11 năm, ghi nhận hơn 4.500 trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2

Mạnh Cường
Mạnh Cường
16/12/2022 12:28 GMT+7

Từ năm 2011 - 2022, Viện Vật lý địa cầu Việt Nam đã quan sát được hơn 4.500 trận động đất có độ lớn từ 0,5 đến 4,7 độ Richter tại thủy điện Sông Tranh 2.

Sáng 16.12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Viện Vật lý địa cầu Việt Nam và Công ty Thủy điện Sông Tranh tổ chức hội thảo quan trắc và nghiên cứu động đất ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, từ năm 2011 - 2022, đơn vị này quan sát được hơn 4.500 trận động đất có độ lớn từ 0,5 đến 4,7 độ Richter, phân bố chấn tiêu động đất tập trung chủ yếu ở độ sâu khoảng 5 - 10 km, độ sâu trung bình là 6 km.

Thủy điện Sông Tranh 2, nơi ghi nhận hơn 4.500 trận động đất

MẠNH CƯỜNG

Với tần suất động đất lớn từ sau khi hồ thủy điện tích nước và độ sâu chấn tiêu nông khẳng định các động đất quan sát được ở khu vực Bắc Trà My và lân cận là động đất kích thích.

Cũng theo Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho phép đưa ra nhận định động đất ở khu vực sông Tranh 2 là loại phản ứng nhanh. Trận động đất lớn nhất xảy ra vào năm 2012 hầu như không gây hậu quả nghiêm trọng cho đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng như cho các công trình xây dựng dân sinh khác trong khu vực.

Động đất ở khu vực này diễn ra mạnh nhất từ năm 2012 - 2018 và đã giảm đáng kể về tần suất, cường độ sau đó.

Viện Vật lý địa cầu Việt Nam kiến nghị tiếp tục duy trì hoạt động liên tục mạng trạm quan trắc động đất ở ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin hoạt động động đất trong khu vực nhằm ổn định đời sống nhân dân vùng hạ du và phục vụ công tác vận hành an toàn công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Đồng thời, kiến nghị cần thiết lập bổ sung các trạm quan trắc động đất đối với các thủy điện khác ở khu vực tỉnh Quảng Nam phục vụ theo dõi, nghiên cứu hoạt động động đất trên hệ thống các thủy điện bậc thang.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết động đất đã tác động lớn đến đời sống cư dân cũng như kinh tế, xã hội của nhiều địa phương, đặc biệt là Bắc Trà My.

Theo ông Bửu, kết quả của hội thảo có vai trò quan trọng về mặt nghiên cứu, tạo cơ sở khoa học để đưa ra những cảnh báo, giải pháp ứng phó, thích nghi, thông tin rộng rãi đến người dân về đánh giá mức độ an toàn. Đồng thời, là cơ sở để đề xuất mở rộng nghiên cứu, nắm bắt động đất ở các công trình thủy điện khác trên địa bàn tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.