Chủ tịch Quốc hội: Văn bản gửi chậm thì đại biểu than phiền nhiều

17/04/2024 17:47 GMT+7

Điều hành phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17.4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc nội dung nào đã có ý kiến và kết luận thì đôn đốc gửi càng sớm càng tốt cho kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.

Chiều 17.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5 tới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 là rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội: Văn bản gửi chậm thì đại biểu than phiền nhiều- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

QUỐC HỘI

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác cùng nhiều tài liệu gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung đến nay vẫn chưa có tờ trình, báo cáo và hồ sơ kèm theo, đề nghị các cơ quan báo cáo làm rõ tiến độ.

Báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Ngoài ra, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Trước ý kiến đề nghị giảm 0,5 ngày (xuống còn 2 ngày) đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, ông Cường cho biết, theo quy định thì thời gian chất vấn tại kỳ họp hằng năm ít nhất là 3 ngày.

Tuy nhiên, theo thông lệ tại các kỳ họp gần đây, Quốc hội đều dành 2,5 ngày cho hoạt động này và qua đánh giá của các đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá kết quả kỳ họp thì việc bố trí thời gian 2,5 ngày là phù hợp. Do đó, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị giữ nguyên việc bố trí thời gian 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Ông Cường cũng đề xuất bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật, báo cáo có tác động lớn, được cử tri và nhân dân quan tâm.

Cụ thể, 6/10 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua, gồm: luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); luật Đường bộ; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; luật Thủ đô (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

10/11 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, bao gồm: luật Công chứng (sửa đổi); luật Di sản văn hóa (sửa đổi); luật Địa chất và khoáng sản; luật Phòng không nhân dân; luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); luật Tư pháp người chưa thành niên; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược.

Quốc hội cũng thảo luận về báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ có sự quan tâm chuẩn bị từ sớm, từ xa cho các nội dung kỳ họp thứ 7. Ngay sau kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường, Thủ tướng đã có 10 văn bản chỉ đạo các phó thủ tướng, bộ trưởng chuẩn bị.

"So với kỳ họp trước thì Chính phủ có chuyển động tốt hơn để hồ sơ được chuẩn bị đảm bảo chất lượng và kịp thời", ông Khái nói và cho rằng, khối lượng công việc tại kỳ họp thứ 7 là rất lớn. Chính phủ phải trình Quốc hội trên 50 hồ sơ, hiện nay Chính phủ đã chuẩn bị xong 27 hồ sơ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên họp, cho biết các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội. Đồng thời, đề nghị các cơ quan đề cao trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị nội dung cho kịp thời, sớm gửi hồ sơ để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu.

"Tình trạng gửi chậm tài liệu thì đại biểu than phiền nhiều. Nên nội dung nào đã có ý kiến của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết luận rồi thì đôn đốc, cái nào có trước gửi trước và gửi càng sớm càng tốt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc ngày 20.5 và dự kiến bế mạc sáng 27.6. Kỳ họp chia theo 2 đợt: đợt 1 gồm 17 ngày (20.5 - 8.6) và đợt 2 là 9 ngày (17.6 - 27.6).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.