10 phim Hàn Quốc ghi dấu ấn mạnh với điện ảnh quốc tế

11/09/2017 09:00 GMT+7

Ba thập niên đã qua, nền công nghiệp phim Hàn Quốc vẫn đang ghi dấu ấn với những bước tiến dài. Đóng góp không nhỏ vào thành tựu đó chính là những bộ phim điện ảnh vang danh quốc tế.

1. Oldboy (2003)
Oldboy chứa đựng nhiều thước phim bạo lực, đẫm máu Ảnh: Show East
Đã hơn 1 thập niên trôi qua và đây vẫn luôn là cái tên được ca tụng như một huyền thoại. Đến với LHP Cannes năm 2004, bộ phim thuộc thể loại hành động, kỳ bí của đạo diễn Park Chan Wook đã xuất sắc chinh phục giải thưởng Ban giám khảo và có tên trong danh sách tranh hạng mục Cành cọ vàng cao quý.
Ngay từ khi ra mắt, bộ phim gây chú ý lớn tại không chỉ Hàn Quốc mà còn cả các nước có nền điện ảnh phát triển vì nội dung táo bạo, đẫm máu và đầy bạo lực xoay quanh chủ đề báo thù. Đến tận bây giờ, Oldboy vẫn được các chuyên trang phim ảnh đánh giá là một trong những phim châu Á đáng xem nhất mọi thời đại. Năm 2013, bộ phim được một hãng phim tại Hollywood mua bản quyền và làm lại dưới sự chỉ đạo của đạo diễn từng hai lần được đề cử giải Oscar Spike Lee.
2. The Handmaiden (2016)
Dù có nhiều tai tiếng về đời tư nhưng phải công nhận Kim Min Hee (phải) là tài năng hiếm có của điện ảnh Hàn Quốc Ảnh: CJ Entertainment
Tiếp tục là một bộ phim xuất sắc nữa đến từ bàn tay tài hoa của đạo diễn Park Chan Wook lọt vào danh sách. The Handmaiden (Người hầu gái) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Fingersmith (Kẻ móc túi) của nữ nhà văn Sarah Waters. Phim được biên kịch khéo léo chuyển sang bối cảnh những năm 1930 khi Hàn Quốc đang bị Nhật Bản xâm chiếm, thay vì thời đại nước Anh đặt dưới sự trị vì của nữ hoàng Victoria như trong nguyên tác. Nội dung tác phẩm xoay quanh mối tình đồng tính của hai thiếu nữ với sự hóa thân xuất sắc của nữ diễn viên Kim Min Hee và người đẹp trẻ tuổi Kim Tae Ri.
Không chỉ thành công về mặt nghệ thuật khi nhận được “mưa” lời khen từ các nhà chuyên môn tại LHP Cannes 2016, The Handmaiden còn gây “sốt” phòng vé khi thu về gần 40 triệu USD trên toàn cầu, một con số ấn tượng dành cho dòng phim về nghệ thuật.
Không chỉ thế, The Handmaiden còn trở thành bộ phim Hàn Quốc bán bản quyền phát hành nhiều nhất khi xuất khẩu phim sang hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới.
3. The Chaser (2008)
The Chaser là phim đầu tay của đạo diễn Na Hong Jin Ảnh: Showbox
Là phim đầu tay nhưng có thể nói đây là tác phẩm ấn tượng nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Na Hong Jin. Thuộc thể loại trinh thám, tội phạm, The Chaser (Kẻ đi săn) mượn ý tưởng về câu chuyện xoay quanh tên tội phạm giết người hàng loạt tại Hàn Quốc vào những năm 2003-2004.
Sau khi thôi việc cảnh sát, Jung Ho chuyển sang nghề "tú ông", chuyên dắt mối cho gái bán dâm. Rắc rối ập đến khi hơn 10 cô gái dưới sự quản lý của anh đột nhiên biến mất một cách bí ẩn sau khi tiếp khách từ cùng một số điện thoại. Từ đây, một cuộc đấu trí giữa viên sĩ quan hết thời và tên sát nhân giết người hàng loạt bắt đầu, mở ra những tình tiết gay cấn đến ngạt thở.
Sau khi trình chiếu, bộ phim đã thu về hơn 35 triệu USD, trở thành bộ phim thứ 3 nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc trong năm 2008, sau The Good, the Bad, the WeirdSpeedy Scandal. Sau đó hãng Warner Bros. đã mua bản quyền phim với giá 1 triệu USD. Tuy nhiên, bộ phim Hollywood dựa trên chất liệu từ The Chaser này vẫn còn là một dự án nằm trên giấy.
4. The Wailing (2016)
The Wailing chứa đựng những yếu tố tâm linh như lễ trừ tà, ma nhập Ảnh: 20th Century Fox Korea
Vẫn đi theo thế mạnh là dòng phim trinh thám, The Wailing được Na Hong Jin thêm thắt gia vị kinh dị để làm tăng tính chất ghê rợn của bộ phim. Không hù họa khán giả bằng thủ pháp jump-scare (sử dụng yếu tố bất ngờ để gây sợ) hay diễn biến trong một không gian chật hẹp, tĩnh mịch như thường thấy ở các phim thuộc thể loại này, The Wailling gieo rắc ám ảnh vào lòng người xem bằng những chi tiết đậm chất tâm linh phương Đông.
Trình chiếu tại LHP Cannes 2016, bộ phim đã nhận được tràng vỗ tay kéo dài tới 6 phút sau khi cảnh cuối khép lại. Truyền thông xứ củ sâm nhận xét rằng đây là “một bộ phim khiến người ta càng sợ lại càng muốn khám phá”.
5. Snowpiercer (2014)
Snowpiercer có sự tham gia của ngôi sao Hollywood Chris Evans Ảnh: CJ Entertainment
Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá) là bộ phim viễn tưởng do đạo diễn Bong Joon Ho "cầm trịch” với sự diễn xuất chính của nhiều tên tuổi tới từ Hollywood như Chris Evans - người nổi tiếng với vai Captain America, minh tinh Tilda Swinton và nữ diễn viên da màu Octavia Spencer.
Snowpiercer được xây dựng dựa theo cuốn tiểu thuyết Le Transperceneige của ba tác giả người Pháp. Lấy bối cảnh thế giới năm 2031, sau nhiều biến động thời tiết và sai lầm của một nhóm nhà khoa học, trái đất quay về kỷ băng hà, mặt đất bao phủ bởi tuyết trắng và loài người có nguy cơ bị tuyệt diệt. Giữa hoàn cảnh ấy, một con tàu đã được dựng trên đường ray dài đến hơn 400.000km chạy quanh khắp các lục địa và để con người sống trong đó. Con tàu là một mô hình xã hội thu nhỏ khi được phân tầng rõ ràng. Những toa đầu dành cho những người có tiền và giới quý tộc. Trong khi đó dân lao động nghèo khổ thì được phân ở các toa cuối với điều kiện thiếu thốn hơn rất nhiều.
Sau khi được trình chiếu, bộ phim đã thu về những lời khen nhiệt liệt của giới làm phim trên toàn thế giới. Cây bút John Anderson của tờ Wall Street Journal đã không tiếc lời mà khen ngợi rằng: “Một khi đạo diễn Bong Joon Ho đã đặt tâm huyết vào phim, thì nó phải là một tác phẩm có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Một bộ phim xuất sắc về đề tài hậu tận thế”.
6. The Host (2006)
The Host là bộ phim quái vật đầu tiên của nền điện ảnh Hàn Quốc Ảnh: Showbox
Đứng cùng với những nhà làm phim quái kiệt trong điện ảnh Hàn Quốc như Park Chan Wook hay Kim Ki Duk, không thể bỏ sót cái tên Bong Joon Ho. Trước Snowpiercer, Bong Joon Ho từng khiến cả thế giới kinh ngạc khi cho ra đời “bom tấn” The Host (Quái vật sông Hàn) - bộ phim quái vật đầu tiên của nền điện ảnh Hàn Quốc.
Phim từng được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế, trong đó có cả LHP Cannes và được đạo diễn tài ba của Hollywood - Quentin Tarantino liệt vào danh sách những phim yêu thích nhất của ông.
7. Okja (2017)
Okja được các chuyên trang bình phim đánh giá cao Ảnh: Plan B Entertainment
Bong Joon Ho quả là một bậc “phù thủy” làm phim khi tác phẩm nào cộp mác ông cũng trở thành hiện tượng điện ảnh của thế giới. Và bộ phim mới nhất mang tên Okja (Siêu lợn Okja) cũng không ngoại lệ.
Được Netflix đầu tư 50 triệu USD, Okja là câu chuyện tình bạn giữa cô bé nông dân Mi-ja (Ahn Seo-hyun) và một “quái vật” được nuôi nấng để thí nghiệm rồi lấy thịt có tên Okja. Chuyến hành trình giải cứu người bạn thân đã giúp Mi-ja và những người bạn khám phá ra một âm mưu thâm độc của một tập đoàn đa quốc gia.
Okja được các chuyên trang đánh giá phim quốc tế chấm ở mức khá. 85% là mức điểm của Okja trên Rotten Tomatoes và IMDb chấm phim 7,5/10.
8. Train to Busan (2016)
Bộ phim Train to Busan đã mang tên tuổi của nam diễn viên Gong Yoo vươn ra thế giới Ảnh: Next Entertainment World
Đây chắc chắn là cái tên mà tín đồ mê phim Hàn Quốc không thể bỏ qua trong năm 2016. Ra mắt tại LHP Cannes 2016, Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) nhận không ngớt lời khen từ các nhà phê bình. Khi công chiếu tại quê nhà, tác phẩm đạt doanh thu cao hơn cả bom tấn Captain America: Civil War trong ngày ra mắt. Phim đã thu về 99 triệu USD và lọt danh sách những phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.
Không chỉ thành công ở nội địa hay gây tiếng vang tại các LHP quốc tế, Train to Busan còn trở thành bộ phim Hàn Quốc ăn khách tại Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông…
9. The Villainess (2017)
Nữ diễn viên Kim Ok Bin đảm nhận vai chính trong bộ phim hành động bạo lực này Ảnh: Next Entertainment World
The Villainess (Ác nữ báo thù) xoay quanh Sook Hee (Kim Ok Bin), một cô gái được nuôi dạy để trở thành sát thủ từ nhỏ. Sau khi Sook Hee được Giám đốc cục tình báo Hàn Quốc chiêu mộ, những tưởng quá khứ của cô sẽ được gột rửa và sống như một con người bình thường. Tuy nhiên, chính việc này lại mang đến cho Sook Hee rắc rối thêm gấp bội.
The Villainess đã có màn ra mắt thành công tại LHP Cannes diễn ra vào tháng 5 vừa qua trong chương trình Suất chiếu lúc nửa đêm (Midnight screening) dành cho dòng phim kinh dị và bạo lực đẫm máu. Sau kết phim, tác phẩm đã nhận được tràng pháo tay kéo dài không ngớt từ khán giả. Ngoài những cảnh hành động mãn nhãn, tác phẩm nghệ thuật của đạo diễn Jung Byung Gil cũng mang thông điệp nhân văn về quyền con người, tình yêu và lòng thù hận.
10. I saw the Devil (2010)
Một trong những cảnh bạo lực của I saw the Devil Ảnh: Showbox
I saw the Devil (Ác nhân) là một bộ phim rùng rợn của đạo diễn Kim Jee Woon kể về một kẻ tâm thần, giết người hàng loạt và xem đây là “thú tiêu khiển”. Tên sát nhân này được mô tả là không từ một thủ đoạn nào để thỏa mãn thú tính. Do đó, những cảnh trong phim cũng máu me, bạo lực với mục đích nâng sự kinh hãi của khán giả lên đến mức cực điểm. Chính vì điều này, I saw the Devil đã bị Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia xếp loại “hạn chế chiếu” và phải biên tập lại một số cảnh “nặng đô” trong phim.
Trái với những e dè của thị trường phim trong nước, I saw the devil lại được quốc tế đón nhận nhiệt liệt, đặc biệt là những người có đam mê mãnh liệt với dòng phim kinh dị. Tuy nhiên với những người yếu tim, nếu biết rằng I saw the Devil được tạp chí Rolling Stones liệt kê vào vào danh sách Top 20 tác phẩm rùng rợn khán giả không nên coi, có lẽ bạn cũng chả dám liếc mắt qua màn hình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.