10 ngày trên đất Mỹ - Kỳ 2: “Chị Thùy ơi, mẹ và chúng em đã đến đây”

26/11/2005 19:53 GMT+7

Ngày 5 tháng 10 Theo lịch làm việc với Trung tâm Việt Nam, sáng hôm nay chúng tôi đến Vietnam Archives (Viện Lưu trữ Việt Nam thuộc Trung tâm Việt Nam, Trường đại học Texas Tech), nơi đặt hai cuốn nhật ký.

Jim Reckner và  Steve Maxner (Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Việt Nam) dẫn chúng tôi vào một căn phòng khá rộng. Thoạt bước vào tôi hơi ngỡ ngàng: thay vì một phòng trưng bày nhỏ yên tĩnh, trước mắt tôi là một phòng họp khá rộng, có khoảng hơn ba mươi người đã chờ sẵn.

Một chiếc bàn phủ khăn trắng được kê ở vị trí trang trọng nhất, giữa bàn đặt một chiếc hộp nhỏ. Bên cạnh là ảnh chị Thùy lồng trong khung bạc. Đối diện là một bình hoa. Gần giống như một bàn thờ mới được lập, chỉ thiếu có bát hương (sau này Jim Reckner nói với tôi ông rất muốn đặt một bát hương, nhưng sợ thiết bị báo cháy khởi động nên không thể).

Nhìn thấy chiếc bàn, mẹ tôi sững lại một lát, rồi đi thẳng tới đó. Ai đó mở chiếc hộp. Hai cuốn sổ nhỏ nằm bên trong, mỗi cuốn một ngăn vừa khít. Tôi cầm cuốn nhỏ nhất lên: không còn nghi ngờ gì nữa, đó đúng là chữ của chị tôi, giấy thật, mực thật và sổ thật. Mẹ lập cập đưa tay cầm cuốn sổ nhỏ rồi khuỵu xuống.

Mấy chục năm trước, khi đồng đội của chị đến báo tin chị hy sinh, mẹ tôi không khóc mà chỉ lặng đi rồi chạy vào giường nằm vật. Hôm nay mẹ tôi không đứng nổi mà quỳ sụp xuống bên bàn, tay ghì cuốn nhật ký vào ngực, khóc nức nở. Tuổi già đã khiến mẹ tôi không còn cứng cỏi được như xưa, đôi tay mẹ lập cập như muốn ôm vào lòng đứa con gái yêu dấu đang hiện lên trước mắt nhưng không sao ôm được.

...Mọi người đều lặng lẽ lùi ra xa, để lại cho mẹ con tôi một khoảng trống riêng biệt.
Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua, rồi anh Lê Công Khanh - trợ lý Giám đốc Trung tâm Việt Nam - bước tới. Anh quàng tay ôm lấy vai mẹ tôi, mắt rưng rưng. Ba mươi năm trước anh là người của phía bên kia chiến tuyến. Lúc này tôi nhìn thấy nước mắt trên má anh, và nước mắt trên má những người đang đứng trong căn phòng này.

Hóa ra cuộc đến thăm của chúng tôi không hề lặng lẽ và riêng tư như tôi tưởng. Một cuộc họp báo đã được tổ chức. Thoạt đầu người ta chỉ định đặt cuốn nhật ký trên bàn cho các nhà báo được tận mắt nhìn thấy, sau đó sẽ dành hẳn một buổi chiều "để cho gia đình Trâm được ở riêng với cuốn nhật ký". Thế nhưng, những giây phút riêng tư ấy của chúng tôi đã diễn ra trước sự chứng kiến của hàng chục nhà báo - điều này quả là nằm ngoài mong muốn của mấy mẹ con tôi. Nước mắt là một thứ ngôn ngữ ai cũng có thể hiểu được, vậy mà sau đó mọi người vẫn cứ phỏng vấn chúng tôi "cảm thấy thế nào khi lần đầu tiên chạm tay vào cuốn nhật ký của chị mình?". Cảm thấy thế nào ư? Các vị đã nhìn thấy nước mắt của mẹ tôi rồi mà.

Những giây phút ban đầu qua đi. Jim Reckner bước lên bắt đầu cuộc họp báo. Ông nói qua về quá trình Fred Whitehurst hiến tặng hai cuốn nhật ký của chị Thùy cho Vietnam Archives và những sự việc diễn ra kể từ sau cuộc hội thảo về Việt Nam hồi tháng 3 năm nay. Ông nói sự kiện gia đình chúng tôi đến thăm Vietnam Archives là một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Trung tâm Việt Nam.

...Mẹ tôi đã tĩnh trí lại và đang ngồi bên Sarah, cô nhân viên bảo quản. Bà nắm chặt tay Sarah và cám ơn cô lâu nay đã bầu bạn với chị tôi. Không hiểu Sarah có cảm nhận được những tình cảm của mẹ tôi lúc này không, nhưng tôi thương mẹ quá. Hẳn mẹ đang xót xa nghĩ đến những ngày tháng cuốn nhật ký của chị nằm trong kho lưu trữ ở đây, giữa những con người xa lạ.

...Đến lúc này tôi mới có thể xem kỹ từng cuốn sổ. Cuốn nhỏ nhất - chỉ bằng cỡ bàn tay phụ nữ - đã ghi gần hết. Đây là một trong hai cuốn sổ đã bị quân Mỹ thu được trong trận càn cuối tháng 12 năm 1969. Tôi có hỏi Fred tại sao anh chỉ giữ được một cuốn, Fred nói có lẽ một cuốn đã bị đốt trước khi Nguyễn Trung Hiếu ngăn anh lại. Chắc đó là cuốn chị ghi từ ngày rời nhà lên đường vào Nam... Cuốn nhật ký thứ hai nhỏ hơn quyển vở học trò, và chỉ mới viết được khoảng một phần ba. Còn một cuốn thứ ba hoàn toàn chưa có gì, chỉ là một cuốn sổ đóng sẵn, trên bìa in hai chữ Nhựt Ký bằng nhũ. Tôi thẫn thờ giở cuốn sổ trắng tinh, còn bao trang giấy trắng chị chưa kịp ghi lên đó...

Mãi không khí mới trở lại bình thường, mọi người bắt đầu hỏi chuyện. Một cô phóng viên tóc bạch kim muốn nghe tôi kể lại những gì tôi biết về chị Thùy mà chị không ghi trong nhật ký. Không nhiều lắm, tôi chỉ kể cho cô nghe lá thư chị Thùy viết sau chặng đường hành quân từ Hà Nội vào Quảng Ngãi, chặng đường ba tháng vượt Trường Sơn. Cô ta cứ tròn mắt và luôn miệng: "Amazing, amazing!" (Kỳ lạ, kỳ lạ!) và không thể nào tin nổi chị tôi có thể đi bộ qua một quãng đường dài đến thế và gian khổ đến thế. 

Bàn đặt tấm ảnh và chiếc hộp đựng cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm tại Vietnam Archives

Đa số mọi người tưởng chị Thùy là bác sĩ quân y, chắc bởi bệnh xá của chị thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng sâu nên lính Mỹ cứ tưởng đó là một trạm phẫu thuật của quân đội. Và chi tiết trong chuyến công tác cuối cùng gặp địch phục kích, chị đã chống trả lại bằng một khẩu  SKS (CKC) bắn phát một khiến nhiều người thắc mắc, tại sao chị lại có súng.

Tôi không có cơ hội để giải thích cho họ rằng chị chỉ là một bác sĩ dân y hiền lành chữa bệnh cho dân thường. Bệnh nhân của chị là thường dân nhưng cũng có rất nhiều người là bộ đội và du kích. Tôi đã gặp anh Phạm Hoài Hải, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, từng là cán bộ y tế huyện Đức Phổ ngay từ nửa đầu những năm 1960 để nhờ anh giải đáp mối hồ nghi về khẩu súng. Anh Hải cho biết, khoảng nửa sau của những năm 1960, thế của ta ở miền Nam Trung Bộ rất mạnh, chính quyền giải phóng được thành lập đến từng thôn xã. Để xây dựng chính quyền, ta đưa nhiều cán bộ chuyên môn từ miền Bắc vào làm nòng cốt tổ chức bộ máy dân sự cho các địa phương. Những năm đó, hàng đoàn cán bộ, trí thức từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam công tác, chị Thùy cũng nằm trong số đó. Có đủ các ngành nghề, nhưng mạnh nhất là mảng y tế, giáo dục và văn xã. Anh Nguyễn Giá, các anh ở Tiểu ban Điện ảnh Khu Năm và nhiều nhà báo, nhà văn tên tuổi bây giờ cũng ở trong số đó.

Anh Phan Hoài Hải kể rằng các bệnh viện dân sự của ta hoạt động trong vùng cài răng lược giữa ta và địch, chiến sự ác liệt vô cùng. Nhưng các bệnh viện ấy vẫn giữ nguyên bản chất dân sự. Cán bộ nhân viên đều là người của các địa phương được cử đi học. Nhật ký của chị Thùy cũng kể thế, đồng đội của chị nhiều người là nữ giới, có cả những phụ nữ lớn tuổi như chị Xâng làm cấp dưỡng cho bệnh xá. Gánh vác những công việc nặng nhọc và nguy hiểm giữa vùng đạn bom cày xới, cứu chữa, nuôi nấng và khiêng vác thương binh trong những trận càn chỉ bởi những đôi vai mềm yếu như của chị Liên, chị Hường, chị Lãnh...

Tuy nhiên các nhân viên y tế vẫn phải có súng. Để tự vệ mỗi khi quân giặc càn đến. Anh Hải kể chuyện một bác sĩ dân y, cũng của Đức Phổ đã ở lại chiến đấu chống quân Mỹ càn. Anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng...  

...Cuộc họp báo kéo dài khá lâu, mỗi chúng tôi đều phải trả lời ba hoặc bốn cuộc phỏng vấn gì đó. Chúng tôi không hề biết mình vừa trả lời phỏng vấn của những hãng truyền thông tên tuổi nhất nước Mỹ như AP, ABC, USA Today, Fox, San Diego Tribune... Ngoài ra, còn có báo chí và đài truyền hình địa phương của bang Texas và bang North Calorina là nơi Fred và gia đình đang sinh sống. Có hai cuộc phỏng vấn từ xa, trả lời xong tôi mới biết đó là của USA Today và San Diego Tribune. Hãng CNN gọi điện hẹn sẽ phỏng vấn trực tiếp sau. Lúc ở nhà đi, chúng tôi cứ nghĩ rằng đây sẽ là một chuyến đi lặng lẽ chứ không ồn ào như lần anh em Fred đi Quảng Ngãi. Fred nói với tôi có thể sẽ có một đôi phóng viên địa phương đến gặp, nhưng chắc anh không thể hình dung một quang cảnh thế này. Thậm chí một phóng viên đã có tuổi hỏi tôi những câu rất chi tiết về nhật ký, ví dụ như  nhân vật M. và anh Năm Tân có còn sống không, người chính trị viên của bệnh xá bây giờ ra sao khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Họ đã đọc kỹ nhật ký của chị tôi chứ không phải chỉ đến lấy tin một cách bình thường.

Nhiều nhà báo hỏi gia đình chúng tôi có quyết định để cuốn nhật ký của chị Thùy ở lại đây không? Tôi biết đó là câu hỏi mà người ở Trung tâm Việt Nam rất muốn đặt ra cho chúng tôi nhưng họ chưa nói ra mà thôi. Xin các vị hiểu cho, lúc này chúng tôi chưa thể quyết định được gì cả. Fred đã ký chứng thư hiến tặng rồi. Tạm thời hẵng cứ để nguyên vậy đã, mọi người đều đang xúc động, một quyết định đưa ra lúc này phải chăng là chưa chín chắn?

(Còn tiếp)

Đặng Kim Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.