Nam Định: Hết hạn hoạt động, trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động kéo dài

Cù Hiền
Cù Hiền
15/05/2024 17:29 GMT+7

Tuy đã hết hạn hoạt động hơn 1 năm nay nhưng trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty CP Công Tới vẫn tiếp tục hoạt động, phớt lờ sự nhắc nhở và văn bản chỉ đạo của chính quyền.

Phản ánh đến PV Thanh Niên, một số người dân xã Xuân Tân (H.Xuân Trường, Nam Định) bày tỏ bức xúc vì thời gian dài phải chịu cảnh khói bụi của trạm trộn bê tông của Công ty CP Công Tới (sau đây viết tắt là Công Tới) ngay tại bãi hữu sông Hồng. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, khu vực đặt trạm trộn trở nên mù mịt bụi bởi các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng. Đáng chú ý, trạm trộn này đã hết hạn cấp phép từ lâu nhưng hoạt động tại đây vẫn nhộn nhịp.

Trạm trộn bê tông hết hạn hoạt động vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp quy định của pháp luật

Trạm trộn bê tông hết hạn hoạt động vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp quy định của pháp luật

CÙ HIỀN

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Sở TN-MT tỉnh Nam Định cho biết, UBND tỉnh Nam Định ký hợp đồng cho Công Tới thuê 50 năm để hoạt động xây dựng xưởng đóng tàu và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng với diện tích 10.901,9 m2, tại bến bãi xã Xuân Tân. Đến ngày 23.10.2020, UBND tỉnh Nam Định ký quyết định số 2596, cấp phép cho Công Tới sử dụng bãi tập kết trung chuyển vật liệu lắp ghép tạm thời trạm trộn bê tông thương phẩm, thời hạn 2 năm kể từ ngày ký.

Tháng 10.2022, Công Tới đã hết hạn cấp phép đối với trạm trộn. Đến nay, UBND tỉnh Nam Định vẫn chưa ký quyết định gia hạn cho đơn vị này.

Lỗi do Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định không chỉ đạo?

Ngày 21.3, tại buổi làm việc với các phòng, ban của UBND H.Xuân Trường và Hạt phó Hạt Quản lý đê Xuân Trường cùng lãnh đạo UBND xã Xuân Tân, tất cả những đơn vị này đều khẳng định sau khi Công Tới đề nghị gia hạn cấp phép, ngày 7.4.2023, UBND tỉnh có văn bản giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan để sau đó có tham mưu cho tỉnh.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định chưa có bất kỳ văn bản chỉ đạo nào gửi UBND H.Xuân Trường nên các đơn vị tại địa phương đều đang chờ đợi chỉ đạo của sở.

Đáng chú ý, tháng 10.2022, Công Tới đã hết hạn hoạt động trạm trộn nhưng mãi đến tháng 11.2023 (13 tháng sau) xã Xuân Tân mới ra văn bản lần thứ nhất thông báo yêu cầu dừng hoạt động, 1 tháng sau chính quyền xã tiếp tục ra văn bản lần 2. 

Lý giải vì sao rất lâu sau khi Công Tới hết hạn cấp phép hoạt động trạm trộn, chính quyền xã mới ra văn bản yêu cầu dừng hoạt động, ông Ngô Xuân Bính, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tân, nói: "Hơn 10 lần khác xã và các đơn vị liên quan đã đến làm việc nhưng là chỉ đạo... miệng, không lập biên bản".

Trước những lời khẳng định từ phía UBND H.Xuân Trường và đại diện Hạt Quản lý đê Xuân Trường rằng Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định chưa có bất kỳ chỉ đạo nào về sai phạm của Công ty CP Công Tới, ngày 27.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, cho biết trạm trộn Công Tới đã hết hạn từ tháng 10.2022 nhưng đến tháng 4.2023 (tức 6 tháng sau khi trạm trộn bê tông hết hạn hoạt động - PV), công ty này mới có tờ trình gửi Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định đề nghị điều chỉnh thời gian cấp phép.

"Tờ trình này không có hiệu lực pháp luật. Do đó, không có cơ sở pháp luật để giải quyết. Ngày 15.6.2023, Sở NN-PTNT đã ra văn bản trả lời Công Tới không đủ cơ sở gia hạn cấp phép. Đề nghị Công Tới dừng các hoạt động trạm trộn… Đại diện Công Tới là ông Ngô Văn Liệu đã ký nhận vào văn bản", ông Trung nói.

Ngay sau đó, trong cuộc họp, Sở NN-PTNT đã trực tiếp giao trách nhiệm yêu cầu Hạt Quản lý đê Xuân Trường phải làm việc với địa phương để ra thông báo dừng sản xuất đối với đơn vị này. Đồng thời, sở hướng dẫn Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Xuân Trường làm việc với UBND xã Xuân Tân, đề nghị lãnh đạo xã ra thông báo dừng sản xuất đối với Công Tới.

Nội dung quyết định cấp phép của UBND tỉnh Nam Định là 'có vấn đề' ?

Điều bất thường hơn nữa là tại buổi làm việc với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Lý, Hạt phó Hạt Quản lý đê Xuân Trường, khẳng định nội dung quyết định cấp phép hoạt động cho trạm trộn Công Tới "có vấn đề". 

"Công Tới được UBND tỉnh Nam Định cấp phép tạm thời để hoạt động trạm trộn, nhưng nội dung cấp phép không ghi thời gian cụ thể yêu cầu công ty tháo dỡ nên chúng tôi chỉ được yêu cầu họ dừng hoạt động khi chưa gia hạn. Chúng tôi không được phép yêu cầu Công Tới tháo dỡ công trình", bà Lý phân tích.

Theo bà Lý, thời gian tới, Hạt Quản lý đê Xuân Trường sẽ có đề xuất, kiến nghị gửi UBND tỉnh Nam Định về những bất cập hạt đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, đến ngày 15.5, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Hạt quản lý đê Xuân Trường cho biết đơn vị này vẫn chưa có kiến nghị gì gửi đến UBND tỉnh như trước đó đã trao đổi với PV Thanh Niên.

Nói về kế hoạch khi nào cấp phép gia hạn đối với trạm trộn bê tông Công Tới, trao đổi với PV, ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, khẳng định tỉnh Nam Định không đồng ý gia hạn cấp phép đối với đơn vị này. Còn cụ thể kế hoạch đề nghị tháo dỡ công trình, ông Dũng đề nghị PV làm việc trực tiếp với Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định.

Doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Văn Liệu, Giám đốc Công ty CP Công Tới, cho biết công ty đã di dời 2/3 sản lượng và trang thiết bị của trạm trộn đi nơi khác. Phần còn lại, Công Tới tiếp tục hoạt động nhằm phục vụ công trình nhỏ lẻ để thu hồi nợ, bởi khi lập dự án doanh nghiệp đã đầu tư lớn. Đến hết năm 2024, nếu không được gia hạn cấp phép, Công Tới sẽ di dời toàn bộ những tài sản còn lại ra khỏi khu đất.

Mặc dù trước đó ông Liệu đã ký vào biên bản của đoàn kiểm tra, đồng ý dừng hoạt động từ 1.12.2023, nhưng khi làm việc với Báo Thanh Niên và đoàn kiểm tra, ông Liệu vẫn khẳng định: "Nhất định phải hoạt động đến hết năm 2024 mới di dời máy móc đi nơi khác".

Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, doanh nghiệp này cố tình vi phạm bất chấp mọi quy định của pháp luật. Do đó, chắc chắn phải chuyển hồ sơ về cơ quan điều tra để xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.