10 ngày trên đất Mỹ - Kỳ 4: Một ngày vất vả

28/11/2005 22:53 GMT+7

Ngày 7.10 Đường từ Texas đến Raleigh phải bay hai chặng. Ở cái nước Mỹ rộng lớn này đường đất không được tính bằng ki-lô-mét hay dặm mà người ta tính bằng giờ bay, giờ lái xe. Chắc giống kiểu người đi đường rừng bên mình tính quãng đường đi bằng "tay dao" vậy.


Chuyến thứ nhất bay từ Lubbock đến Houston - khoảng bảy trăm dặm. Chặng này chúng tôi đã bay rồi, mất hơn hai tiếng đồng hồ. Lần này cũng giống lần trước, vẫn chiếc máy bay bé tí rung bần bật ấy. Chỉ có điều máy bay đến chậm mất hơn một tiếng, tính cả thời gian từ thành phố ra sân bay chúng tôi mất đứt hơn năm tiếng đồng hồ mới đến được Houston. Thảo nào người Mỹ thích tự lái xe hơn, cũng chừng nấy thời gian nhưng không bị động. Vả lại xăng ở Mỹ trước đây rẻ như cho chứ không đắt đỏ như từ sau cơn bão Katrina đến giờ.

 

Máy bay đến Houston chậm, và chúng tôi lỡ chuyến bay nối đi Raleigh. Bốn mẹ con đành phải bay hai chuyến khác nhau, tôi với mẹ cùng đồ đạc đi trước, còn chị Phương, chị Hiền ở lại chờ chuyến sau. Thế là thay vì tới Raleigh lúc ba giờ chiều, mãi đến tám giờ tối tôi và mẹ mới đến nơi. Vợ chồng Fred, Neil đã ngồi chờ ở sân bay suốt từ chiều. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nếu không có mọi người ra đón thì tôi không biết làm thế nào với đống đồ đạc này giữa một thành phố xa lạ, trời lại mưa gió mịt mù.

 

Mấy mẹ con tiếp tục ngồi ở sân bay chờ chị Phương, chị Hiền cho đến mười hai giờ đêm. Uyên Ly còn muộn nữa, hai rưỡi sáng mới tới. Sợ mẹ mệt nên Neil và Fred đưa chúng tôi về khách sạn trước -  khách sạn cách sân bay Raleigh hơn hai giờ lái xe. Rob sẽ chờ để đón Uyên Ly và sẽ về sau. Đoàn chúng tôi khiến mọi người phải chạy đôn chạy đáo tiếp đón: Rob và Neil rời Texas trước bọn tôi một ngày, họ quay về nhà, sau đó chạy một mạch để đến Raleigh trước kịp đón chúng tôi. Chẳng ai kịp ngủ nghê lấy vài tiếng. Mắt ai nấy đỏ ngầu vì thiếu ngủ.

 

Mẹ Fred - bà Kay Whitehurst - đã đặt sẵn phòng cho chúng tôi. Bà rất áy náy vì chúng tôi không chịu để bà trả tiền khách sạn. Vào nhận phòng, chúng tôi cảm nhận được ngay bàn tay chăm sóc của bà: Một giỏ lớn trái cây, nước ngọt, sữa Ensure, đồ hộp, bánh rán..., đến cả con dao gọt trái cây bà cũng cẩn thận để sẵn cho chúng tôi.

 

Có một điều buồn cười: sợ mẹ tôi phải leo thang gác mệt (khách sạn ở những thành phố nhỏ thường chỉ hai tầng nên không có thang máy), bà Kay đặt cho chúng tôi phòng ở tầng một. Nhưng không may mấy hôm nay trời mưa bão, mưa sầm sập suốt mấy ngày khiến nước ngập cả vào phòng. Thế là chúng tôi đành phải giẫm bừa lên tấm thảm dày sâm sấp nước. Tuy vậy mọi người vẫn ngủ ngon. Sau một ngày quá vất vả, về đến đây không hiểu sao tôi cảm thấy yên tâm như về đến nhà mình.

 

Ngày 8.10

 

 Vậy là chúng tôi đã tới đây, thị trấn nhỏ Bethel, nơi cách đây chỉ sáu tháng thôi tôi không hề biết có nó tồn tại trên đời. Mẹ tôi đã gặp bà Kay - mẹ của Fred. Hai người mẹ ngồi bên nhau, họ ôm nhau khóc và bùi ngùi nhắc lại những năm tháng đau buồn - những năm tháng mẹ tôi phải chôn chặt trong tim hình ảnh đứa con gái yêu nằm lại nơi chiến trường, còn bà Kay thì phải thắt ruột nhìn con trai mình đêm đêm la hét trong những cơn ác mộng và bị giày vò bởi ký ức khủng khiếp về chiến tranh.

 

Bà Kay lau nước mắt, nói với tôi:

 

- Con hãy bảo mọi người rằng khi người già khóc thì không ai được chụp ảnh - Bà nhìn Neil và Uyên Ly lúc đó đang "tác nghiệp", nói rồi bà quay sang mẹ tôi: Cứ nhắc đến Thùy là Fred lại khóc, bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Bà nhìn xem, nó lại đang trốn ra sau bếp để khóc một mình kia kìa. Bao nhiêu năm qua con gái bà luôn hiện diện trong gia đình tôi. Chúng tôi đọc nhật ký của cô ấy, bàn với nhau làm sao tìm được gia đình cô ấy. Tôi bảo Fred hãy kiên trì, rồi sẽ có ngày con tìm được cô ấy. Tôi tin ở Chúa, và tin ở phép mầu của Chúa.

 

Hôm ở Hà Nội, lần đầu đến viếng mộ chị Thùy ở nghĩa trang Từ Liêm, Fred cũng khóc. Anh thổn thức: "Tôi đã tìm được chị. Mẹ của chị là mẹ của tôi. Các em của chị là em của tôi. Thùy ơi, tôi yêu chị. Tại sao tôi lại ngồi đây? Tại sao chị lại nằm đây? Tại sao lại xảy ra tất cả những chuyện đó? Tại sao? Tại sao?".

 

Tôi nhìn Fred, anh đang đứng tách xa hẳn chúng tôi, tay quệt nước mắt. Trông anh to lớn dềnh dàng, giống như một thằng bé lớn xác bị bắt quả tang đang khóc. Nhưng đó không phải là những giọt nước mắt đớn đau, bất lực, hối hận hôm nào.

 

Mẹ tôi gọi:

 

- Fred, con hãy đến ngồi giữa hai mẹ đây.

 

Fred ngoan ngoãn đến ngồi cạnh hai bà mẹ. Mẹ tôi nói:

 

- Fred, bây giờ con đã thấy hết buồn chưa? Mẹ mong từ nay con có thể sống thanh thản.

Bây giờ cả chúng tôi, cả Fred và Rob nữa cũng đều tin trên đời có phép mầu. Nếu không thì làm sao lúc này mẹ tôi có thể ngồi đây, tại một vùng hẻo lánh và cổ kính của nước Mỹ này, cầm tay một bà cụ người Mỹ và nghe bà cụ nói về một người đã khuất cách đây ba lăm năm mà vẫn luôn hiện diện trong gia đình bà, gia đình của kẻ ngày ấy từng là kẻ thù của chị? Nhưng phép mầu này là có thật, tôi cảm thấy hình như nó có thể lý giải được.

Thực ra đó đâu phải là phép mầu. Tên của phép mầu ấy là tình yêu. Nhật ký của chị Thùy đến được với trái tim của mọi người không phân biệt tuổi tác hay lý tưởng không phải vì nó mô tả  được thật đậm nét những cảnh chiến tranh khốc liệt, mà là vì nó tràn đầy một tình yêu mãnh liệt đối với cuộc sống. Cuộc sống - mà hiện diện là người mẹ, là một thương binh trẻ măng, là tuổi thơ êm đềm, là màu xanh cây lá, là một người em kết nghĩa, là một tổ quốc với hoa thơm nắng đẹp của hòa bình... Một cuộc sống với nghĩa tinh tế và phong phú nhất của hai từ đó.

 

  Kay sống một mình trong căn nhà nhỏ này từ năm 2000. Rob kể trước đây bà cùng chồng - một vị tướng hải quân về hưu - sống trong một ngôi nhà lớn cũng ở thị trấn Bethel này. Sau khi ông qua đời, bà bán hết mọi thứ rồi mua ngôi nhà nhỏ này. Số tiền còn lại bà cúng cho nhà thờ.

 

Tôi tò mò nhìn quanh, phòng khách nhà bà Kay rất trang nhã và ấm cúng. Vài bức tranh đồng quê treo trên tường, tranh của bà, với gam màu dìu dịu vẽ những ngôi nhà gỗ bao giờ cũng lọt thỏm giữa một màu xanh mênh mông.

 

Bà Kay chỉ cho tôi xem một pho tượng bằng đá hoa cương đen. Đó là tượng bán thân của một  phụ nữ phương Đông với khuôn mặt thon thả, mái tóc búi trễ sau gáy. Bà Kay kể, gia đình bà vốn có nhiều ký ức về phương Đông. Hồi trẻ cha mẹ bà sống ở Trung Quốc, truyền thống yêu cái đẹp trong gia đình bắt nguồn có lẽ từ đó. Sau đó, ông bà và các con lại có 5 năm sống ở Nhật, hồi Rob và Fred còn bé, họ có rất nhiều bạn bè người Nhật vẫn thân thiết đến tận bây giờ. Biết gia đình Whitehurst yêu mến nghệ thuật phương Đông, năm 1958 một người bạn nhân chuyến công tác ở Việt Nam đã đem pho tượng này về tặng gia đình. Bà nói hình như đó là  một duyên nợ. Rob sang Việt Nam và đem về cô vợ người Nam Bộ. Fred cũng trở về sau đó, đem theo hai cuốn nhật ký của chị Thùy, từ đó chị Thùy luôn hiện diện trong gia đình bà. Rồi Fred trở lại Việt Nam lần thứ hai, lần này Fred mang về cả một gia đình - một người mẹ và ba cô em gái.

 

Tôi nhớ đến vẻ mặt Fred hôm chúng tôi từ Đức Phổ quay ra Đà Nẵng bằng ô tô. Fred cứ thò cổ ra cửa xe để nhìn cảnh vật xung quanh. Có một lúc anh chỉ cho tôi một ngôi nhà nhỏ khuất sau bụi tre và nói rất nghiêm trang: "Nhìn kìa, giống nhà tôi quá". Chắc chắn ngôi nhà đó chẳng giống gì với căn nhà gỗ dưới bóng thông ở Bắc Carolina này. Nhưng có cái gì  khiến tôi tin là anh nói thật cảm giác của mình. Chắc đó là một ký ức về tuổi thơ gắn với châu Á.

 

(Còn tiếp)

 

Đặng Kim Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.