17.300 người làm gì mà không phát hiện tham nhũng ?

05/01/2013 03:28 GMT+7

Ngày 4.1, hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác thanh tra năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Thanh tra Chính phủ tổ chức diễn ra đồng thời tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Nhiều vấn đề "nóng" của ngành thanh tra đã được nêu ra.

Khiếu kiện đông người gia tăng

Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm 10% (so với năm 2011) nhưng số lượt đoàn đông người tăng. Trong đó, nhiều vụ đã được chính quyền giải quyết nhiều lần nhưng không dứt điểm, hoặc đã dứt điểm nhưng công dân tái khiếu kiện.

Tại TP.HCM, khiếu kiện đông người chỉ có 7 vụ (giảm 37%), nhưng khiếu kiện đông người từ các địa phương khác đến TP.HCM trong năm qua có hơn 500 vụ và hơn 6.000 lượt người. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí cho biết 70% vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai (trong đó 70% liên quan đến giá cả). Tuy nhiên, hiện nay đất đai vẫn còn 2 giá: một giá do nhà nước quy định hằng năm, một giá do thị trường định. Vì thế, Quốc hội nên có phương pháp định giá đất thống nhất, đồng bộ.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng giải quyết khiếu nại cần có điểm dừng. Khi đã giải quyết hợp tình hợp lý rồi thì công khai trên phương tiện truyền thông, thông báo chấm dứt vụ việc, không thụ lý khiếu nại nữa. Nếu vẫn chưa thỏa đáng, người dân có thể khởi kiện hành chính.

17.300 người làm gì mà không phát hiện tham nhũng ?
Hội nghị tại đầu TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Tập

Phát hiện, xử lý tham nhũng kém

Cũng trong năm 2012, hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn thấp. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ ngành, UBND các tỉnh, TP, trong năm 2012, các ngành đã triển khai 1.589 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý các cấp nhưng chỉ xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế, chưa quyết liệt khởi tố từ hồ sơ thanh tra. “Phải xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Không để việc cấp trên can thiệp vào kết luận của thanh tra để gỡ tội cho cấp dưới. Phải làm nghiêm. Lãnh đạo nào can thiệp như vậy, các đồng chí báo cho tôi biết”, ông Phúc quyết liệt.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định đội ngũ thanh tra tuy đông đảo nhưng hiệu quả còn rất hạn chế, nhất là công tác thanh tra tại địa phương. “Toàn hệ thống thanh tra có hơn 18.000 người. Thanh tra Chính phủ khoảng 700, còn lại khoảng 17.300 người là ở các bộ, ngành địa phương. Bộ nào cũng có thanh tra, Sở nào quan trọng cũng có thanh tra nhưng vụ việc ai phát hiện? Báo chí phát hiện, Thanh tra Chính phủ phát hiện, đoàn thanh tra phát hiện... vậy 17.300 người để làm gì?”, ông Phúc nêu câu hỏi về trách nhiệm thanh tra.

Trong năm qua, những vụ khiếu kiện kéo dài chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa mặt bằng. Cơ quan chức năng đã giải quyết 54.786/64.150 vụ thuộc thẩm quyền (đạt 85,4%), kiến nghị thu hồi hơn 146 tỉ đồng và 92 ha đất, trả lại cho tập thể, công dân gần 224 tỉ đồng và 348 ha đất.

Ngoài ra, ngành thanh tra phát hiện 89 vụ liên quan đến tham nhũng với số tài sản hơn 104 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu.

Về nhiệm vụ năm 2013, ngành thanh tra phấn đấu giải quyết trên 85% các vụ khiếu nại, tố cáo mới phát sinh; tập trung thanh tra trách nhiệm các bộ, ngành trong việc quản lý thị trường vàng, chứng khoán; thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng, nhà ở… và đặc biệt là sẽ tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong quý 1 năm 2013 sẽ dứt điểm 528 vụ khiếu kiện còn tồn đọng, kéo dài.

Nguyễn Tập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.