Đây dường như là sự ghi nhận và khởi đầu cho những kiệt tác kỳ vĩ, đánh thức những “nàng công chúa” kiều diễm trong lòng đất.
Nơi chứa đựng nhiều giá trị toàn cầu
Với diện tích 123.326 ha nằm trong vùng sinh thái bắc Trường Sơn (thuộc địa phận 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình, VQG PN-KB là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á; là nơi hội tụ những giá trị về địa chất, địa mạo, khí hậu, sinh học, cảnh quan và văn hóa - lịch sử độc đáo.
Kết quả nghiên cứu địa chất, địa mạo cho thấy VQG PN-KB là nơi tập trung những tính chất đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo, sinh thái và sinh học của thiên nhiên; nơi đây hiện diện những dấu ấn đậm nét của lịch sử phát triển địa chất lâu dài từ hơn 400 triệu năm về trước. Phần lớn diện tích của VQG là núi đá vôi và liên kết với vùng núi đá vôi thuộc khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nậm Nô (Lào) tạo vùng núi đá vôi liên tục lớn nhất Đông Nam Á; tạo ra các cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà tiêu biểu là hệ thống hang động kì bí, hùng vĩ. Kết quả khảo sát từ 1990 đến nay đã ghi nhận được 327 hang động (trong đó có 266 hang trong phạm vi vườn và 61 hang ngoài phạm vi vườn) với tổng chiều dài gần 210 km đã được khảo sát và được chia thành ba hệ thống chính: Hệ thống động Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Chày. Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh đánh giá hệ thống động PN-KB có giá trị hàng đầu thế giới vì giữ được nguyên vẹn các giá trị về địa chất - địa mạo, được hình thành từ kết quả kiến tạo lớp vỏ trái đất lâu dài, tiêu biểu như động Phong Nha, động Tiên Sơn, Thiên Đường, Hòa Hương… Nổi bật nhất là việc phát hiện và khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp to lớn về quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và PN-KB trên khắp thế giới.
|
Một trong những thành tựu ghi nhận qua công tác nghiên cứu khoa học là đưa ra bằng chứng về giá trị toàn cầu của tự nhiên; đây là cơ sở khoa học, bằng chứng xác thực trong việc hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu cho quá trình xây dựng hồ sơ di sản để UNESCO 2 lần công nhận VQG PN-KB là Di sản thế giới. VQG PN-KB còn chưa đựng giá trị lịch sử to lớn khi có rất nhiều di tích lịch sử nổi danh, nhiều địa chỉ đỏ. Vì thế, Ban quản lý vườn (BQL) đã tổ chức quản lý, bảo tồn các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh và nghiên cứu, sưu tập tài liệu các di tích lịch sử trên địa bàn VQG; các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh luôn được phát huy giá trị và đáp ứng tốt nhu cầu của du khách đến thăm quan.
15 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước cũng đạt được những thành quả quan trọng. Điển hình là các chương trình hợp tác với FFI, Vườn thú Cologne, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, UNESCO, KFW, GIZ, IUCN, ADB…Góp phần đưa VQG trở thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới. Xác định công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, trong những năm qua BQL VQG PN-KB đã tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng như khai thác gỗ, bẫy bắt động vật hoang dã; tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nóng; kiểm soát người và phương tiện ra vào VQG tại các trạm cửa rừng...
Phát huy giá trị di sản
|
Sau 5 năm được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, lượng khách đến với VQG chỉ đạt 1.544.004 lượt nhưng đến giai đoạn từ năm 2009 - 2017, lượng khách đến VQG tăng nhanh, đạt 4.954.637 lượt, doanh thu từ phí và lệ phí đạt 632 tỉ đồng. Du lịch ở VQG PN-KB không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân. Cộng đồng vùng đệm được tham gia vào các hoạt động trong các tổ bảo vệ rừng, các nhóm bảo tồn thôn bản, các câu lạc bộ bảo tồn, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách du lịch. Với những nỗ lực và cố gắng trên, trong những năm qua, BQL VQG PN-KB đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng, như của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban UNESCO…Đặc biệt, tháng 7.2015, VQG PN-KB lần thứ hai ghi danh vào danh sách Di sản thế giới với 2 tiêu chí mới: có giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn (tiêu chí ix); sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học (tiêu chí x); là một dấu mốc quan trọng tôn vinh những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của VQG và góp phần nâng cao vị thế VN trên trường quốc tế.
Công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý di sản cũng được BQL vườn chú trọng nhằm bảo tồn các giá trị di sản và phát triển du lịch bền vững. Hiện đang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt VQG PN-KB, giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong quá trình bảo tồn, phát huy, luôn có những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức đối với BQL vườn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc BQL VQG PN-KB chia sẻ: “15 năm qua, BQL vườn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, UBND tỉnh Quảng Bình, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương các xã vùng đệm để thực hiện tốt trong việc ký kết các quy chế phối hợp cùng chung tay quản lý và bảo vệ di sản. Đặc biệt là sự hỗ trợ của UNESCO, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu khoa học...Dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng trong thời gian tới, BQL tiếp tục tập trung thực hiện nhiều công tác về bảo tồn, tăng cường tuyên truyền quảng bá để phát huy giá trị di sản về du lịch với những tour tuyến cảnh quan, hang động độc đáo...”.
Bình luận (0)