Xử lý chó thả rông sau 48 giờ nuôi nhốt

Công Nguyên
Công Nguyên
01/03/2023 09:00 GMT+7

Chó thả rông sau khi bị bắt sẽ được nuôi nhốt, chăm sóc trong vòng 48 giờ đồng hồ, nếu người dân không tới đóng phạt thì UBND phường sẽ làm thủ tục bàn giao cho trường Trung cấp Nông nghiệp TP.HCM để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.

Hơn 3 tháng ra quân, xử phạt trên 57 triệu đồng

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết đội bắt chó thả rông của phường ra quân đầu tiên vào ngày 5.11.2022. Cho đến nay, đã thực hiện 12 lượt ra quân, bắt được 69 con chó thả rông. Đã có 31 người dân đến đóng phạt (1,9 triệu đồng/con) với tổng số tiền 57,4 triệu đồng và nhận chó của mình về nhà.

Xử lý chó thả rông sau 48 giờ nuôi nhốt - Ảnh 1.

Chó thả rông bị bắt đưa lên xe chuyên dụng

XUÂN KHÁNH

Theo ông Tuấn, công tác bắt và xử lý chó thả rông trải qua nhiều công đoạn để xử lý. Chó được bắt về nuôi nhốt, chăm sóc trong vòng 48 giờ đồng hồ. Trong thời gian này, nếu người dân đến đóng phạt (1,9 triệu đồng/con) sẽ được nhận chó về chăm sóc. Qua 48 giờ, nếu người dân không tới đóng phạt thì UBND phường sẽ làm thủ tục bàn giao trường Trung cấp Nông nghiệp TP.HCM để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.

Xử lý chó thả rông sau 48 giờ nuôi nhốt - Ảnh 2.

Chó thả rông được đánh số phân loại, tránh nhầm lẫn khi trao trả

XUÂN KHÁNH

Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Hải, Phó trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận 1, 4, 7 cho biết, chó, mèo sau khi bị bắt giữ sẽ đưa về lưu giữ tại địa điểm lưu giữ tập trung riêng biệt. Sau 48 giờ (quy định tại Phụ lục 15 của Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT), nếu không có người đến nhận sẽ chuyển giao cho các trường có chuyên ngành thú y để phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu. Theo ông Hải, sau khi bắt chó, mèo thả rông, cán bộ thú y phối hợp với UBND phường thực hiện ghi nhận chi tiết về địa điểm bắt giữ; chi tiết về chó bị bắt giữ (giống, màu lông, ước lượng cân nặng, độ tuổi và 1 số đặc điểm đặc trưng khác của con vật). UBND phường sẽ thông báo về trường hợp có xử lý bắt chó thả rông tại khu vực cho người dân được biết. Người dân khi nhận chó phải nêu đúng địa điểm khu vực đã thả chó, hình dáng, đặc điểm của chó và các giấy tờ liên quan đến con chó (sổ sức khỏe của chó, giấy chứng nhận tiêm phòng,...). Khi xác định đúng chủ chó thì UBND phường sẽ lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng" (khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP. Mức phạt từ 1-2 triệu đồng).

6 năm sau chiến dịch của ông Đoàn Ngọc Hải: vỉa hè quận 1 giờ ra sao?

Phát sinh nhiều khó khăn

Ông Huỳnh Thanh Hải cho hay, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn Q.7, Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận 1, 4, 7 phối hợp với các phường tổ chức nhiều lần ra quân bắt chó thả rông nơi công cộng. Trong quá trình triển khai, đã phát sinh nhiều khó khăn cần được cơ quan quản lý hỗ trợ giải quyết như: Nhân sự bắt chó, mèo thả rông chủ yếu thuê nhân công bên ngoài, vì phường không bố trí được nhân sự thực hiện; Xe vận chuyển trong quá trình bắt chó nhờ sự hỗ trợ phương tiện chuyên dụng từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, mà đơn vị này chỉ có 1 xe duy nhất hỗ trợ 22 quận, huyện; UBND phường không đủ kinh phí thuê nhân công bên ngoài đi bắt chó lâu dài.

Xử lý chó thả rông sau 48 giờ nuôi nhốt - Ảnh 3.

Chó thả rông bị bắt đưa về địa điểm tạm giữ

XUÂN KHÁNH

Theo ông Hải, từ những khó khăn trên, UBND các phường khó chủ động trong công tác bắt, xử lý chó, mèo thả rông nơi công cộng. Để thuận lợi trong công tác bắt chó, mèo thả rông, Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận 1, 4, 7 kiến nghị UBND các phường bố trí nhân sự cụ thể, tập huấn nghiệp vụ trước khi đi làm nhiệm vụ. Sở NN-PTNT bố trí nhân sự mạng lưới thú y để hỗ trợ cho các phường. Cơ quan quản lý bố trí kinh phí, phương tiện chuyên dụng vận chuyển chó cho các phường để thực hiện công tác bắt, nuôi nhốt và chăm sóc.

Xử lý chó thả rông sau 48 giờ nuôi nhốt - Ảnh 4.

Nhân viên bắt cho có thể bị chó cắn bất cứ lúc nào

XUÂN KHÁNH

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết trước khi thực hiện kế hoạch bắt chó thả rông đã tuyên truyền đến người dân ở tất cả các tổ dân phố trên địa bàn phường. Tuy nhiên, khi lực lượng phường đi làm nhiệm vụ thì gặp một số trường hợp người dân bức xúc, phản ứng. Hiện chưa có quy định đối với nguồn kinh phí bố trí chi phí làm chuồng nuôi nhốt, dụng cụ, phương tiện bắt chó, thức ăn, bố trí nhân sự chăm sóc, vệ sinh chuồng trại…Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, UBND P.Hiệp Bình Chánh sẽ tiếp tục hoạt động bắt chó thả rông, cho đến khi tình hình được cải thiện, ý thức người dân được nâng cao. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần có thêm những quy định về nguồn kinh phí, pháp lý để các địa phương khác nhân rộng mô hình bắt chó thả rông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.