Xây dựng tứ giác năng động vùng Đông Nam bộ

27/11/2023 06:20 GMT+7

Tại hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều 26.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất xây dựng tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu thành tứ giác năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, sau đó nâng tầm châu Á và vươn tầm thế giới.

Vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Tại phiên họp, đơn vị tư vấn đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó kịch bản thấp là 6,48%, kịch bản lựa chọn là 8,07% và kịch bản cao là 9,22%. Để đạt từng kịch bản tăng trưởng, nhu cầu vốn tương ứng lần lượt là 11,7 triệu tỉ đồng, 15,7 triệu tỉ đồng và 17,7 triệu tỉ đồng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi tại hội nghị của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộẢnh: Sỹ Đông

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi tại hội nghị của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ

SỸ ĐÔNG

Ông Phan Văn Mãi đề xuất chọn kịch bản phát triển cao với mục tiêu đưa vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1 cả nước, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Do vậy, cần nguồn lực quốc gia để đầu tư phát triển. Thậm chí giai đoạn từ đây đến năm 2030, phải đầu tư đến 30 - 50% nguồn lực quốc gia thì mới có được một đầu tàu, bứt tốc trong thời gian tới. Về giao thông nội vùng, ông Phan Văn Mãi đề nghị nên đầu tư mạng lưới đường sắt kết nối, chi phối cả chuyện phát triển đô thị, công nghiệp và hạ tầng logistics.

Giải quyết 2 bất cập lớn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần chung của quy hoạch là kiến tạo phát triển và liên kết vùng. "Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng", Thủ tướng lưu ý. Với tiềm năng rất đặc biệt về con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa, Thủ tướng nhận định vùng Đông Nam bộ có đủ điều kiện trở thành trung tâm lớn nhất về KT-XH, là đầu tàu và hình mẫu phát triển của cả nước.

Tuy nhiên, vùng Đông Nam bộ đang đối mặt 2 bất cập lớn. Thứ nhất, tiềm năng của vùng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Thứ hai, hạ tầng chiến lược chưa tương ứng để phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế. Từ đó, Thủ tướng lưu ý cần tiếp cận quy hoạch với tư duy đột phá chứ không tịnh tiến, bám sát thực tiễn và dựa trên 3 trụ cột chính. Trong đó, con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa - lịch sử là động lực phát triển. Có quy hoạch rồi cần phải kết hợp đa dạng nguồn lực nhà nước với tư nhân, trung ương với địa phương.

Thủ tướng cũng lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao cho vùng trong giai đoạn 2021 - 2023, đi cùng với đó là khâu tổ chức thực hiện và cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phù hợp. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý về kết nối kinh tế giữa vùng Đông Nam bộ với Tây nguyên, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ mang tính bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Đồng thời, thúc đẩy kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, khu vực ASEAN và một số trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.

Nêu định hướng một số dự án trọng điểm, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng một trung tâm logistics lớn của vùng và cả nước gồm cả cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực các dự án lớn khác như trung tâm tài chính quốc tế, hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt, sân bay (Long Thành, Tân Sơn Nhất, Biên Hòa).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.