Nhiều ngày nay, người dùng trên mạng xã hội facebook ở Hải Phòng chia sẻ nhau lời kêu gọi ủng hộ, quyên góp đồ sơ sinh để giúp đỡ một cháu nhỏ mới sinh vài ngày bị bỏ rơi ở cổng chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy.
Chúng tôi tìm đến chùa Hòa Liễu và gặp trong chùa sư thầy trụ trì Thích Diệu Tuyên cùng vài người phụ nữ đang nựng một bé gái sơ sinh. “Cháu mới có mấy ngày tuổi thôi, bị mẹ bỏ ở cổng chùa tối hôm 5.10. Trên người cháu còn có một bức thư do mẹ cháu để lại. Thư viết: kính gửi sư thầy chùa Hòa Liễu, cháu tên là Nguyễn Quỳnh Nga, bé gái sinh ngày 3.10.2017. Sức khỏe của cháu bình thường, cháu đã được tiêm phòng viêm gan B. Do hoàn cảnh éo le, con không đủ điều kiện nuôi cháu. Nay con về cửa chùa xin thầy cưu mang cháu giúp con. Con xin thầy thương cháu, cho cháu nương nhờ cửa Phật một thời gian” sư thầy Thích Diệu Tuyên vừa bế cháu Nga vừa nói.
|
Sau khi trình báo chính quyền địa phương để loan tin tìm kiếm người nhà cháu bé, sư thầy Thích Diệu Tuyên đang cùng một số phật tử chăm sóc cháu Nga. “Nếu sau 15 ngày mà không ai đến nhận cháu, nhà chùa sẽ nhận nuôi cháu” sư thầy cho biết. Ngồi cạnh sư thầy, một công an xã vừa cặm cụi viết biên bản vụ việc vừa nói: “Từ hôm đó đến nay chúng tôi đăng tin tìm kiếm mà không có ai đến nhận cháu. Chắc lại nhờ sư thầy làm phúc nuôi cháu. Ở với thầy thì yên tâm lắm. Thầy nuôi nhiều cháu mà”.
Sư thầy Thích Diệu Uyên về chùa Hòa Liễn trụ trị từ năm 2000. 17 năm qua, thầy đã đùm bọc và nuôi nấng 10 cháu nhỏ. “Mai là tên đứa trẻ đầu tiên thầy nhận nuôi ở chùa. Lúc ấy, bà của Mai đưa lên chùa xin thầy nuôi vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Năm nay Mai 23 tuổi, đã lấy chồng được mấy năm rồi”, thầy Thích Diệu Uyên nhớ lại. Người thứ 2 là Ngô Phương Thảo (14 tuổi) bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng, cũng được bà đưa lên chùa ở với thầy lúc mới 3 tuổi. Thảo rất lanh lợi và luôn tự nhận: “Con là người ở với thầy đầu tiên”. “Mẹ Thảo cũng ở gần đây nhưng mỗi lần vào thăm cháu nó đều trốn, nó giận mẹ” sư thầy Thích Diệu Uyên ái ngại nói.
Cũng giống như Thảo, Đỗ Tiến Lợi (9 tuổi) còn mẹ nhưng phải lên chùa ở với thầy. Sư thầy cho biết, mẹ Lợi ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. “Chị ấy cũng khổ, Lợi mà về với mẹ là không có điều kiện để được đi học nữa đâu” sư thầy nói. Khác với Lợi, Đỗ Minh Thuận (7 tuổi) chỉ muốn ở với sư thầy. Khi đi học bị bạn bè trêu là không có bố mẹ, Lợi thường nói: không có bố mẹ, nhưng lại có sư thầy. “Năm 2010, mẹ của Thuận lúc đó mới 15 tuổi đã có thai. Cô ấy lên xin ở nhờ nhà chùa để sinh con. Thuận ra đời được mấy ngày thì mẹ bỏ đi. Đến bây giờ thầy cũng chưa biết tên tuổi, địa chỉ của cô ấy", sư thầy nói.
|
Đang trò chuyện, chúng tôi thấy một phật tử bế vào một bé gái đẹp như thiên thần. Bé mặc quần áo màu nâu nhưng khuôn mặt bầu bĩnh, đường nét thanh tú, đặc biệt là đôi mắt to tròn, đen nhánh. “Con tên là Phạm Minh Anh. Năm 2015, mẹ Minh Anh đang mang bầu 6 tháng vào chùa xin ở nhờ. Sinh con xong cô ấy trèo tường trốn biệt, không chào cả thầy lấy một câu”, sư thầy kể.
Trong chùa còn có các bé Đỗ Minh Phương (4 tuổi), Đỗ Thái Bảo, Đỗ Minh Anh cùng bị bỏ lại trước cổng chùa và Nguyễn Thanh Lan (bố mất, mẹ đi bước nữa, bà đưa lên chùa) được sư thầy cưu mang, nuôi dưỡng. Tính cả "chị cả" tên Mai đã lấy chồng và Quỳnh Nga vừa đến thì đã có là 10 bé được nhà chùa che chở đến nay.
Khó khăn nhưng "không từ chối ai"
Những bé còn quá nhỏ như Quỳnh Nga, sư thầy phải thuê người có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh phụ giúp. Mỗi ngày sư thầy gọi bọn trẻ dậy từ 5 giờ sáng để ăn uống rồi đưa đi học. Chiều thầy trò cùng ngồi thiền. Nhà chùa ăn chay nhưng vẫn phải mua đồ mặn cho bọn trẻ. “Một tháng chi tiêu cũng đến 30 triệu cả ăn và học. Các cháu đi học cũng phải đóng góp như người bình thường mà. Sợ nhất là đầu năm học, chi phí báo về nhiều lắm, kể ra thì là sân si nhưng thực tế là vậy, cũng mệt mỏi lắm, nhiều khi thầy nghĩ không còn sức mà nuôi ai nữa. Thế mới có chuyện vào tháng 3 vừa rồi, có 1 cô gái mang thai đến xin ở và nhờ thầy nuôi con. Thầy bảo hay là sinh xong rồi cho ai đó, thầy không kham nổi nữa. Cô ấy nghe thế liền bỏ đi, giờ thầy thấy hối hận quá, mong sao mẹ con cô ấy bình yên. Từ giờ có ai đến chắc thầy không thể từ chối”, sư thầy ngậm ngùi chia sẻ.
|
"Mới đầu nhận nuôi các cháu, nhà chùa còn bị người ta đặt điều là sắp sửa buôn bán trẻ em rồi đồn đại đủ thứ độc ác. Lâu dần, thấy thấy các cháu vào chùa rồi được ăn học bình thường thì mọi chuyện mới yên ổn hơn”, sư thầy giải thích.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Xinh, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Thiên cho biết: “Chính quyền xã ghi nhận thiện tâm của nhà chùa. Xã chúng tôi không có điều kiện tài chính để hỗ trợ nhà chùa nuôi nấng các cháu, nhưng luôn tạo mọi điều kiện, thủ tục để nhà chùa được nhận nuôi, rồi làm giấy khai sinh. Các cơ quan, đoàn thể cũng rất tích cực giúp đỡ nếu nhà chùa có công việc cần hỗ trợ”.
Bình luận (0)