Vì sao TP.HCM cần gần 16.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng?

Duy Tính
Duy Tính
25/03/2023 09:32 GMT+7

Thiết lập mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng rộng lớn trên địa bàn TP.HCM sẽ giúp công tác phòng chống dịch bệnh, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.

Ngày 25.3, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế thành phố đã đăng ký, xây dựng đề án "Củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP.HCM".

"Điều kiện không thể thiếu khi muốn củng cố, phát triển y tế cơ sở là hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Điều này đã được đúc kết qua những tháng ngày chống dịch Covid-19 khốc liệt vừa qua, đó là Tổ Covid cộng đồng", PGS-TS Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, nếu không có mạng lưới các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng như mô hình các Tổ Covid cộng đồng, thì các trạm y tế phường, xã khó có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra trong công tác y tế cộng đồng. Đây thật sự là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý của ngành y tế TP.HCM.

Vì sao TP.HCM cần 15.726 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trong tình hình mới? - Ảnh 1.

Mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, ngăn ngừa bệnh tật trên địa bàn TP.HCM

DUY TÍNH

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xây dựng mạng lưới và đào tạo các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ sức khỏe cộng đồng, tăng khả năng phát hiện và phòng chống bệnh tật, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng có những nhiệm vụ chính. Thứ nhất, phát hiện, theo dõi và báo cáo các trường hợp bệnh tật. Thứ 2, giáo dục và tư vấn sức khỏe. Thứ 3, hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật. Thứ 4, giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh.

Có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy hiệu quả của mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tại các nước kém phát triển. Đó là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe tâm thần và các bệnh không lây nhiễm…

Tại các nước đã phát triển, mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thường được xây dựng trên cơ sở các tổ chức cộng đồng, tổ chức tôn giáo, các nhóm tình nguyện và các nhóm quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Nhiệm vụ của họ bao gồm tư vấn về sức khỏe, phát hiện các vấn đề sức khỏe cộng đồng, giới thiệu các chương trình phòng ngừa và điều trị bệnh…

"Mong rằng đề án của ngành y tế sẽ được HĐND TP.HCM xem xét, đánh giá và biểu quyết thông qua nhằm tạo dựng những cánh tay nối dài của các trạm y tế trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến từng hộ dân, từng người dân trên địa bàn", PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, dự kiến mỗi khu phố sẽ có 3 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. TP.HCM có 5.242 khu phố, ấp thì cần khoảng 15.726 cộng tác viên. Kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho lực lượng này là 97 tỉ đồng/năm.

"Lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ do UBND phường, xã quản lý. Về chuyên môn sẽ do trạm y tế quản lý. Đây là việc hoàn toàn có lợi và khả thi", người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.