10 năm vụ 11.9: Những người hùng ở Ground Zero

10/09/2011 17:50 GMT+7

(TNO) Năm người Mỹ vốn trở thành biểu tượng cho ngày đen tối nhất của nước Mỹ hồi tưởng lại vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001.

Vụ tấn công khủng bố vào ngày 11.9.2001 là sự kiện được ghi lại nhiều nhất bằng hình ảnh trong lịch sử nhân loại. Osama bin Laden và các tên không tặc biết rằng tại thành phố New York, họ không chỉ tấn công trung tâm tài chính của Mỹ mà còn cả trái tim của truyền thông quốc tế, nơi cuộc tấn công sẽ được chụp lại ở mọi góc độ với những chi tiết kinh hoàng.

Trong vô số những khuôn mặt xuất hiện trước ống kính, có một số người đã để lại dấu ấn sâu sắc với công chúng. Những người này đã định nghĩa sự choáng váng, nỗi đau khổ mà nước Mỹ nhận phải trong 102 phút lịch sử.  

Genelle Guzman-McMillan


 Guzman-McMillan cách đây 10 năm và hiện tại - Ảnh: Telegraph 

Guzman-McMillan, 40 tuổi, là một thư ký tại tầng 64 của tòa tháp phía bắc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC). Cô là người sống sót cuối cùng được kéo ra khỏi đống đổ nát của WTC và được chụp hình ngay sau đó tại bệnh viện. Cô đã xuất bản một cuốn sách về những trải nghiệm của mình và diễn thuyết tại các nhà thờ. Cô sống cùng chồng Roger và bốn đứa con.

“Cả tòa nhà sụp đổ. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Tôi bị rớt mạnh xuống sàn và điều kế tiếp mà tôi nghĩ đến là mình bị chôn vùi. Tôi không thể di chuyển, không thể làm gì khác. Nó giống như một cơn ác mộng: Tôi nhắm mắt, hy vọng sẽ thấy mình tại bàn giấy khi mở ra song điều đó không xảy ra. Tôi nhắm trở lại, mở ra và vẫn ở đó. Tôi tự nhủ: Chúa ơi. Đây là chuyện thật và tôi sắp chết”, Guzman-McMillan kể lại.

Guzman-McMillan tiết lộ một nhân viên cứu hộ tên Paul đã xuất hiện, nắm lấy tay và cứu sống cô sau 27 tiếng đồng hồ kể từ lúc tòa tháp sụp đổ. Cô nói: “Paul không bao giờ xuất hiện sau khi cứu tôi và tôi đã tìm kiếm anh ấy kể từ đó. 10 năm sau, tôi vẫn ước mình có thể tìm thấy anh ấy”.

Bob Beckwith


 Tổng thổng Bush khoác vai Bob Beckwith - Ảnh: Telegraph

Beckwith, 78 tuổi, là một lính cứu hỏa đã nghỉ hưu vào lúc đó. Ông đến Ground Zero để tham gia công tác cứu hộ. Ông trở nên nổi tiếng với bức hình chụp cùng Tổng thống George W Bush trên một đống đổ nát vào ngày 14.9.

Người hiện sống cùng vợ ở Baldwin, New York, kể: “Cháu trai tôi bị xe tông vào sáng sớm hôm đó. Tôi lái đến bệnh viện, bước vào trong và thấy mọi người đang xem truyền hình. Tôi nhìn và thấy tòa tháp thứ hai đổ sụp. Có cảm giác như gặp một giấc mơ xấu. Tôi nói với vợ: “Anh sẽ đến đó”. Tôi đã 69 tuổi, nghỉ hưu được bảy năm. Các con tôi nói: “Hãy để cho những người trẻ”. Song tôi nghe trên sóng truyền thanh rằng Michael Boyle, con trai Jimmy bạn tôi, đang mất tích. Thế nên tôi nói: Tôi phải tìm đứa trẻ này”.

Beckwith tiết lộ ông đã nhầm cố vấn cao cấp của Tổng thống Bush, Karl Rover, là một nhân viên mật vụ khi ông này đến hỏi chuyện ông trước khi ông Bush xuất hiện, quàng lấy vai ông và phát biểu trên đống đổ nát.

“Ông ấy phát biểu với loa cầm tay. Đám đông nói: “Chúng tôi không thể nghe được”. Và ông ấy nói: “Tôi có thể nghe các bạn và những kẻ đánh sập tòa nhà này sẽ nghe thấy tất cả chúng ta sớm thôi”. Ngay lúc đó, tiếng hoan hô vang dậy, mọi người hô vang: U.S.A. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời”.

Marcy Borders


 Marcy Borders bị phủ đầy bụi bặm - Ảnh: Telegraph

Borders, 38 tuổi, vừa mới đi làm được bốn tuần ở Ngân hàng Mỹ ở tầng 81 của tòa tháp phía bắc. Cô trở nên nổi tiếng với biệt danh “Người phụ nữ bụi” sau khi được chụp hình với thân hình phủ một lớp bụi sau vụ tấn công. Cô hiện đã hồi phục từ chứng nghiện ma túy, sống ở New Jersey cùng bạn trai, con trai và con gái.

Trên toàn thế giới, Marcy Borders là biểu tượng sống sót và thoát khỏi địa ngục tháp đôi. Song những chấn thương tâm lý đã khiến cô lao đầu vào ma túy và rượu. “Tôi không có cảm giác mình là kẻ sống sót, tôi là nạn nhân”, cô nói, “Tôi cảm thấy tôi đã đánh mất đời mình trong ngày hôm ấy”.

“Tôi không thể đương đầu. Mỗi lần thấy một chiếc máy bay tôi lại nghĩ sẽ có một vụ tấn công khác. Tôi không thể gạt bỏ ngày hôm ấy ra khỏi đầu”, Borders nói tiếp.

Như là kết quả của chứng nghiện ngập, Borders mất quyền nuôi hai đứa con và chia tay với người bạn trai chung sống 14 năm trời.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, cô đăng ký cai nghiện tại một trung tâm và chỉ tám ngày sau đó, cô nghe thấy Osama bin Laden bị tiêu diệt. Tin tức này đánh dấu sự thay đổi của cô. “Nó thật sự giúp tôi khép lại mọi chuyện”, cô nói. Vào tháng 6, cô đã quay trở lại sống cùng bạn trai và hai đứa con.

Andrew Card


 Andrew Card thì thầm vào tai Tổng thống Bush tin tức vụ khủng bố - Ảnh: Telegraph

Card, 64 tuổi, là Chánh văn phòng của Tổng thống Bush khi đó. Ông được chụp hình khi thì thầm tin tức về cuộc tấn công vào tai ông Bush tại một lớp học ở trường tiểu học Emma E Booker tại Sarasota, Florida. Ông hiện là một cố vấn cao cấp ở công ty PR Fleischman-Hillard.

“Tôi bước vào để truyền thông điệp cho tổng thống. Tôi không hy vọng được nhớ đến vì chuyện này. Tôi hy vọng bức hình sẽ không làm sao lãng những sự kiện trong ngày hôm đó”, Card nói.

Card cho biết kể từ lúc đó ông và gia đình phải được các nhân viên mật vụ bảo vệ vì họ sợ ông sẽ là mục tiêu của những kẻ khủng bố.

Ông kể: “Thủ tướng Anh Tony Blair đã thăm Mỹ vào ngày 20.11 năm đó và nghe bài phát biểu của Tổng thống trước Quốc hội. Sau đó, ông ta đi bộ dọc các văn phòng trong Nhà Trắng và thấy tôi. Ông ấy nó: “Andy, thật tốt khi thấy anh. Anh đã bị đánh dấu. Mọi tên khủng bố ở ngoài đó đều dùng tấm hình anh thì thầm vào tai tổng thống để làm bia tập bắn”. Ngài thủ tướng có vẻ như nói đùa rằng ông nhận được thông tin từ các quan chức tình báo Anh. Song người đứng đầu lực lượng mật vụ sau đó nói với tôi: “Ông thuộc về chúng tôi, ngay từ lúc này”. Ông ta nói cực kỳ nghiêm túc”.

Ed Fine


 Ed Fine bước đi với thân mình đầy bụi bặm - Ảnh: Telegraph

Fine, 68 tuổi, là một nhà tư vấn đầu tư tham dự một cuộc họp ở tháp phía bắc. Ông trở nên nổi tiếng với bức hình chụp cùng chiếc cặp xách, phủ đầu bụi trên bìa tạp chí Forbes. Ông sống ở New Jersey cùng vợ Ingrid. Ông có hai người con đã lớn.

“Khi tôi thấy bức hình, phản ứng đầu tiên của tôi vẫn là không thể tin mình sống sót. Sau ngày 11.9, tôi nhận ra đời mình treo trên một sợi dây. Tôi có thể đã chết. Tôi có thể chết bất cứ giây phút nào”, ông kể.

Fine tiết lộ ông đã giữ lại bộ đồ, cái cặp sách, và đôi giày mang trong ngày hôm đó. Ông nói: “Tôi biết đây là một bức hình biểu tượng, không có gì phải bàn cãi. Một doanh nhân Mỹ gan dạ, bị đánh gục, đứng dậy từ tro bụi và bước đi mạnh mẽ với chiếc cặp xách. Tiến lên phía trước. Họ có thể đánh ngã chúng tôi song không thể giữ chúng tôi nằm lại”.

Sơn Duân
(Theo Telegraph)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.