Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nam, kết quả phân tích các mẫu nước sinh hoạt lấy từ một số hộ dân ở TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam mà Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cung cấp đều không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Trong đó, chỉ số tạp chất hữu cơ hòa tan trong nước (pecmanganat) cao gấp 2,5 lần giới hạn cho phép, độ đục gấp 1,5 lần so với quy định của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Trung tâm cho biết: riêng chỉ số pecmanganat cao đã gây hại cho sức khỏe người dân như bệnh về đường tiêu hóa, bệnh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
"Nếu có thiết bị đo đạc hiện đại thì chắc chắn sẽ còn phát hiện thêm các chất kim loại nặng, hóa chất độc, thuốc trừ sâu… trong nước sinh hoạt của TP.Phủ Lý, có thể gây nguy hiểm hơn cho sức khỏe người dân", ông Dương nói.
Anh Nguyễn Xuân Phương (P.Lương Khánh Thiện, TP.Phủ Lý) cho biết: "Từ vài năm nay, nước cấp đến nhà dân đã có mùi hôi, đựng trong chậu thì lắng cặn nhưng vẫn phải dùng". Còn chị Lê Thị Thanh (P.Liêm Chính) cho biết nước máy có màu, có mùi lạ từ lâu. Đến đầu năm 2016 còn chuyển màu xanh, mùi tanh, nấu sôi vẫn không hết nên nhiều nhà phải mua bình nước về sử dụng, hoặc thùng, chậu đựng nước, chờ lắng cặn và hết mùi mới dám dùng.
Ông Phạm Trọng Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam cho biết, nguồn nước thô để xử lý và cấp lại cho TP.Phủ Lý lấy từ sông Đáy, gần đoạn giao với sông Nhuệ, đây chính là hai con sông đang bị ô nhiễm trầm trọng.
“Có khi nước sông Đáy, sông Nhuệ có mùi thối, nước có màu đen, cá còn chết thì nước máy không thể sạch được”, ông Khôi nói.
Công ty này cũng đang sử dụng mạng lưới đường ống cấp nước có tổng chiều dài khoảng 100 km, xây dựng từ năm 1978, nhiều đoạn đã xuống cấp, có thể rò rỉ và nhiễm bẩn nhưng chưa được thay thế.
Ông Nguyễn Anh Chức, Chủ tịch UBND TP.Phủ Lý cũng xác nhận nguồn nước sinh hoạt đã bị ô nhiễm từ đầu vào, địa phương cũng đã phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy nước sạch, lấy nguồn nước từ sông Hồng với công suất 120.000 m3/ngày đêm để thay thế. Tuy nhiên, dự án này mới đang ở giai đoạn khảo sát. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi thì sớm nhất là đến cuối năm 2017, nhà máy này mới ccó thể hoạt động, và người dân Phủ Lý sẽ phải tiếp tục… chờ nước sạch.
Bình luận (0)