Vụ 'siêu lừa' 433 tỉ: Nói lời sau cùng, bị cáo vẫn kêu oan

20/03/2023 16:37 GMT+7

Nói lời sau cùng, nữ bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng trong vụ "siêu lừa" 433 tỉ đồng kiên quyết kêu oan, cho rằng có "quá nhiều vấn đề" trong khâu buộc tội đối với mình.

Chiều 20.3, phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 bị cáo trong vụ chiếm đoạt 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân kết thúc phần tranh luận.

Tòa sẽ nghị án kéo dài, tuyên án vào ngày 24.3 tới. Trước khi vào nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX ) cho các bị cáo được nói lời sau cùng.

Vụ 'siêu lừa' 433 tỉ: Nói lời sau cùng, bị cáo vẫn kêu oan - Ảnh 1.

Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương tại tòa

PHÚC BÌNH

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành gửi lời xin lỗi tới gia đình, tất cả những người liên quan trong vụ án và đặc biệt là 25 đồng phạm. "Tôi vô cùng áy náy, hối hận, dù phải chịu phán quyết thế nào đi nữa, tôi cũng chấp nhận. Xin HĐXX xét đến vai trò của các đồng phạm, bởi thực sự họ phạm tội chỉ vì quá tin tưởng tôi", bị cáo nói.

Bị đề nghị 16 - 18 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (cựu Trưởng bộ phận khách hàng, Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) khóc, nói xin lỗi ngân hàng và các đồng nghiệp.

"Thời gian qua, mọi nhân quả bị cáo đã gánh hết, nhà bị cáo cũng đã bị bán để trả nợ. Con cái còn nhỏ, ốm bệnh, mỗi ngày trôi qua bên con, với bị cáo bây giờ đều là một ngày vô cùng quý giá", nữ bị cáo nói, và mong muốn được hưởng khoan hồng.

Cũng bị đề nghị 16 - 18 năm tù, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) là người duy nhất kiên quyết kêu oan.

Nữ bị cáo cho biết, đã chờ đợi hơn 2 năm để có thể đứng tại tòa và kêu oan. Bà Quỳnh Hương cho rằng có "quá nhiều vấn đề" trong khâu buộc tội đối với mình, bởi viện kiểm sát chỉ sử dụng lời khai của những người có quyền lợi đối lập để buộc tội bị cáo.

Với tội lừa đảo, bị cáo cho biết ngay tại tòa, Nguyễn Thị Hà Thành đã khai bị cáo không tham gia, bàn bạc nhưng viện kiểm sát dùng lời khai của những người có quyền lợi đối lập bị cáo để buộc tội, không giám định camera, không làm rõ việc tại sao có chữ ký giả.

Với tội vi phạm hoạt động của ngân hàng, bị cáo cho rằng viện kiểm sát dùng những công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng để buộc tội. Các bị cáo khác cùng ký tờ trình nhưng không bị truy tố tội vi phạm vì không tham gia quá trình giải ngân.

"Thời gian bị tam giam, nhiều lần bị cáo chỉ mong mình ngủ một giấc, hôm sau không trở dậy", cựu cán bộ ngân hàng trình bày.

Được nói lời sau cùng, các cựu cán bộ ngân hàng khác là bị cáo trong vụ án đều cho biết đã hối hận, nhận thức sai phạm. Nhóm này xin tòa cho hưởng mức án nhẹ, để sau này "con cái còn có dũng khí bước chân vào làm ngành ngân hàng".

Trước đó, tại phần luận tội, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương bị đề nghị 16 - 18 năm tù; Nguyễn Thanh Tùng (cựu Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) bị đề nghị 15 - 16 năm tù; Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) bị đề nghị 15 - 17 năm tù…

Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương bị đề nghị 16 - 18 năm tù về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 8 tháng đến 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng hoặc tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Xem nhanh 20h ngày 20.3: Bẫy lừa mới núp bóng từ thiện | Sự thật bất ngờ sau ‘lá thư tuyệt mệnh’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.