10 ngày trên đất Mỹ - Kỳ 5: Con đường nhọc nhằn

29/11/2005 22:10 GMT+7

Ngày 9/10 Bethel là một thị trấn nhỏ đẹp như trong cổ tích. Rob cho tôi biết dòng họ anh đã sống ở vùng này hơn ba trăm năm. Một thị trấn điển hình của miền Nam nước Mỹ mà tôi thường đọc được qua các tiểu thuyết.

Một phần quan trọng trong chương trình đón tiếp gia đình tôi của bà Kay là mời chúng tôi cùng dự lễ nhà thờ sáng chủ nhật. Lần đầu tiên được dự một buổi nhà thờ, tôi ngồi nghiêm trang nghe ông mục sư giảng về tinh thần của Chúa: hãy cho đi, rồi ta sẽ được nhận. Ông kể nhiều câu chuyện khác nhau nhưng đại khái cũng hơi giống như câu chuyện sự tích hồ Ba Bể của ta là người thơm thảo sẽ được phúc. Trong bài giảng ông cũng nhắc đến câu chuyện giữa gia đình Whitehurst và gia đình tôi, nhắc đến sự hy sinh vì Tổ quốc của chị Thùy, đến việc Fred lặn lội tìm gia đình tôi và việc giờ đây Fred có hai người mẹ.

Ông mục sư là người quen. Hôm qua, tôi ngồi cạnh ông trong bữa tối ở nhà hàng Italian. Để chào mừng chúng tôi, bà Kay tổ chức một bữa tối thịnh soạn. Bữa tiệc khá trịnh trọng gồm khoảng năm mươi người khách, toàn những nhân vật đáng kính của thị trấn: ông chủ ngân hàng, hai vợ chồng ông dược sĩ chủ hiệu thuốc của thị trấn, mục sư nhà thờ, bà hiệu trưởng trường trung học thị trấn, đặc biệt có cả ông thị trưởng. Ông thị trưởng phát biểu một bài rất dài và nói rằng những người ngồi đây đều đã được đọc một ít hay đã được nghe bà Kay kể về cuốn nhật ký của chị Thùy. Ông nói bao năm qua họ vẫn mong một ngày nào đó Fred sẽ tìm được gia đình nữ bác sĩ để trao lại cuốn nhật ký. Ông nói với mẹ tôi rằng chính ông và các vị ngồi đây ai cũng sẽ rất tự hào nếu có được người con gái như chị Thùy.

Chị Thùy của tôi có một sức sống thật kỳ lạ. Làm sao có thể bao năm qua chị vẫn sống trong tâm tưởng biết bao người, kể từ những người bạn thân thiết thuở ấu thơ, những người dân đã nhường cơm sẻ áo cho chị trong thời chiến tranh gian khổ cho đến những người xa lạ ở tận cái nơi xa xôi hẻo lánh này của nước Mỹ. Trong cả ký ức của kẻ thù, những người như Nguyễn Trung Hiếu, Fred hay như trong câu chuyện về Hiếu Nguyễn và Danny Jack. Uyên Ly vừa kể cho tôi nghe câu chuyện về họ mà sáng nay cô đọc được trên Thanhnien Online. Tôi chưa được đọc bài báo đó vì khách sạn tôi ở không có dịch vụ internet.

Fred trở về sống ở thị trấn này từ năm 1996, sau vụ kiện với FBI. Bây giờ, một lần nữa tên tuổi gia đình Whitehurst lại bị chú ý. Cả một gia đình cộng sản đến thăm gia đình Fred, kéo theo bao nhiêu dư luận của báo chí, truyền hình. Tuy nhiên lần này mẹ Fred không phản đối. Không một ai cảm thấy khó xử hay bất bình khi nghe câu chuyện của gia đình tôi.

Sáng hôm nay, CNN có buổi phỏng vấn trực tiếp với Fred lúc 7h30. Từ lúc chúng tôi ở Lubbock, họ đã gọi điện xin hẹn phỏng vấn nhưng Fred giữ lời hứa với tôi nên không đồng ý cho họ phỏng vấn mẹ. Vả lại, nếu chấp nhận, mẹ tôi sẽ phải đi từ 3h sáng để tới trường quay gần nhất là ở Raleigh - cách Bethel gần hai trăm dặm. Hồi ở Hà Nội Fred hứa với tôi là khi nào chúng tôi đến nhà anh ở Bethel thì sẽ không có cameraman hay phóng viên, mà chúng tôi sẽ được yên tĩnh. Tuy nhiên, vẫn có phóng viên: Uyên Ly cùng đi thì biết làm sao! Còn Neil nữa, mặc dầu Neil tác nghiệp một cách lặng lẽ.

Chúng tôi đã chờ xem buổi phỏng vấn trực tiếp của CNN, nhưng đây hóa ra lại là bài phỏng vấn ít thiện chí nhất. Không phải ít thiện chí với chúng tôi mà là với Fred. Phóng viên cố tình hỏi xoáy vào việc anh phản bội lại nước Mỹ khi quyết định giữ cuốn nhật ký của chị Thùy và sau đó còn ca ngợi hành động yêu nước của chị. Fred rất tức giận, chẳng phải trong cuộc hội thảo ở Lubbock hồi tháng ba năm nay anh đã tuyên bố là không một chính phủ nào có thể ngăn cản anh trao trả cuốn nhật ký của chị Thùy về cho gia đình chị đó sao!

Sau cuộc chiến đau buồn đó, phải nhìn nhận sai lầm của chính mình, phải chấp nhận rằng mình đã thua, với kẻ thua điều đó thật đau đớn. Nước Mỹ chưa bao giờ thua trận nên nuốt viên thuốc đắng đó thật khó khăn. Nhưng gánh chịu nhiều nhất vẫn là những người trực tiếp tham gia cuộc chiến và ruột thịt của họ. Đó là chị Thùy, là mẹ tôi, là Fred, là mẹ Fred. Và bao gia đình khác nữa đã phải khóc thương người thân của mình. Và nặng nề biết bao, những cựu chiến binh Mỹ như Fred đã phải suốt mấy chục năm day dứt vì những tội ác mình đã phạm phải khi tham gia vào cuộc chiến.

Tôi nhớ lại một câu chuyện mà tôi được một người bạn Mỹ kể cho sau khi biết chuyện cuốn nhật ký của chị Thùy. Homer Steedly cũng là một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam. Năm 1967, anh là một trung úy bộ binh. Trên một con đường mòn trong rừng già Đắk Lắk, anh chạm trán một người lính miền Bắc. Trong giây phút ngắn ngủi, hai người nhìn thẳng vào mặt nhau, rồi cùng nổ súng. Người ngã xuống không phải là Homer mà là người lính miền Bắc. Đó là lần đầu tiên Homer giết một người. Homer sững sờ nhìn thân thể trẻ măng của người lính miền Bắc chỉ trong giây lát đã không còn sự sống. Cái chết đó ám ảnh Homer. Mấy chục năm sau, không chịu nổi nỗi ám ảnh, Homer lập một website để tâm sự về những ký ức chiến tranh nặng nề tàn khốc. Ngay trên đầu trang web, Homer để ảnh của người lính miền Bắc ấy - tên anh là Hoàng Đình Đàm - với lời thú tội: "Tôi vô cùng ân hận vì đã giết người lính này. Tôi muốn tìm gia đình anh để tạ tội và trao lại cho gia đình những tài liệu của anh mà hiện tôi vẫn giữ".

Tháng 5 vừa rồi, một người bạn tên là Wayne Karlin đã giúp Homer trao lại cho gia đình Đàm những tài liệu của anh. Cuộc trao trả vô cùng cảm động, cả làng chít khăn tang để đón hương hồn Đàm về với gia đình. Sau mấy chục năm tưởng là mất tích, giờ đây trường hợp hy sinh của Đàm đã được làm rõ. Mẹ anh có thể ngậm cười nơi chín suối, con trai bà đã được trả lại tên tuổi, dẫu hài cốt anh vẫn còn phải nằm lại ở một nơi nào tận rừng sâu. Ngay trong đêm khi từ Thái Bình trở về Hà Nội, Wayne viết thư cho Homer. Đêm nay, vợ chồng Homer đốt cho Đàm một cây nến, và lần đầu tiên sau ba mươi tám năm Homer cảm thấy nhẹ nhõm. Sau đó, Homer viết thư cho gia đình Đàm: "Đôi khi cảm giác tội lỗi vì mình vẫn sống sót sau chiến tranh thật không chịu nổi. Hãy nhìn những gì tôi đã ngu ngốc làm, sự ngu ngốc và dại dột thời trẻ, tôi cứ tưởng tôi là người thật sự yêu nước. Vậy tại sao điều răn đó không thể an ủi tôi ở tuổi 59 này? Tại sao một bác sĩ trẻ thì chết mà tôi lại còn sống? Tôi không biết. Có thể rồi đây một ai đó đủ khôn ngoan để dàn xếp những cuộc đụng độ mà không cần phải đẩy những thanh niên của mình đi để giết những người xa lạ. Vào giờ tôi hấp hối, chắc Đàm và các đồng chí của anh ấy sẽ vẫy gọi tôi. Có lẽ chúng tôi sẽ gặp nhau như những người bạn...". (còn tiếp)

Đặng Kim Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.