tìm được khách hàng để cho vay. Trong quá trình phát triển khách hàng, tài sản có nhưng phương án trả nợ lại khó và quan trọng nhất là không linh hoạt được. Ngân hàng hiện không ai dám linh động trong việc xét duyệt hồ sơ. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp đã khó càng khó hơn trong việc tiếp cận vốn", vị này cho biết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.