Có người tự nguyện, có người trong tình thế buộc phải vào ban đại diện cha mẹ học sinh. Với lý do nào thì họ hoặc phải thuộc kinh tế khá giả hoặc có vị trí nhất định trong xã hội để giúp trường vận động được các... phụ huynh khác.
Vào ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh chủ yếu vận động đóng góp của các phụ huynh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Để bán được hàng !
Nhiều phụ huynh xung phong làm mạnh thường quân hay vào ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) với lý do... tiếp thị hàng hóa. Khi trường cần làm sân, thay mới bàn ghế, quạt... những người này sẵn sàng cung cấp nguyên vật liệu với giá hữu nghị. “Điều này cốt để tạo điều kiện cho con cái mình học, nhưng bên cạnh đó mình cũng bán được hàng”, một phụ huynh thẳng thắn.
Ở nhiều trường không ít phụ huynh thuộc diện trái tuyến nhưng có điều kiện sẵn sàng tham gia ban đại diện để hy vọng việc xin học cho con thứ hai dễ dàng hơn. Có người lại nghĩ đơn giản làm việc này để giáo viên quan tâm đến con mình nhiều hơn.
Không ít người có suy nghĩ phải làm gì đó để tạo dấu ấn với trường. “Được bầu làm hội trưởng của trường mà không có hoạt động gì giúp cho trường thì cũng kỳ, nên dù biết việc đóng góp sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh nhưng nhiều khi mình vẫn phải phát động”, chị Tô Thị Hồng, chi hội trưởng hội phụ huynh một trường ở Q.7 (TP.HCM), cho biết.
“Chọn mặt gửi vàng”
Một giáo viên làm chủ nhiệm lâu năm đúc kết: “Nếu có một nhóm phụ huynh “đứng mũi chịu sào” là tiện nhất”. Vì vậy để việc huy động kinh phí từ phụ huynh nhanh chóng, từ khi tựu trường cho đến trước ngày họp phụ huynh, một số giáo viên chủ nhiệm đã ngắm nghía “chọn mặt gửi vàng” các phụ huynh đủ yêu cầu để mời hay “ép” vào ban đại diện cha mẹ HS. Những phụ huynh này thường là người có điều kiện về kinh tế, vị trí trong xã hội, nhiệt tình tham gia công việc...
Một phụ huynh ở Q.5 (TP.HCM) kể: “Trước khi họp phụ huynh một vài ngày, cô chủ nhiệm đề nghị tham gia ban đại diện. Thấy việc đó cũng không ảnh hưởng gì nên tôi đồng ý. Tuy nhiên sau đó nhà trường thông báo có công trình cần hỗ trợ của phụ huynh và “bỏ nhỏ” là cố gắng một nhóm hỗ trợ chứ không nên chia đồng đều cho các thành viên trong lớp”. Phụ huynh này nhớ lại: “Lúc đó, tôi đành gọi điện xem gia đình bé nào hỗ trợ được phần nào tốt phần đấy. Số còn lại tôi phải góp thêm cho đúng số chi phí mà lớp con tôi phải tham gia với trường”.
Còn chị Huỳnh Thị Thanh Thúy, có 2 con học cùng một trường mầm non tại Q.8 (TP.HCM), cho biết: “Tôi được cả cô giáo 2 lớp gọi điện nhờ làm chi hội trưởng hội phụ huynh. Trước khi diễn ra cuộc họp phụ huynh, nhà trường mời những phụ huynh này đến bầu ra trưởng, phó ban, ủy viên hội phụ huynh của trường. Sau đó, ngoài thông tin dạy và học của trường, cô hiệu trưởng nêu những khó khăn về cơ sở vật chất, gợi ý thu quỹ lớp, quỹ trường”. Theo chị Thúy, trước buổi họp, ban đại diện hội phụ huynh sẽ vận động hành lang một số phụ huynh dễ tính để nhờ họ phát biểu đầu tiên với tinh thần ủng hộ nhiệt tình.
Nhiều người khác phải làm theo vì sự bốc đồng của một người
Ông Trần Đức Như (trưởng ban đại diện cha mẹ HS một trường THCS ở Q.12, TP.HCM) cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 8 thì cũng đã 8 năm tôi làm trưởng ban đại diện cha mẹ HS nên phần nào nắm được quy trình khi trường xin thay một cái quạt hư, xin sửa nhà vệ sinh hỏng, phải thông qua rất nhiều cấp. Vì vậy, khi nghe trường thông báo cơ sở vật chất hư hỏng, chúng tôi tự vận động quyên góp vì đợi trường sửa thì không biết tới khi nào”.
Cũng theo ông Như, nhiều khi tới trường thấy giáo viên than cái bàn cũ, lớp học nóng... nhiều người bốc đồng đề xuất để phụ huynh lo. Vậy là lại có thêm một cuộc vận động đóng tiền để mua ghế mua bàn tặng thầy cô. Tuy nhiên, vì những phụ huynh này thường có điều kiện về kinh tế nên việc phát động và đóng tiền cũng khá nhẹ nhàng, nhưng với những phụ huynh khó khăn thì việc đóng góp lại trở thành gánh nặng.
“Vậy là từ sự bốc đồng của một người hoặc một nhóm người mà những người khác phải làm theo”, ông Như nhấn mạnh.
|
Ý kiến
Không đóng thì sợ
Bản thân tôi cũng như nhiều phụ huynh khác dễ bị “tác động tâm lý” trong các buổi họp đầu năm. Thấy ai đó đóng góp mà mình không đóng thì đâm ra sợ, sợ con mình bị trù dập, sợ bạn bè của con trêu chọc là nhà nghèo, không đóng tiền mua máy lạnh mà được ở máy lạnh nên cắn răng vay mượn tiền đóng.
Huỳnh Minh Phương
(Phụ huynh một trường tiểu học ở Q.8, TP.HCM) Ủng hộ vì... nghĩ cho con
Nhiều khi trong nhà chỉ còn vài chục ngàn đồng, thấy con xin tiền đóng ủng hộ thì mình đưa cả, nhưng con cứ quẩn quanh chưa chịu đi học, hỏi thì con bảo cả lớp người đóng ít nhất 100.000 đồng không có ai đóng 70.000 đồng. Tôi bảo nhà mình không có nên đóng ít đi một chút thì con lại nói danh sách in sẵn rồi ai đóng bao nhiêu thầy cô cũng biết.
Trần Thị Bình
(Phụ huynh Trường THCS Nguyễn Hiền, TP.HCM) |
Bình luận (0)