Việt Nam quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' IUU

10/10/2023 06:29 GMT+7

Đến thời điểm hiện tại, mọi khâu chuẩn bị đón đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu đến VN để kiểm tra kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã gần như hoàn tất.


Triển khai đồng bộ mọi mặt trận

Theo kế hoạch, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đến VN vào hôm nay (ngày 10.10) để bắt tay vào công tác kiểm tra kết quả thực hiện chống khai thác IUU để xem xét gỡ bỏ "thẻ vàng" cảnh cáo, giúp cho việc xuất khẩu thủy hải sản của VN thuận lợi hơn. 

Là một trong những địa phương trọng điểm được yêu cầu thanh tra trong lần này, bà Phạm Thị Na, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ: Đến nay công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã triển khai cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản, trong đó thông tin dữ liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã được các bộ phận, cá nhân phụ trách cập nhật, khai thác thường xuyên trên phần mềm. Đến nay, một số địa phương đã rà soát, triển khai xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác. 

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương cấp huyện, xã không cho phát sinh thêm phương tiện chưa đăng ký trên địa bàn quản lý, không cho phát sinh trường hợp tàu cá tự đóng mới, mua bán mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh; tuyệt đối không giải quyết xuất bến/rời cảng đối với tàu cá chưa đăng ký. Lực lượng kiểm soát liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp tàu cá chưa đăng ký mà đưa vào hoạt động…

Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao cờ, tặng quà, tuyên truyền về IUU cho ngư dân

NGUYỄN LONG

Tại Bình Định, địa phương nhiều khả năng sẽ được đoàn thanh tra EC ghé thăm, Sở NN-PTNT tỉnh cho biết đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân, vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu các chủ tàu cá ký cam kết phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản. 

Để ngăn chặn triệt để tình trạng các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng tham gia hoạt động sản xuất, Sở đã chỉ đạo ban quản lý các cảng cá kiểm soát chặt chẽ các tàu cá Bình Định cập cảng, rời cảng theo quy định. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương như kiểm ngư, thanh tra tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm các quy định về IUU, đặc biệt là hành vi chưa lắp đặt thiết bị theo quy định. 

Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU - Ảnh 2.

Việc triển khai các biện pháp chống khai thác IUU đã được nỗ lực thực hiện trong 6 năm qua theo khuyến nghị của EC

NGUYỄN LONG

Tại tỉnh Trà Vinh, ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tự tin thông báo: Hiện nay, tỉnh đã hoàn tất các văn bản, hồ sơ và các nội dung chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra EC. Trong đó, rà soát, tổng hợp số liệu, lưu trữ hồ sơ xử lý hành vi vi phạm (nếu có) về khai thác IUU, cung cấp hồ sơ xử lý theo yêu cầu của đoàn thanh tra. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đã tổ chức 17 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kiểm tra 943 phương tiện kết hợp tuyên truyền luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Ông Trần Văn Dũng khẳng định: "Ngay khi phát hiện các trường hợp mất kết nối VMS, có dấu hiệu vượt ranh giới trên biển..., lực lượng chức năng đã cử cán bộ làm việc trực tiếp với chủ tàu, liên lạc với thuyền trưởng yêu cầu tuân thủ quy định về VMS, không vượt ranh giới trên biển và tiến hành xác minh, xử lý vi phạm hành chính khi tàu về bờ".

Hướng tới hội nhập quốc tế, phát triển nghề cá bền vững

Báo cáo tổng hợp cho thấy cả nước hiện có 98% tàu cá dài trên 15 m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại đang nằm bờ, ngưng hoạt động. Hơn 73.200 chiếc tàu từ 6 m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở VNFishbase - Dữ liệu nghề cá quốc gia. Việc chia sẻ dữ liệu, kết nối giữa các cơ quan theo dõi hoạt động tàu cá trên biển được tiến hành thường xuyên. Đánh giá tổng thể từ báo cáo của các tỉnh cho thấy, hiện nay, VN đã cơ bản đáp ứng các khuyến nghị của EC, tuy nhiên hiện vẫn còn địa phương gặp vướng mắc hoặc còn tình trạng tàu cá vi phạm khi đánh bắt tại các vùng biển nước ngoài.

Với mục tiêu cao nhất không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

Trích Công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Theo kế hoạch, đoàn thanh tra của EC gồm đại diện của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE) và Phái đoàn EC tại VN, sẽ đến VN từ ngày 10.10 và liên tục làm việc cho đến ngày 18.10. Dự kiến, đoàn sẽ tập trung vào kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Trong thời gian qua, Chính phủ đã liên tục có công điện chỉ đạo, đôn đốc việc dồn toàn lực để chuẩn bị tốt nhất khi đón tiếp phái đoàn. Bộ NN-PTNT cũng tổ chức hàng loạt cuộc kiểm tra thực địa để đánh giá.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo: "Trong quá trình đoàn thanh tra EC công tác tại VN, phải tận dụng mọi cơ hội để giải thích, chứng minh cho đoàn thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản VN, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của VN trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó đoàn EC có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần này". 

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương liên quan tập trung tối đa nguồn lực, bố trí địa điểm, cán bộ nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, khả năng trình bày báo cáo để trả lời các yêu cầu của đoàn thanh tra EC; rà soát, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cả bản giấy và trên phần mềm điện tử, đảm bảo hồ sơ thực hiện được liên kết theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc, lưu trữ khoa học để dễ dàng truy xuất, cung cấp kịp thời theo yêu cầu của đoàn thanh tra. Hồ sơ, dữ liệu xử phạt phải đảm bảo theo dõi được lịch sử vi phạm, tái phạm theo từng hành vi, hình thức xử lý cụ thể đối với từng hành vi vi phạm và kết quả xử lý.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định: "Hiện nay vẫn còn có một số khó khăn, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội gỡ "thẻ vàng" nếu chuẩn bị tốt và khắc phục nhanh nhất. VN không chỉ quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU, mà cao hơn là hướng tới hội nhập quốc tế, phát triển nghề cá bền vững, bảo đảm sinh kế cho ngư dân, thúc đẩy xuất khẩu phát triển".

Lịch làm việc của đoàn thanh tra EC tại VN

Ngày 10.10, đoàn sẽ đến VN. Ngày 11 - 15.10, đoàn làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu; kiểm tra thực địa tại một số cảng cá và làm việc với các cơ quan có liên quan tại địa phương. Ngày 16 - 17.10, làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan. Ngày 18.10, Đoàn đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ NN-PTNT. Dự kiến chiều 18.10, lãnh đạo Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống IUU tiếp đoàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.