Đại án Vạn Thịnh Phát được chia làm 2 giai đoạn điều tra. Giai đoạn 1 gồm các sai phạm liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), giai đoạn 2 gồm các sai phạm liên quan đến 25 lô trái phiếu do các công ty thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát phát hành.

Ở mỗi giai đoạn, hành vi phạm tội và đối tượng phạm tội có phần khác nhau, nhưng đều chung một điểm, đó là những con số kỷ lục về quy mô vụ án và mức độ thiệt hại gây ra.

Tham ô, hối lộ,
“rút ruột” SCB

"Đế chế" Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan xây dựng gồm hơn 1.000 doanh nghiệp dưới dạng công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Số lượng khổng lồ các doanh nghiệp đã được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tận dụng triệt để trong việc “đạo diễn” các sai phạm.

Trong giai đoạn 1, cơ quan tố tụng xác định bà Trương Mỹ Lan dù không trực tiếp giữ chức vụ trong ban lãnh đạo, nhưng với việc sở hữu hơn 90% cổ phần, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nắm quyền chi phối tuyệt đối tại SCB, biến ngân hàng này trở thành công cụ tài chính huy động tiền gửi.

Để “rút ruột” SCB, bà Lan chỉ đạo cấp dưới nhờ hoặc thuê người đứng tên thành lập các công ty "ma" - nghĩa là không có hoạt động kinh doanh gì, được "khai sinh" chỉ với mục đích duy nhất là lập khống hồ sơ nhằm hợp thức hóa các khoản giải ngân từ SCB.

Tiếp đó, lãnh đạo SCB phối hợp cùng đơn vị thẩm định giá tạo lập khách hàng vay vốn khống, nhờ người đứng tên tài sản, tạo hồ sơ khống, thậm chí có những khoản vay "lấy tiền trước, hợp thức hóa hợp đồng sau".

Chỉ trong 10 năm, từ 2012 - 2022, SCB đã cho “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát vay hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay. Trong hàng ngàn khoản vay đã giải ngân, phần lớn đều có sai phạm. Hệ quả là, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi tính đến thời điểm khởi tố vụ án lên tới hơn 677.000 tỉ đồng, gồm cả gốc và lãi.

Sai phạm chưa dừng lại, bà Lan còn chỉ đạo lập khống hàng ngàn hồ sơ nhằm rút tiền, qua đó chiếm đoạt và gây thiệt hại cho SCB hơn 500.000 tỉ đồng.

Có một câu hỏi mà bất cứ ai theo dõi đại án Vạn Thịnh Phát cũng đặt ra: tại sao bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm có thể thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, với số tiền “chưa từng có trong lịch sử” như vậy?

Một phần cho câu trả lời chính là việc Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan không tiếc tiền “đi đêm” cho những cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại SCB, để bưng bít sai phạm.

Chỉ nhắc riêng trường hợp bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), trưởng đoàn thanh tra tại SCB, bà Lan đã chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng.

Lừa đảo, rửa tiền
“chưa từng có”

Đến giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan tố tụng xác định giai đoạn năm 2018, SCB khi này đang bị thanh tra, kiểm tra nên việc xin cấp tín dụng của “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn. Để giải quyết, nhất là bối cảnh nợ xấu kéo dài, bà Trương Mỹ Lan ra chủ trương phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thực hiện “chỉ thị” của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, 4 công ty con đã phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Vì được tạo lập bằng sự gian dối, hệ quả là các công ty mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu, đến nay tổng dư nợ lên tới hơn 30.000 tỉ đồng, của hơn 35.800 bị hại.

Và để hợp thức hóa nguồn tiền bất chính khổng lồ (gồm 30.000 tỉ chiếm đoạt của nhà đầu tư trái phiếu và 415.000 tỉ tham ô của SCB), bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB, rồi sử dụng vào nhiều mục đích như: chuyển cho cá nhân, thực hiện các dự án, trả nợ, chuyển tiền ra nước ngoài…

Sai phạm cuối cùng bị phát hiện, là trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát sinh các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Nhằm thực hiện các giao dịch này, bà Lan giao cấp dưới lập hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty trong nước và nước ngoài thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát.

Trong vòng 10 năm, từ 2012 - 2022, nhóm công ty trên đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, với tổng số hơn 1,5 tỉ USD; và 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, với tổng số hơn 3 tỉ USD. Các giao dịch đều thực hiện thông qua SCB, trái quy định pháp luật.

Ngoài những con số “khủng” về mức độ phạm tội, đại án Vạn Thịnh Phát cũng ghi nhận kỷ lục về số tài sản bị kê biên, phong tỏa.

Ở giai đoạn 1, cơ quan điều tra thu giữ tổng số tiền 589 tỉ đồng, gần 15 triệu USD và hàng ngàn bất động sản, siêu xe, du thuyền…; phong tỏa hơn 1.800 tỉ đồng của các bị can tại các ngân hàng. Riêng với bà Trương Mỹ Lan, công an tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản tại Đồng Nai, TP.HCM, Long An…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên hộ…

Sang giai đoạn 2, cơ quan điều tra thu giữ số tiền hơn 224 tỉ đồng tiền mặt; ra lệnh phong tỏa 79 tài khoản với tổng số tiền hơn 92 tỉ đồng; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài sản chứng khoán của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỉ đồng và 261.914 USD. Đồng thời ra lệnh kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, phần vốn góp liên quan đến Trương Mỹ Lan và các cá nhân có liên quan, với tổng giá trị quy đổi hơn 12.000 tỉ đồng…

Ở cả 2 giai đoạn đại án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đều giữ vai trò “đạo diễn” các sai phạm. Nhưng cũng không thể không nhắc tới 10 “nhân vật chủ chốt” khác, là những người liên quan mật thiết đến hành vi phạm tội của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Click vào ảnh để xem nội dung

Trương Mỹ Lan
(Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)

Tháng 4.2024, tại giai đoạn 1 vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM tuyên mức án tử hình về 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn buộc phải bồi thường 673.800 tỉ đồng cho SCB.

Bà Lan bị cáo buộc cáo vai trò chính trong việc “rút ruột” hơn 1 triệu tỉ đồng của SCB, dẫn tới tổng dư nợ không có khả năng thu hồi lên tới hơn 677.000 tỉ đồng. Bị cáo còn tham ô 304.000 tỉ đồng của SCB, qua đó gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng.

Và để bưng bít sai phạm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho hàng loạt quan chức ngành ngân hàng. Chỉ tính riêng trường hợp bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), trưởng đoàn thanh tra tại SCB, số tiền đưa hối lộ lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng.

Tháng 7.2024, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng giai đoạn 2 vụ án, truy tố bà Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bà Lan tiếp tục được xác định có vai trò chính trong việc chỉ đạo phát hành 25 gói trái phiếu khống, qua đó chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 35.800 nhà đầu tư. Bị can cũng tổ chức thực hiện rửa tiền với tổng số hơn 445.000 tỉ đồng, là số tiền bất chính có được từ hành vi tham ô tài sản (ở giai đoạn 1) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư trái phiếu.

Đặc biệt, bà Lan còn bị cáo buộc cùng đồng phạm vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới tổng số tiền 4,5 tỉ USD (tương đương hơn 106.000 tỉ đồng), nhằm trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài.

Chu Lập Cơ
(Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square, chồng bà Lan)

Tháng 4.2024, ông Chu Lập Cơ bị TAND TP.HCM tuyên phạt 9 năm tù về vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ông Cơ bị cáo buộc giúp sức cho vợ, 2 lần ký biên bản HĐQT, đồng ý thế chấp tài sản của Công ty Times Square bảo lãnh cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỉ đồng.

Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, bà Lan chỉ đạo cấp dưới tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập các hồ sơ vay vốn khống, nhờ người đứng tên các khoản vay và ký khống hồ sơ, thủ tục vay vốn. Toàn bộ số tiền vay vốn được sử dụng cho mục đích riêng của bà Lan.

Tại giai đoạn 2 vụ án, Viện KSND tối cao xác định ông Chu Lập Cơ mở và sử dụng 3 thẻ thanh toán tại SCB. Từ tháng 1.2018 - tháng 10.2022, ông Cơ đã chi tiêu hơn 225 tỉ đồng bằng các thẻ tín dụng nêu trên, gồm hơn 113 tỉ đồng từ các khoản vay khống tại SCB và gần 1,4 tỉ đồng từ hành vi lừa đảo trái phiếu.

Ông Chu Lập Cơ cũng sử dụng hơn 33 tỉ đồng do vợ mình chỉ đạo nhân viên nộp vào các thẻ visa, master. Đây là tiền do bà Trương Mỹ Lan phạm tội mà có. Vì thế, ông này bị truy tố tội rửa tiền.

Trương Huệ Vân
(Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor - WMC, cháu gái bà Lan)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Trương Huệ Vân bị TAND TP.HCM tuyên phạt 17 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo cáo buộc, Vân được bà Trương Mỹ Lan tin tưởng, giao quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Từ năm 2020, Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để mình và bà Lan rút tiền từ SCB.

Tính đến ngày 17.10.2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỉ đồng, gồm dư nợ gốc hơn 2.809 tỉ đồng và dư nợ lãi suất hơn 25 tỉ đồng.

Tại giai đoạn 2 vụ án, Trương Huệ Vân bị Viện KSND tối cao truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, thực hiện chủ trương phát hành trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty WMC chuyển 13.000 tỉ đồng cho Công ty An Đông, nhằm mua sơ cấp cấp và giúp bà Lan cùng đồng phạm phát hành 2 mã trái phiếu.

Hành vi trên được xác định đồng phạm với bị can Lan chiếm đoạt số tiền 13.000 tỉ đồng của hơn 20.600 bị hại.

Trương Khánh Hoàng
(Cựu quyền Tổng giám đốc SCB)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Trương Khánh Hoàng bị TAND TP.HCM tuyên phạt 18 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo cáo buộc, từ tháng 9.2019 - tháng 12.2021, bị cáo Hoàng đã ký 253 tờ trình tái thẩm định, 349 biên bản họp hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 39 tờ trình của tổng giám đốc đồng ý cho 270 khách hàng thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát vay 386 khoản tại SCB, có dư nợ đến ngày khởi tố vụ án là hơn 285.000 tỉ đồng.

Mặc dù biết rõ các khoản vay đều trái quy định, nhưng do được trả mức lương rất cao, từ 130 - 500 triệu đồng mỗi tháng, vào các dịp lễ hoặc tết còn được thưởng nhiều tỉ đồng, nên bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Trương Khánh Hoàng bị Viện KSND tối cao truy tố về cả 3 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Theo đó, bị can Hoàng chỉ đạo nhân viên lên phương án chạy dòng tiền khống, tạo lập nhà đầu tư sơ cấp, giúp Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan. Hành vi này giúp sức cho bị can Lan chiếm đoạt 2.000 tỉ của hơn 2.400 nhà đầu tư.

Bị can còn giúp sức Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát che giấu nguồn gốc và sử dụng số tiền hơn 104.000 tỉ đồng; đồng thời ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số hơn 929 triệu USD, 106 lệnh nhận tiền từ nước ngoài với tổng số hơn 1,9 tỉ USD.

Nguyễn Phương Anh
(Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula - SPG)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Nguyễn Phương Anh bị TAND TP.HCM tuyên phạt 17 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo cáo buộc, bị cáo đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan trong việc quản lý, điều hành tìm người đứng tên pháp luật các công ty ma. Bị cáo cũng là người theo dõi thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác, phối hợp để “giải quỹ” các khoản vay được SCB giải ngân.

Hành vi này giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt hơn 297.000 tỉ đồng của SCB, gây thiệt hại hơn 128.000 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Nguyễn Phương Anh bị Viện KSND tối cao truy tố về cả 3 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Theo đó, bị can là người lập các hợp đồng khống, lên phương án hứa chuyển nhượng cổ phần, sử dụng cá nhân được thuê ký chứng từ khống nộp, rút tiền, hoàn tất chuỗi các giao dịch chạy dòng tiền khống.

Chuỗi hành vi trên giúp cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, qua đó chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 35.800 bị hại.

Bị can còn giúp sức Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát che giấu nguồn gốc và sử dụng số tiền hơn 4.600 tỉ đồng.

Ngoài ra, từ tháng 3.2018 - tháng 8.2022, bị can này phối hợp với nhiều bị can khác lập các hợp đồng khống cho 3 công ty do mình quản lý, giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép qua biên giới tổng số tiền hơn 91 triệu USD.

Võ Tấn Hoàng Văn
(Cựu Tổng giám đốc SCB)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Võ Tấn Hoàng Văn bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án chung thân về 2 tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc, từ tháng 11.2013 - tháng 12.2017, bị cáo ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 60.000 tỉ đồng. Từ tháng 2.2018 - tháng 7.2020, bị cáo tiếp tục ký hợp thức hồ sơ 348 khoản vay, giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 192.000 tỉ đồng của SCB và gây thiệt hại số lãi phát sinh hơn 101.000 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Võ Tấn Hoàng Văn bị Viện KSND tối cao truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Theo đó, bị can tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với Trương Mỹ Lan; chỉ đạo, điều hành SCB giới thiệu, tư vấn bán trái phiếu; chỉ đạo ký kết hợp đồng với Công ty Chứng khoán TVSI về việc hợp tác giới thiệu nhà đầu tư chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp...

Chuối hành vi trên đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 28.400 tỉ đồng của hơn 35.000 bị hại.

Ngoài ra, bị can còn ký duyệt 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các hợp đồng khống, không đủ điều kiện; qua đó giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 516 triệu USD.

Bùi Anh Dũng
(Cựu Chủ tịch SCB)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Bùi Anh Dũng bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án chung thân về 2 tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc, từ tháng 4.2013 - tháng 12.2020, bị cáo ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 187.000 tỉ đồng. Từ tháng 12.2020 - tháng 9.2022, bị cáo tiếp tục ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 104.000 tỉ đồng của SCB, gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 26.000 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Bùi Anh Dũng bị Viện KSND tối cao truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Theo đó, bị can Dũng đã tạo điều kiện cho nhóm khách hàng VIP, liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, triển khai cho cấp dưới tại SCB chi nhánh Bến Thành hạch toán chứng từ trên hệ thống, đi lệnh nộp tiền, chuyển, nộp, rút tiền khống.

Hành vi trên giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, chiếm đoạt 2.000 tỉ đồng của hơn 2.400 bị hại.

Ngoài ra, từ tháng 2.2020 - tháng 10.2020, bị can ký duyệt 6 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các hợp đồng khống, không đủ điều kiện; qua đó giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 30 triệu USD.

Trần Thị Mỹ Dung
(Cựu Phó tổng giám đốc SCB)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Trần Thị Mỹ Dung bị TAND TP.HCM tuyên phạt 16 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo đó, từ tháng 9.2019 - tháng 8.2022, bị cáo ký hợp thức hồ sơ 617 khoản vay, giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 200.000 tỉ đồng của SCB, gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 69.000 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Trần Thị Mỹ Dung bị Viện KSND tối cao truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Bị can Dung trực tiếp bàn bạc, trao đổi về việc lên phương án dòng tiền khống, sau đó chỉ đạo cấp dưới tổ chức hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống SCB.

Hành vi trên giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, chiếm đoạt 2.000 tỉ đồng của hơn 2.400 bị hại.

Bị can còn giúp sức Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát che giấu nguồn gốc và sử dụng số tiền hơn 69.000 tỉ đồng.

Hồ Bửu Phương
(Cựu Chủ tịch Công ty TVSI, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Hồ Bửu Phương bị TAND TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù về tội tham ô tài sản.

Bị cáo là người trực tiếp nhận chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan, phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các bị cáo khác lên phương án “giải quỹ”, giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt của SCB hơn 163.000 tỉ đồng và gây thiệt hại hơn 99.000 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Hồ Bửu Phương bị Viện KSND tối cao truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo viện kiểm sát, bị can Phương đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với Trương Mỹ Lan. Bị can còn được giao làm đầu mối yêu cầu bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính và lên phương án thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Hồ Bửu Phương cũng là người chỉ đạo cấp dưới phối hợp với nhân viên Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành trái phiếu, qua đó giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt gần 28.000 tỉ đồng của hơn 33.300 bị hại.

Bùi Đức Khoa
(Phó tổng giám đốc Công ty CP Natura Land)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Bùi Đức Khoa bị TAND TP.HCM tuyên phạt 11 năm tù về vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc, từ năm 2016 - 2022, bị cáo tìm kiếm 96 cá nhân và chuyển thông tin cho đồng phạm để thành lập, sử dụng 77 công ty ma và 19 cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát. Hành vi này giúp Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại hơn 154.000 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Bùi Đức Khoa bị Viện KSND tối cao truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Khoa là người tìm, thuê và quản lý khoảng 100 cá nhân để phục vụ cho các hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Năm 2018 - 2019, Khoa lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, sử dụng các cá nhân thuê ký chứng từ khống nộp, rút tiền.

Hành vi trên giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 3 gói trái phiếu của Công ty An Đông, chiếm đoạt số tiền gần 25.000 tỉ đồng của hơn 30.700 bị hại.

Đặng Phương Hoài Tâm
(Phó trưởng phòng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)

Tháng 4.2024, ở giai đoạn 1 vụ án, Đặng Phương Hoài Tâm bị TAND TP.HCM tuyên phạt 15 năm tù về tội tham ô tài sản.

Theo cáo buộc, bị cáo Tâm quản lý tài sản, danh sách các cá nhân, công ty ma và dư nợ của các công ty này. Bị cáo phối hợp cùng đồng phạm thành lập công ty ma để đứng tên khoản vay, lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền được SCB giải ngân.

Chuỗi hành vi trên giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 171.000 tỉ đồng của SCB và gây thiệt hại hơn 57.000 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 2 vụ án, Đặng Phương Hoài Tâm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Tâm là người trực tiếp quản lý điều hành mọi hoạt động của Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã chỉ đạo cấp dưới phối hợp quản lý theo dõi danh sách, lập phương án hứa chuyển nhượng cổ phần.

Hành vi này làm căn cứ cho các pháp nhân và cá nhân (được thuê) ký các chứng từ nộp, rút tiền khống, để hợp thức dòng tiền cho Công ty Điền Gia Cát mua sơ cấp trái phiếu, giúp bị can Lan và đồng phạm chiếm đoạt 2.000 tỉ đồng của hơn 2.400 bị hại.

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.