10 ngày trên đất Mỹ - Kỳ 6: Hai gia đình và một đêm hạnh phúc

30/11/2005 23:11 GMT+7

Ngày 9/10 Nguyễn Trung Hiếu cũng đang phải đi trên con đường nhọc nhằn ấy. Con đường của anh còn nhọc nhằn hơn vì bao năm nay anh phải lưu lạc xứ người và vẫn tưởng quê hương Việt Nam không còn chỗ dành cho mình. Suốt từ sau lần điện thoại đầu tiên với Hiếu từ giữa tháng 9 đến giờ, chúng tôi vẫn chưa thuyết phục được anh đồng ý gặp gia đình tôi. Bao nhiêu năm xa xứ khiến anh không tin rằng Việt Nam đã thay đổi nhiều lắm kể từ ngày các anh bỏ quê hương ra đi.

Ngay sau khi liên lạc được với Hiếu, tôi đã viết thư báo tin cho Fred. Fred vô cùng sửng sốt và mừng rỡ. Nhưng sau đó anh viết cho tôi những bức thư dài và buồn bã. Anh đã gọi điện cho Hiếu, đầu tiên Hiếu rất khách sáo gọi anh là "Ông Whitehurst". Fred rất buồn, anh với Hiếu là bạn, sao bây giờ Hiếu nỡ gọi anh là "ông". Anh biết Hiếu sống giữa một cộng đồng còn mang những oán hận. Fred rất ân hận vì bao năm qua vẫn tưởng Hiếu đã chết. Nếu biết Hiếu còn sống anh sẽ không nói ra hoặc sẽ phải xin phép trước khi nói ra tên tuổi của người thượng sĩ đó. Anh lo sợ rồi đây cuộc sống của Hiếu sẽ bị đảo lộn.

Chiều nay, chị Hiền lại gọi điện cho Hiếu, thuyết phục anh đến Washington DC cho chúng tôi gặp, vì nếu Hiếu muốn giữ kín cuộc gặp thì đó sẽ là địa điểm thích hợp nhất. Hiếu có vẻ xuôi xuôi, nhưng lại nói không biết Fred nghĩ thế nào. Chị Hiền bèn chuyển máy cho Fred lúc đó đang đứng ngay cạnh.

Họ nói chuyện với nhau khá lâu. Tôi không biết Hiếu nói gì nhưng qua lời Fred, tôi hiểu Hiếu vẫn còn lưỡng lự lắm. Lại hẹn đến mai sẽ trả lời. Câu cuối cùng Fred nói trước khi tắt máy là "Chúng ta là đàn ông, phải quyết định chứ !".

Trả máy lại cho tôi, Fred nói có lẽ lần này chúng tôi chưa gặp được Hiếu. Còn phải cần thêm thời gian. Hiếu cần phải trấn tĩnh đã. Rob đứng cạnh cũng tán thành. Tôi buồn quá, lẽ nào chúng tôi đã đến tận đây mà vẫn không gặp được Hiếu. Dòng sông vẫn còn sâu thẳm đến thế ư?

...Văn phòng luật sư của Fred là một tòa nhà một tầng xinh xắn nằm ngay giữa thị trấn. Công việc có vẻ phát đạt: anh vừa phải thuê thêm hai luật sư để phụ giúp. Vợ anh, Cheryl, giữ vai trò giống như trưởng phòng hành chính. Fred quan hệ khá nhiều với những người ở "khu da đen". Anh hay giúp những người nghèo khó và bế tắc đó bằng cách cãi giúp cho họ không lấy tiền. Thường đó là những phiên tòa hành chính lặt vặt xử các tội nhỏ. Anh không lấy tiền, nhưng ra một điều kiện: họ không được tái phạm những tội đó nữa. Nhiều người sau đó trở thành lương thiện. Cũng giống cha mẹ mình, Fred hay tìm cách giúp người nghèo bằng cách thuê họ làm việc chứ không cho tiền. Công việc giúp người ta tốt hơn là tiền bạc. Không hiểu có nhiều người như gia đình Fred không bởi vì người da đen chiếm tới 67% dân số thị trấn này và rất ít người trong số họ có trình độ đại học.

...Tối nay, mẹ Kay mời mọi người ăn tối ở nhà mình. Bà đã mua sẵn thực phẩm, chỉ còn phải nấu nướng là xong.

- Ta là người mời cơm. Nhưng bây giờ bọn con gái vào bếp, còn người già ngồi nói chuyện. Tí nữa bọn con trai rửa bát đĩa - bà ra lệnh.

"Bọn con gái" ở đây là Cheryl, Jhanar, chị Phương, chị Hiền và tôi. Còn "bọn con trai" là Rob, Fred và Neil.

-Yes, Ma'am ! (Thưa lệnh bà, tuân lệnh!) - Cheryl đùa vui.

Trong gia đình Whitehurst, lời nói của mẹ là pháp lệnh. Các con bà đều rất lễ phép và luôn chiều ý bà. Hôm qua đi ăn trưa ở tiệm Trung Hoa, đóng vai chủ nhà cũng là bà Kay, bà đi lấy thức ăn cho mẹ tôi và bảo mọi người tự xếp hàng để lấy thức ăn và phát cho mỗi nhóm 20 đô la. Cheryl toan trả bằng tiền của mình nhưng bà nghiêm nghị bảo đây là bà mời, thế là cô con dâu ngoan ngoãn tuân lệnh cầm lấy tờ tiền mẹ chồng đưa cho. Hôm nay có thêm mẹ tôi, bà Kay bèn sắp xếp thứ tự: Với con nhà Whitehurst thì mẹ Kay là mẹ Một, mẹ Trâm là mẹ Hai. Còn với mấy chị em Trâm thì ngược lại: mẹ Trâm là mẹ Một còn mẹ Kay là mẹ Hai. Cả bọn vui vẻ thực hiện.

Tôi lóng ngóng trong bếp chẳng biết nấu nướng thế nào. Vốn ở nhà tôi cũng khá đảm đang, nhưng sang đây lạ thung lạ thổ. Cheryl thì rón rén chỉ sợ sai ý mẹ chồng, hình như ở bên này người ta hay đi tiệm chứ ít nấu ăn đại gia đình ở nhà. Chỉ Jhanar có vẻ thành thạo - mỗi cuối tuần cô bé hay về ở với bà nội còn bố mẹ cô thì về thăm ông bà ngoại cách đó mấy giờ lái xe. Jhanar nhanh nhẹn chuẩn bị món salad, còn Cheryl và tôi làm sandwich bằng phó-mát tươi.

Bữa ăn rất đơn giản, chỉ có một âu salad và mỗi người một miếng sandwich. Món salad là lạ: ngoài rau diếp, cà chua, măng tây luộc trộn với dầu dấm như bình thường, còn lại bao nhiêu thứ thập cẩm như bánh quy, vải hộp, việt quất, mứt nho, bánh mì rán...

Fred bảo tôi nắm tay hai người bên cạnh và nhắm mắt, rồi Rob với vai trò con cả trong gia đình đọc kinh Tạ ơn trước khi ăn. Tôi nhớ lại tối qua ở tiệm Italian - ánh bạch lạp bập bùng, bà cụ to béo tóc trắng như bông ngồi trước đàn dương cầm, âm thanh trong veo như dòng suối mùa xuân vang lên thánh thót, Fred và Rob đứng cạnh hát bản balad êm dịu nghe quen quen, mãi sau tôi mới nhận ra đó là bản balad hai anh em và Neil đã hát cho chúng tôi nghe lúc ngồi trên tàu đi Quảng Ngãi. Giống như trong một bộ phim cũ với gam màu nâu nâu quay một cảnh từ hồi thế kỷ trước vậy.

Ăn xong "bọn con trai" đi rửa bát, còn mẹ Một, mẹ Hai và mấy đứa con gái bắt đầu giở quà ra tặng nhau. Quà từ Việt Nam sang cũng là những thứ truyền thống: cà vạt và khăn lụa tơ tằm, mấy thứ đồ chơi bằng gỗ, phong bánh đậu xanh... Bà Kay có một món quà dành sẵn cho mẹ tôi: một quyển bản đồ chi tiết từng bang của nước Mỹ. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước món quà đó, tưởng như bà Kay biết rõ mẹ tôi lắm. Mẹ tôi vốn mê bản đồ, đi đâu cũng sưu tầm bản đồ đem về. Từ hồi chúng tôi còn nhỏ và sau này đến lượt các cháu ngoại, mẹ con bà cháu chúng tôi có cái thú thỉnh thoảng buổi tối lại giở bản đồ ra xem. Mẹ tôi kể về địa lý và lịch sử các nước trên thế giới hoặc chúng tôi đố nhau tên những thành phố oái oăm xem đứa nào tìm ra nhanh nhất.

Kể cũng lạ, hai gia đình có nhiều điểm trùng lặp thật. Bà Kay và mẹ tôi đều 81 tuổi, đều là giáo viên. Nhà Whitehurst có bốn con trai còn nhà tôi có bốn con gái. Fred và chị Phương sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày, cùng nghiên cứu khoa học (hai người tranh nhau đòi làm anh làm chị của nhau, cuối cùng bà Kay phân xử Fred làm anh "vì Fred to hơn"). Thậm chí tôi còn rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trên bàn ăn của nhà bà Kay có một cây khoai lang trồng làm cảnh, giống hệt trên bàn ăn nhà tôi.

Chỉ tiếc không gặp Max và Mike, không hiểu hai anh em sinh đôi sẽ thế nào nếu gặp chúng tôi?

(Còn tiếp)
Đặng Kim Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.