Theo Bloomberg, giữa tuần này, Bộ Công an Trung Quốc cho biết nền tảng của họ phát hiện thành công 126.000 phương tiện nghi ngờ không có giấy phép hợp lệ từ năm ngoái. Hiện họ muốn mở rộng mạng lưới để thông tin về hoạt động giao thông đáng ngờ có thể được chia sẻ giữa các thành phố và tỉnh.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt kiểm tra được mặt mũi của tài xế và chi tiết phương tiện dựa trên cơ sở dữ liệu, giúp xác minh danh tính người phạm luật giao thông nhanh hơn, chính xác hơn, Bí thư Đảng ủy của Bộ Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giao thông Công cộng Sun Zhengliang cho biết.
Hãng trí tuệ nhân tạo (AI) Intellifusion đã và đang cung cấp công nghệ quét khuôn mặt cho cảnh sát giao thông ở một thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc từ năm 2018. Cảnh sát địa phương phối hợp với startup AI ở Quảng Châu, Gosunyun Robot, giới thiệu robot giúp điều tiết giao thông và cung cấp hướng dẫn cho lái xe.
Tất cả diễn ra giữa lúc nhiều nước phương Tây ái ngại việc các cơ quan thực thi pháp luật dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Oakland mới đây cùng San Francisco trở thành hai thành phố Mỹ cấm chính quyền thành phố dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt vì lo ngại về quyền riêng tư. Thách thức pháp lý cũng được đặt ra tại Anh để chống cảnh sát dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, với lý do nó cấu thành hành vi vi phạm quyền riêng tư. Ở Mỹ, Amazon bị nhiều nhân viên và cổ đông chỉ trích vì hợp tác với cảnh sát để kiểm tra khả năng theo dõi nghi phạm tức thì của công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Tại Trung Quốc, nhận dạng khuôn mặt đang được áp dụng cho mọi nơi, mọi thứ, từ cửa kiểm soát an ninh ở sân bay cho đến phòng chống tội phạm và kiểm tra việc thực hiện phân loại rác ở cộng đồng dân cư. Ở Thâm Quyến, những người qua đường ẩu bị nêu tên để tự xấu hổ theo chương trình nhận dạng khuôn mặt thí điểm.
Với những người chưa biết lái xe, công nghệ nhận dạng khuôn mặt còn được triển khai cho học viên tập lái. Học viên có thể dùng khuôn mặt của mình để đăng ký và hoàn tất việc học lý thuyết luật giao thông trước khi đăng ký thi bằng lái.
Bắc Kinh bày tỏ sự nhiệt tình trong việc mở rộng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho nhiều tầng lớp, nhiều hoạt động như từ phát hiện ung thư cho đến phát triển xe tự hành. Trung Quốc cũng là nơi có nhiều camera giám sát nhất thế giới. Nước này muốn xây dựng mạng lưới giám sát toàn diện vào năm 2020.
Bình luận (0)