Vì sao nhiều vùng trồng sầu riêng, thanh long phải tạm dừng xuất khẩu Trung Quốc?

13/09/2023 11:38 GMT+7

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã chủ động thông báo đến các địa phương danh sách mã số vùng trồng sầu riêng, thanh long, chuối có vi phạm quy định kiểm dịch thực vật và đề nghị tạm dừng các hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ ngày 5.9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã ký nhiều văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát, kiểm dịch thực vật đối với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng, thanh long... sang Trung Quốc.

Đề nghị tạm dừng xuất khẩu Trung Quốc nhiều mã số sầu riêng, thanh long, chuối, mít   - Ảnh 1.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo đã phát hiện có rệp ở nhiều lô hàng sầu riêng, thanh long, mít... nhập khẩu vào nước này

PHAN HẬU

Đối với mã số được thông báo vi phạm lần đầu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số; thông báo cho chủ mã số  khắc phục và không xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng.

Đối với mã số nhận thông báo vi phạm nhiều lần, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương thông báo, làm thủ tục thu hồi mã số vi phạm; thông báo đến cơ sở sản xuất, đơn vị có mã số vùng trồng, đóng gói... không thực hiện hoạt động xuất khẩu. 

Trong các địa phương nhận thông báo, Trà Vinh có 1 mã số vùng trồng sầu riêng bị tạm dừng xuất khẩu. Gia Lai có 4 mã số vùng trồng chuối bị tạm dừng xuất khẩu. Long An có 3 mã số vùng trồng thanh long, mít bị tạm dừng xuất khẩu; 3 mã số vùng trồng chuối, mít phải dừng sử dụng, chờ thu hồi.

Những địa phương phát hiện nhiều mã số vi phạm gồm: tỉnh Tiền Giang có 16 mã số vùng trồng sầu riêng, mít bị tạm dừng xuất khẩu; 16 mã số vùng trồng mít phải dừng sử dụng, chờ thu hồi.

Bình Thuận có 12 mã số vùng trồng thanh long, mít bị tạm dừng xuất khẩu; 2 mã số chôm chôm, thanh long phải dừng sử dụng, chờ thu hồi.

Đồng Nai có 16 mã số sầu riêng, thanh long, chuối bị đề nghị tạm dừng xuất khẩu; 19 mã số vùng trồng chuối, thanh long phải dừng sử dụng, chờ thu hồi.

Đắk Lắk có 6 mã số vùng trồng sầu riêng, chuối bị đề nghị tạm dừng xuất khẩu; 3 mã số vùng trồng sầu riêng, chuối phải dừng sử dụng, chờ thu hồi.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục Kiểm dịch thực vật không làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã bị tạm dừng hoặc thu hồi; đồng thời đề nghị đơn vị sở hữu mã số vi phạm tiến hành điều tra nguyên nhân, có báo cáo gửi về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 20.9.

Chủ động tạm dừng, thu hồi để  giảm rủi ro cho nông dân, doanh nghiệp

Liên quan đến thông báo tạm dừng, thu hồi nhiều mã số vùng trồng nhiều mặt hàng trái cây đang xuất khẩu tốt vào thị trường Trung Quốc, gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương khẳng định, đây là hoạt động thường kỳ trong công tác kiểm dịch thực vật, đã thực hiện nhiều năm nay đối với nhiều thị trường khác nhau.

Đối với thị trường Trung Quốc, đây là lần thông báo thứ 4 về việc tạm dừng, thu hồi, khắc phục các biện pháp không tuân thủ theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đều có thông báo để địa phương tiếp tục thông báo chủ mã số được biết vi phạm cụ thể ra sao, ấn định thời gian báo cáo việc khắc phục.

Bà Hương cho biết, nghị định thư xuất khẩu sầu riêng mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc có quy định rất rõ: khi kiểm tra lô hàng ở thời điểm xuất khẩu hoặc ở cửa khẩu đến, nếu phát hiện vi phạm thì phía Việt Nam (theo điều 5) hoặc phía Trung Quốc (theo điều 6) sẽ tạm dừng xuất khẩu đối với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đó trong thời gian còn lại của mùa vụ.

Ngoài ra, đơn vị có mã số vi phạm phải thực hiện các hoạt động khắc phục và hoàn thiện báo cáo gửi lại Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xem xét việc phục hồi trở lại đối với các mã số này.

Bà Hương khẳng định, quyết định tạm dừng, thu hồi mã số khi có vi phạm là thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế, không riêng với thị trường Trung Quốc. Nếu Việt Nam tự thu hồi thì rủi ro sẽ thấp hơn với nông dân, doanh nghiệp, khi chúng ta chủ động được, có thể làm nhanh hơn việc xem xét, đánh giá để phục hồi các mã số. 

"Nếu để Trung Quốc ra thông báo tạm dừng, thu hồi thì theo quy trình Cục Bảo vệ thực vật phải thu hồ sơ về, dịch sang tiếng Trung hoặc tiếng Anh, sau đó gửi sang Trung Quốc rồi chờ lên lịch thời gian kiểm tra, kiểm tra xong rồi lại phải chờ thông báo kết quả đạt hay không, như vậy thời gian chờ phục hồi lại mã số sẽ rất dài, nên Cục Bảo vệ thực vật ưu tiên phương án chủ động dừng, thu hồi các mã số vi phạm", bà Hương nói.

Bà Hương nhấn mạnh, thông báo tạm dừng, thu hồi mã số vi phạm được Cục Bảo vệ thực vật thực hiện trên nguyên tắc, dứt khoát không làm ảnh hưởng đến thương mại, không ảnh hưởng đến xuất khẩu nhưng cũng không thể đánh đồng giữa những doanh nghiệp không có vi phạm với những doanh nghiệp làm chưa tốt, thường xuyên vi phạm quy định của nước nhập khẩu.

"Trong trường hợp doanh nghiệp chưa nhận được thông báo về việc tạm dừng, thu hồi các mã số xuất khẩu, hàng đã đưa ra cảng, cửa khẩu thì cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn tạo điều kiện làm thủ tục xuất khẩu nhưng sẽ áp dụng quy trình kiểm dịch chặt chẽ hơn nhưng sau đó sẽ phải tạm dừng hoạt động xuất khẩu", bà Hương nói.












Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.