Chiều 16.11, trong phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM) và đồng phạm, bị cáo Diệp và luật sư bào chữa cho mình đã nộp thêm tài liệu, chứng cứ cho HĐXX.
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp với tài liệu trên tay |
NGỌC DƯƠNG |
Cụ thể, bà Diệp đã nộp 18 trang tài liệu, mà trong phần thẩm vấn bà Diệp khai: "Cáo trạng quy buộc là không đúng. Tất cả những chứng từ trong vụ án là giả mạo. Người ta có hơn 5.000 bút lục để bắt tôi nhưng tôi chỉ có 18 trang tài liệu trên tay để chứng minh hợp đồng 2616 (hợp đồng tín dụng với Agribank TP.HCM vào ngày 31.12.2008 – PV) đã bị đánh tráo tại trang nghĩa vụ đảm bảo”.
Ông Nguyễn Thành Tài và đại gia Dương Thị Bạch Diệp tiếp tục hầu tòa |
Trong phần thẩm vấn bổ sung, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Diệp) nêu đã nghe HĐXX lưu ý về việc giao nộp chứng cứ tại phiên tòa.
Song theo luật sư Hoài, bị cáo Diệp có đề nghị nộp bản phô tô, sau đó sẽ trình bản chính để HĐXX và Viện kiểm sát đối chiếu, xem xét.
Lý giải, luật sư Hoài cho hay, đây là các tài liệu thuộc tài sản của công ty, liên quan đến quyết toán hồ sơ của công ty đối với các cơ quan nhà nước nên công ty phải lưu giữ lại.
Thay mặt HĐXX, chủ tọa Phạm Lương Toản trả lời không đồng ý đề nghị của luật sư Phan Trung Hoài. Bởi theo quy định pháp luật, chứng cứ trong vụ án phải là bản chính, lưu giữ tại hồ sơ vụ án. Không vì bất cứ lý do gì để rồi chứng cứ đó là bản phô tô, và tài liệu phô tô không phải là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá.
Theo đó, bà Diệp trình bày với HĐXX rằng, 18 trang giấy trên tay sẽ chứng minh ngân hàng đã cấu kết với kế toán công ty của bà để làm giả hợp đồng. Bí mật nằm trong công ty bà hơn 10 năm. Bà có đầy đủ bản chính các hợp đồng tín dụng liên quan đến khoản vay 6.700 lượng vàng SJC. Trong đó, bà có ký giấy tờ nhận nhưng chưa nhận một lượng vàng nào. Đáng chú ý, bà Diệp cho rằng không thế chấp căn nhà 57 Cao Thắng cho Agribank TP.HCM.
Sau đó, chủ toạ yêu cầu bà Diệp đưa tài liệu cho luật sư để trình cho HĐXX.
Đồng thời, trong thời gian giải lao, HĐXX yêu cầu phía bà Diệp nộp toàn bộ bản chính chứng cứ này để HĐXX bổ sung vào chứng cứ vụ án (không trả lại), đồng thời chuyển VKS xem xét, đánh giá. HĐXX sẽ không nhận bản photo. Chủ tọa đề nghị luật sư bào chữa cho bà Diệp giải thích quy định pháp luật cho bà Diệp, đồng thời nếu tin tưởng HĐXX thì nộp bản chính, và sau mỗi trang giấy sẽ ký tên Dương Thị Bạch Diệp.
Bình luận (0)