1 đầu xe 9 loại phí

16/03/2012 03:12 GMT+7

Từ ngày 1.6 tới đây, ô tô, xe máy sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ. Việc đề xuất thu thêm nhiều loại phí chưa thực sự công bằng với người dân.

Từ ngày 1.6 tới đây, ô tô, xe máy sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ. Việc đề xuất thu thêm nhiều loại phí chưa thực sự công bằng với người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang tính toán lại mức thu phí. Tuy nhiên, theo tờ trình kèm theo Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) trước đó, Bộ GTVT đề xuất nếu thu trực tiếp từ đầu phương tiện đường bộ sẽ đạt khoảng 5.987 tỉ đồng/năm, chia làm 7 nhóm phương tiện. Mức phí trên đầu một xe con khoảng 100 USD/năm (tương đương 100 đồng/km hoặc 180.000 đồng/tháng), trước mắt đóng qua các kỳ đăng kiểm. Mức thu cao nhất với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet là 1,44 triệu đồng/tháng. Mức thu hằng năm dự tính với xe gắn máy 80.000 đồng; loại dung tích 70 - 100 cm3 100.000 đồng; xe 100 - 175 cm3 là 120.000 đồng và xe trên 175 cm3 là 150.000 đồng, sẽ do các địa phương tổ chức thu (hưởng tỷ lệ 5%).

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Cụ thể, theo phương án thu phí lưu hành, với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng), có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống mức phí 20 triệu đồng/năm. Dung tích trên 2.000 - 3.000 cm3 mức phí 30 triệu đồng/năm, dung tích trên 3.000 cm3 mức phí 50 triệu đồng/năm. Riêng với 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng đề xuất thu với xe máy, cụ thể dưới 175 cm3 mức phí 500.000 đồng/năm, loại dung tích từ 175 cm3 trở lên mức phí 1 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất mức thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (miễn thu phí với các loại xe công và xe buýt), dự kiến 30.000 đồng/lượt với ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt với các loại ô tô còn lại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng nếu thêm hai loại phí đề xuất trên đi vào thực tế thì ô tô, xe máy sẽ gánh khoảng 9 loại phí gồm: phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít (được cho là sẽ hoàn lại sau khi thu thuế môi trường từ 1.1.2012 nhưng hiện tại vẫn chưa rõ phương án hoàn), phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, đăng kiểm, bảo hiểm, phí BTĐB và tới đây rất có thể là phí lưu hành phương tiện, phí vào nội đô giờ cao điểm.

Ông Hùng tính toán chỉ riêng tại Hà Nội, người đi ô tô sẽ phải đóng phí trước bạ 20%, lệ phí cấp biển ô tô 20 triệu đồng. Tức là một gia đình trung lưu nếu dồn góp mua được chiếc xe 400 triệu đồng đã phải trả ngay 100 triệu đồng phí. Nếu phí lưu hành được thông qua, ngoài các khoản phí cố định trên, hằng năm sẽ phải đóng thêm 20 triệu đồng để được “lăn bánh”.

Trong khi đó, theo ông Hùng, bản thân hình thức thu phí BTĐB qua đầu phương tiện chưa hợp lý khi chạy nhiều chạy ít cũng phải nộp như nhau. Cùng quan điểm này, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng với cách thu này các doanh nghiệp gần như phải đóng một khoản cố định khá lớn cho nhà nước, trong khi hiệu suất sử dụng giữa các phương tiện và doanh nghiệp không đồng đều. Việc đóng thêm phí bảo trì, cộng với phí cầu đường gia tăng, chắc chắn sẽ tác động mạnh tới giá cước vận tải trong thời gian tới.


Sắp tới, mỗi phương tiện xe máy, ô tô có thể phải gánh đến 9 loại phí - Ảnh: Khả Hòa

Cân nhắc lại phí lưu hành

Trả lời câu hỏi với việc áp dụng Quỹ BTĐB, ô tô, xe máy chịu nhiều các loại thuế, phí, Bộ GTVT có cân nhắc giảm, hoãn đề xuất phí lưu hành phương tiện? ông Đông cho biết: “Liên bộ sẽ cân đối có bao nhiêu phí, có chồng nhau không trước khi xây dựng đề án thu phí lưu hành phương tiện. Phí bảo trì cho mục đích bảo dưỡng, sửa chữa, phí lưu hành cho đầu tư xây dựng mới. Nếu gộp lại như Nhật Bản, quỹ đường bộ làm cả đầu tư, xây dựng và bảo trì thì mức thu rất cao, vì họ vừa thu trên xăng dầu, đầu phương tiện vừa thu trên trọng lượng xe”.

Cũng theo ông Đông, sau khi làm việc, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến xử lý từng loại phí, thống nhất sẽ làm đề án phí lưu hành phương tiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để bổ sung vào danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo pháp lệnh Phí. Đề án Quỹ BTĐB xây dựng 3, 4 năm, nhưng đề án thu phí phương tiện sẽ đẩy nhanh hơn. Còn về việc có xem xét giảm mức thu phí hoặc bỏ thu phí với xe máy hay không, sẽ đánh giá tác động ảnh hưởng của phí về mặt xã hội, các bộ ngành cũng sẽ có ý kiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đã thu Quỹ BTĐB thì không nên thu phí lưu hành phương tiện cá nhân. Bộ GTVT đề xuất thu phí này nhằm mục đích hạn chế phương tiện cá nhân. Nhưng với một loạt loại thuế, phí vừa được nâng kịch trần vừa qua, riêng lượng tiêu thụ xe trong nước tháng 1.2012 đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu thu thêm phí nữa là vô lý.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết phí lưu hành chỉ nhắm vào một bộ phận người dân có tiền, không ảnh hưởng nhiều đến đại bộ phận người dân. Nhưng theo ông Hùng, dù là mức thu thấp nhất 500.000 đồng/xe máy cũng là một khoản đáng kể với những người thu nhập thấp, người nghèo mưu sinh chủ yếu bằng phương tiện xe máy.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.