10 người chết, 9 người bị thương trong mưa bão

18/09/2014 02:05 GMT+7

Ngày 17.9, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đã có 10 người chết và 9 người bị thương trong mưa bão số 3.

Cột ăng ten truyền hình tại Quảng Ninh
Cột ăng ten truyền hình tại Quảng Ninh bị gãy đổ - Ảnh: Nguyễn Tuấn

 

Trong đó, Lạng Sơn có 7 người chết và 6 người bị thương, Nghệ An có 1 người chết và 3 người bị thương, Hà Nội có 2 người chết do tai nạn điện giật trong mưa bão.

Tại Quảng Ninh, không có thiệt hại về người nhưng bão số 3 khiến địa phương này thiệt hại khoảng 60 tỉ đồng, thống kê đến chiều 17.9. Mưa bão làm chìm 3 bè cá, 6 nhà bị sập đổ và 145 nhà cấp 4 bị tốc mái, 30 cột điện và 1 cột ăng ten truyền hình bị gãy đổ, 2 trạm biến áp bị cháy. Trong toàn tỉnh có 5.282 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, vùi dập. Đến trưa 19.7, mạng lưới điện hư hỏng trong gió bão đã được hoàn thành để cấp điện trở lại tại các địa bàn trong toàn tỉnh.

Tại Hải Phòng, bão số 3  làm 11 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, gây thiệt hại trên 1.624 ha lúa và hoa màu, 120 m2 phòng học bị tốc mái. Giám đốc Công ty điện lực Hải Phòng, Nguyễn Đức Hoan cho biết cơn bão số 3 làm đứt 64 đường dây điện hạ thế và 2.000 trạm biến áp bị sự cố gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng.

Chết do chính quyền... không kiên quyết

Đau đớn nhất là 2 vụ sạt lở đất làm chết người xảy ra ở Lạng Sơn.

Vụ lở đất xảy ra vào lúc 1 giờ 15 ngày 17.9 tại khu vực Bến xe Xuân Cương, thị trấn Đồng Đăng, H.Cao Lộc vùi lấp nhà trọ của ông u Ký Mộc có 11 người đang ngủ bên trong làm 6 người chết tại chỗ, 5 người bị thương. Tất cả những người này đều là lao động của Công ty TNHH Xuân Cương ở khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Đại tá Lương Đình Khải, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn cho hay, toàn bộ số nạn nhân được đưa ra khỏi đống đổ nát sau hơn 1 giờ tìm kiếm. Theo ông Khải, khu vực ta luy bị sạt lở chỉ cao hơn 2 m. Tuy nhiên, khu lán công nhân bị đất lở sập vào là nhà xếp gạch xi măng, lợp tấm fibro xi măng, kết cấu yếu nên khi đất ở chân ta luy bị ngấm nhiều nước lở xô vào, dù không nhiều nhưng vẫn đủ vùi lấp hết. Thêm vào đó, thời điểm xảy ra vụ việc lại giữa đêm, trời mưa to, mọi người ngủ say nên không kịp chạy.

Vụ thứ hai xảy ra tại thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, H.Cao Lộc lúc 3 giờ sáng cùng ngày làm 1 cháu bé 5 tháng tuổi chết, mẹ cháu bé là chị Lâm Thị Ngọc, 31 tuổi bị thương.

“Đây đều là những khu vực đã có cảnh báo nguy hiểm nhiều lần nhưng người dân vẫn cố tình không di dời. Nếu thực hiện đúng quy định thì không thể chết nhiều người như vậy”, đại tá Khải nói.

Trả lời Thanh Niên qua điện thoại, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN-PTNT đồng thời là Phó ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, cho hay đã nhiều lần lập biên bản bắt di dời, thậm chí lập biên bản cưỡng chế nhưng người dân không đi. Tuy nhiên, bà Nhàn cúp máy giữa chừng khi phóng viên hỏi về trách nhiệm của chính quyền đã không thi hành hiệu quả quyết định cưỡng chế để xảy ra hậu quả lớn, chết nhiều. Ông Triệu Văn Quân, Chủ tịch UBND H.Cao Lộc, Lạng Sơn cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi không cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm.

Còn ông Lý Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thừa nhận: “Lực lượng chức năng còn để sót, chưa di dời triệt để các hộ dân tại vị trí nguy hiểm. UBND tỉnh sẽ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc”.

Phan Hậu - Thúy Hằng - Lê Quân

>> Mưa bão số 3 làm 10 người chết, 9 người bị thương
>> Chủ động phòng chống thiên tai mùa mưa bão
>> Bão số 3 'quật ngã' tháp truyền hình 35 mét
>> Gần 290.000 người chịu cảnh mất điện do bão số 3
>> Bão số 3 giật cấp 12 đi vào Quảng Ninh, cảnh báo lũ quét 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.