Vì sao SIM rác giảm, cuộc gọi rác vẫn còn?

07/10/2023 07:56 GMT+7

Hàng loạt giải pháp được đưa ra để ngăn chặn cuộc gọi rác, mới đây nhất là dừng đăng ký thông tin SIM qua đại lý, nhưng dường như vẫn chưa ngăn cản nổi cuộc gọi làm phiền người dùng mỗi ngày.

Giảm ngoài chợ nhưng đầy trên mạng

Sau gần một tháng kể từ ngày Bộ TT-TT thông báo kế hoạch dừng đăng ký SIM qua đại lý ủy quyền của các nhà mạng, tình hình mua bán SIM ở các cửa hàng thiết bị di động trên thị trường đã có dấu hiệu thuyên giảm. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại TP.HCM, việc tìm mua SIM đăng ký sẵn đã khó hơn trước. Một số cửa hàng trên các con đường 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong (Q.10), Hùng Vương (Q.5) lắc đầu, không bán SIM đăng ký sẵn mà chỉ bán SIM số đẹp. 

Một nhân viên bán hàng tại đây chia sẻ: "Bán SIM số gần đây không còn lợi nhuận nữa, cửa hàng em chỉ bán linh kiện, phụ kiện và sửa chữa điện thoại là chính. Con đường này trước đây đều quảng cáo bán SIM nhưng hiện nay đã thu hẹp lại, không còn "hot" nữa". Một số cửa hàng khác hướng dẫn chúng tôi vào hệ thống phân phối lớn để mua SIM chứ không còn bán đại trà như trước.

Vì sao SIM rác giảm, cuộc gọi rác vẫn còn ? - Ảnh 1.

Nạn SIM rác vẫn chưa được giải quyết triệt để

Nhật Thịnh

Chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Châu Văn Liêm, Q.5 (TP.HCM) nói: "Bây giờ ai cũng có số điện thoại định danh vì gắn với tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội… Việc mua thêm SIM phụ cũng đã bắt đầu bão hòa. Trước đây việc đăng ký thông tin còn dễ dãi nên nhiều nơi kích hoạt sẵn sau đó bán cho khách kiếm lời, còn bây giờ quản lý khó hơn trước, thanh tra nếu phát hiện còn bị phạt nặng. Bây giờ tôi cũng không bán SIM số nữa vì lợi nhuận không bao nhiêu".

Tuy tình hình kinh doanh SIM rác có giảm và việc tìm mua khó khăn hơn nhưng vẫn không phải là dứt hẳn. Một số cửa hàng tại TP.HCM vẫn bán SIM đăng ký sẵn một cách công khai, trong đó nhiều nhất vẫn là SIM của các nhà mạng nhỏ như Itel, Vietnammobile… Đặc biệt, tình hình buôn bán SIM rác trên mạng vẫn hết sức dễ dàng thông qua các sàn thương mại điện tử. Với từ khóa "SIM đăng ký sẵn", hàng loạt shop (cửa hàng) trên Shopee sẵn sàng cung cấp với mức giá từ 50.000 - 100.000 đồng/SIM. Qua số điện thoại cung cấp trên sàn, chúng tôi đã liên lạc với một shop có địa chỉ tại Q.Tân Bình (TP.HCM). 

Đại diện cửa hàng này cho biết: "SIM Viettel nghe, gọi, nhắn tin có giá 66.000 đồng, tài khoản 0 đồng, mua về chỉ cần gắn vào điện thoại, nạp tiền vào tài khoản là sử dụng. Nếu muốn rẻ hơn thì có SIM 50.000 nhưng chỉ nghe gọi, không nhắn tin được". Khi chúng tôi hỏi có cần đăng ký thông tin cá nhân không thì cửa hàng này khẳng định: "SIM đã có thông tin sẵn, không cần đăng ký gì cả. Khi nào nhà mạng có tin nhắn yêu cầu đăng ký thông tin thì mới thực hiện". Nhiều cửa hàng khác cũng cạnh tranh với giá SIM kích hoạt sẵn khá rẻ, cam kết không bị nhà mạng khóa và không cần đăng ký thông tin, tuy nhiên, nếu bị báo cáo quá nhiều vì cuộc gọi rác thì… ráng chịu.

Tại các hệ thống phân phối SIM được quản lý tốt như FPT Shop, Thegioididong…, tình hình mua bán SIM chính chủ khá ổn định. Bà Đặng Thị Minh Ngà, Giám đốc khối sản phẩm - dịch vụ tại hệ thống FPT Shop, cho biết: "Hệ thống FPT Shop đã có sẵn nền tảng công nghệ để kích hoạt SIM rất nhanh. Tuy nhiên, mỗi khi FPT Shop cung cấp SIM cho khách hàng đều kiểm tra kỹ thông tin cá nhân, tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật về việc thực hiện eKYC xác minh SIM chính chủ, không bán như một món phụ kiện đi kèm phổ biến. Thực tế trong thời gian qua có nhiều khách hàng không đủ điều kiện để mua SIM vì họ không tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin. Điều này cũng một phần ảnh hưởng lớn đến doanh số chung của hệ thống, số lượng SIM bán ra tại hệ thống FPT Shop vẫn giữ được mức ổn định trong tháng vừa qua".

Ngừng bán sim qua đại lý, chủ tiệm ngậm ngùi chuyển hướng: ‘Bán sim chỉ là tạm thời’

Nan giải cuộc gọi rác

SIM rác đã vãn nhưng cuộc gọi rác lại tăng, đó là than phiền của rất nhiều người trong khoảng nửa tháng trở lại đây.

Vì sao SIM rác giảm, cuộc gọi rác vẫn còn ? - Ảnh 2.

Việc mua bán SIM đăng ký sẵn rất dễ dàng trên các sàn điện tử

Đinh Đang

Anh Lê Quốc, một chuyên gia công nghệ tại TP.HCM, giải thích: "Hiện nay có khá nhiều dịch vụ "cày" view, tăng lượt theo dõi, tăng lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Với dịch vụ này cần có rất nhiều tài khoản được đăng ký bằng số điện thoại để đáp ứng yêu cầu xác thực của các mạng xã hội. Việc mua bán SIM kích hoạt sẵn một phần là để phục vụ các đối tượng "farmer" này. Nhưng bên cạnh đó, nhiều đối tượng cũng sử dụng SIM rác để thực hiện telesale, tức là chào mời quảng cáo sản phẩm, dịch vụ qua điện thoại".

Chị Hồng, một chuyên gia lĩnh vực truyền thông ngụ Q.4 (TP.HCM), bức xúc kể: "Tôi ám ảnh cuộc gọi rác đến mức không dám nghe những cuộc điện thoại số lạ. Không biết từ đâu mà dịch vụ chào mời suốt ngày, thậm chí có những cuộc gọi không đúng tên của tôi nhưng vẫn cứ làm phiền suốt".

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện truyền thông của một nhà mạng thừa nhận: "Bản thân tôi cũng thường xuyên bị làm phiền bởi những cuộc gọi rác, nhưng để có được một giải pháp triệt để thì rất khó. Dù cho các nhà mạng có áp dụng việc dừng đăng ký thông tin khi bán SIM số tại các đại lý thì một lượng SIM kích hoạt sẵn đã được các đại lý tích trữ từ trước đến nay vẫn còn. Số lượng này nếu chưa bán hết thì trên thị trường vẫn còn xuất hiện những nơi bán SIM rác. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đăng ký một số lượng SIM lớn với mục đích "chăm sóc khách hàng", như vậy các nhà mạng cũng không thể cấm". Theo đại diện nhà mạng này, hiện nay sau các cuộc gọi rác đều xuất hiện tin nhắn báo cáo, nếu số lượt báo cáo đạt yêu cầu thì nhà mạng sẽ tiến hành khóa số đó. Đây là phương cách mà người sử dụng điện thoại nên thực hiện mỗi khi bị làm phiền.

Xem nhanh 20h: Đại lý SIM than ‘cụt đường sống’

Trước nạn SIM rác, Bộ TT-TT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp từ đầu năm đến nay. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp, từ đó, 12,5 triệu SIM không chính chủ đã bị loại bỏ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn. Trong tháng 5, tháng 6 vừa qua, Bộ TT-TT đã triển khai 82 đoàn thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại nhiều tỉnh thành. Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao. Từ tháng 9, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các nhà mạng tập trung phát triển các kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi, hệ thống có uy tín. Điều này nhằm giám sát, đảm bảo các thuê bao mới phát triển là chính xác. 

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10 của Bộ TT-TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long một lần nữa nhấn mạnh Bộ sẽ quyết liệt xử lý, không có vùng cấm trong vấn đề SIM rác, SIM không chính chủ. Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong trường hợp cần thiết, Bộ TT-TT sẵn sàng đình chỉ việc phát triển thuê bao mới của các nhà mạng để xảy ra sai phạm, không dung túng cho doanh nghiệp, đại lý bán SIM rác, không để méo mó thị trường viễn thông…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.