Vội vàng cấm xe điện là phản ứng cực đoan, tạo nên sự 'an toàn giả'

16/09/2023 16:42 GMT+7

Từ góc độ người làm chính sách, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, việc một số chung cư vội vã cấm xe điện sau vụ cháy lớn tại Hà Nội vừa qua là phản ứng cực đoan, thậm chí có thể phạm luật. Bởi xe điện là loại phương tiện được pháp luật công nhận, khuyến khích sử dụng để bảo vệ môi trường và được nghiên cứu chứng minh là khả năng "phát hỏa" cực thấp, trong khi nguyên nhân vụ cháy chưa được xác định.

Không gây cháy, xe điện vẫn bị tiếng oan

Sau vụ cháy chung cư mini trên đường Khương Hạ (Hà Nội), xe điện bỗng dưng trở thành "tội đồ", dù cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân hỏa hoạn. Lo lắng về nguy cơ cháy nổ, nhiều chung cư mini, nhà trọ, thậm chí cả một số chung cư lớn tại Hà Nội lập tức ra quy định cấm sạc xe dưới hầm hoặc tầng để xe.

"'Chung cư chỗ tôi còn đưa ra thời hạn cho người thuê trong 2 tháng phải đổi sang xe xăng nếu không sẽ không được gửi xe nữa. Giờ không biết phải làm thế nào khi 2 vợ chồng là 2 cái xe điện", chị Trà My, hiện sinh sống tại một chung cư mini trên đường Hào Nam (quận Đống Đa), cho biết.

Chuyên gia điện - điện tử: ‘Xe điện cũng như cái quạt, có chất nổ đâu mà sợ’

Hoàn cảnh của anh Ngọc Tuấn (quận Hai Bà Trưng) còn trớ trêu hơn khi tối qua anh buộc phải mang xe máy điện lên căn hộ ở tầng 11 để sạc pin bởi ban quản lý tòa nhà cấm không cho sạc dưới hầm. Một số xe có thể tháo rời pin thì chủ xe cũng phải mang pin lên phòng để sạc.

"Xe điện mà dễ cháy như thế thì thế giới đã loại bỏ từ lâu. Xe điện từ chỗ được khuyến khích sử dụng để bảo vệ môi trường, nay lại bị nhiều người kỳ thị", anh Tuấn bức xúc.

Trong khi đó, theo thông tin từ ông N.P.Đ, bảo vệ chung cư mini xảy ra vụ cháy và cũng là người đầu tiên phát hiện vụ việc, "ban đầu ngọn lửa xuất phát từ ổ điện chứ không phải cháy từ xe đạp điện đang cắm sạc vì ở chung cư nghiêm cấm việc này", ông Đ. cho hay.

Như vậy, có thể thấy việc "đổ" nguyên nhân gây cháy cho xe điện hoàn toàn là cảm tính.

Vội vàng cấm xe điện là phản ứng cực đoan, tạo nên sự 'an toàn giả' - Ảnh 1.

TP.HCM tính xây dựng phương án hỗ trợ miễn phí một số đối tượng người dân kiểm định xe máy và đổi phương tiện cũ sử dụng động cơ đốt trong sang phương tiện mới là xe điện

Nhật Thịnh

Nhìn nhận về làn sóng tẩy chay xe điện, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá hậu quả của vụ cháy trên đường Khương Hạ quá nghiêm trọng nên việc người dân thận trọng và đề phòng cũng là điều dễ hiểu. Từ góc nhìn tích cực, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng ý thức phòng chống cháy nổ của cả xã hội được nâng cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc cấm xe điện là quá cực đoan, thậm chí là sai luật.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, xe điện là loại phương tiện được Nhà nước cho phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng. Để được đưa ra thị trường, các phương tiện đều trải qua quá trình kiểm định khắt khe và phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ.

Là phương tiện được pháp luật công nhận nên xe điện được lưu hành, sử dụng ở bất kỳ nơi nào, bình đẳng như các phương tiện giao thông khác. Đồng thời, xe điện cũng được phép sạc tại những nơi đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, bao gồm cả hầm chung cư.

"Xe điện là phương tiện hợp pháp, được pháp luật công nhận chính thức. Không ai có quyền cao hơn pháp luật để cấm xe điện. Việc chủ chung cư, nhà trọ cấm xe điện là không đúng với quy định của pháp luật", TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Nhiều người cho rằng, điều này có thể là do mức độ hiểu biết về loại phương tiện mới còn hạn chế. Trở lại năm 2018, một chiếc xe tay ga Attila được xác định là "thủ phạm" của vụ cháy chung cư Carina (TP.HCM) làm 13 người chết. Dù vậy, không phải vì thế mà xe máy xăng bị cấm sử dụng hoặc cấm đưa vào các tầng hầm chung cư.

Ứng xử với xe điện cần dựa trên sự hiểu biết

Đây không phải lần đầu tiên xe điện bị quy kết là nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xe điện hoàn toàn không dễ cháy như nhiều người lầm tưởng. Thậm chí, so với nguy cơ cháy nổ xe xăng còn lớn hơn bởi động cơ đốt trong, xe điện còn an toàn hơn và khó xảy ra cháy hơn nhiều lần.

Theo tổng hợp của trang Autoinsuranceez từ dữ liệu của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (Mỹ), tỷ lệ xe điện bị cháy chỉ là 25,1 vụ trên 100.000 xe, so với 1.529 trên 100.000 xe động cơ đốt trong. Nói cách khác, số vụ cháy nổ xe xăng dầu cao hơn tới 61 lần xe điện.

Trên thực tế, phần lớn các loại xe điện có thương hiệu hiện nay, bao gồm cả ô tô và xe máy điện, đều sử dụng pin lithium-ion. Đây là loại pin được nghiên cứu và phát triển theo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nghiêm ngặt, nên nguy cơ xảy ra cháy nổ cũng vô cùng thấp.

"Xe điện đang là xu thế mới và vì còn mới nên con người thường không hiểu đầy đủ. Vì thế, xe điện rất dễ bị đổ lỗi mỗi khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra", chuyên gia ô tô Lê Thọ Phú nhận định.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, xe điện là loại phương tiện mới, người dùng cần nắm rõ cách sử dụng và tuân thủ tuyệt đối những quy định an toàn. Các phương tiện nếu được kiểm định chất lượng rõ ràng, người dùng tuân thủ quy định sạc thì rủi ro là rất thấp. Trong nhiều trường hợp, rủi ro không đến từ bản thân chiếc xe mà đến từ cách vận hành sai của người sử dụng.

Theo nhiều chuyên gia, chuyển dịch sang xe điện là một xu thế tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cần nhìn nhận chính xác và toàn diện các rủi ro cháy nổ có thể xảy ra khi sử dụng xe điện nói riêng và các thiết bị sử dụng điện nói chung. Ví dụ, quy hoạch xây dựng, hệ thống lưới điện, hạ tầng phòng cháy chữa cháy… để có giải pháp phòng tránh.

Nếu chỉ tập trung quy kết cho xe điện là nguyên nhân gây cháy nổ vô hình trung đang tạo ra sự "an toàn giả" bởi các vấn đề căn cơ, gốc rễ đã bị bỏ qua. Đặc biệt, khi cả xã hội đang hoang mang về xe điện, các cơ quan quản lý càng phải hành động sớm để trấn an dư luận cũng như loại bỏ các suy diễn, các quy định thiếu căn cứ.

"Một bộ phận người dân thiếu thông tin, kiến thức có thể phản ứng tiêu cực với xe điện còn có thể thông cảm. Cơ quan quản lý nếu cũng nhìn nhận xe điện như một thủ phạm gây cháy nổ để ban hành các văn bản cấm là sai luật. Đáng nói hơn, điều này còn đi ngược lại một chính sách lớn của Nhà nước là khuyến khích phương tiện chạy điện để bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững", TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.