19 năm ngày báo Thanh Niên phát hành số đầu tiên (3/1/1986 - 3/1/2005): 365 ngày ngược xuôi

02/01/2005 22:17 GMT+7

Khoác trên vai chiếc ba lô con cóc, hành trang của chúng tôi là lòng yêu nghề, chiếc máy ảnh, cây bút, tập hồ sơ nóng hổi của bạn đọc. Một năm 365 ngày gió bụi của phóng viên điều tra Ban Công tác bạn đọc bộn bề buồn vui...

Ngồi xem truyền hình trực tiếp "Bình luận và sự kiện" trên VTV về những tiêu cực tại vùng lòng hồ Trị An - đã được Thanh tra Nhà nước phanh phui - mà lòng chúng tôi tràn ngập niềm vui lẫn tự hào. Thế là sự thật bị bưng bít bấy lâu nay cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, và công phát hiện ra vụ việc này thuộc về báo Thanh Niên. Nhớ lại những ngày đầu khi mọi việc còn đang trong bóng tối, chúng tôi đã về Đồng Nai điều tra. Không khí khá ngột ngạt, một số người dân ngại không tiếp xúc với phóng viên, chính quyền địa phương thì bất hợp tác nên việc tác nghiệp thật khó khăn. Nhờ một bạn đọc Lê Huy Thơ dẫn đường, theo kiểu du kích, chúng tôi tiếp cận được các "ao vua" rộng bao la của những quan chức địa phương. Tận mắt chứng kiến một công trình thủy điện lớn của đất nước bị "xẻ thịt" mà đau lòng. Từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ Trị An bị các con đập băm nát như một bàn cờ. Xe ủi, xe xúc đất hoạt động suốt ngày đêm phục vụ cho cái gọi là "làm kinh tế" cho một số người có chức quyền. Thế là bao cảm xúc dồn nén thành bài viết Lòng hồ Trị An đang từng ngày bị xẻ thịt: Của chung không ai xót đăng trên báo Thanh Niên, rồi Thanh tra Nhà nước vào cuộc.

Năm 2004 cũng đánh dấu nhiều vụ bể hụi lớn. Tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều gia đình lâm cảnh tán gia bại sản vì hụi. Vấn đề bức thiết nhất chúng tôi muốn đặt ra là việc chơi hụi là một thực tế và cần phải nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung vào luật để kiểm soát hoạt động này. Loạt bài Liên tục bể hụi sao vẫn cứ chơi của báo Thanh Niên được dư luận rất đồng tình. Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI (tháng 11/2004), các đại biểu Quốc hội đã sôi nổi thảo luận xung quanh giao dịch hụi, họ và dự kiến sẽ đưa quy định này vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sắp tới.

Lại nhớ những ngày về Ninh Hòa tìm hiểu tình hình xã hội đen lộng hành, chúng tôi gặp chuyện đáng lo. Mặc dù người bị sát hại nằm điều trị đã 2 ngày tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Hòa, cách trụ sở Công an huyện chỉ chục bước chân nhưng cơ quan công an vẫn không ai hay biết. Chính chúng tôi là người cung cấp thông tin về án mạng cho cơ quan điều tra. Ngày 5/11/2004, báo Thanh Niên có bài điều tra Xã hội đen lộng hành tại Khánh Hòa. Sau khi báo phát hành, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Trung tướng Lê Thế Tiệm đã nêu lên vấn đề bức xúc này. Trung tướng đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm khắc.

Tất nhiên cũng có lắm chuyện buồn. Nhiều vụ việc bị "ngâm tôm", cá nhân người đi tố cáo bị "đì". Thỉnh thoảng bây giờ gặp lại anh Trịnh Xuân Thành trên cương vị Phó chủ nhiệm HTX Xe khách liên tỉnh & Du lịch Miền Đông, chúng tôi vẫn hay nhắc lại những ngày tháng đau thương nhất của anh. Lúc ấy, vì tố cáo tiêu cực tại cơ quan với báo Thanh Niên mà anh bị đuổi việc. Người Phó chủ nhiệm HTX khi ấy đứng về phía anh Thành nên cũng bị... ra rìa luôn. Anh Thành buộc phải rời TP Hồ Chí Minh ra Bình Định mưu sinh. Cho đến khi vụ việc chống tiêu cực trên Thanh Niên được cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh làm sáng tỏ, anh Trịnh Xuân Thành và người "cùng phe" mới được khôi phục lại chức vụ, rồi thăng tiến... Một kết cục có hậu.

Cũng có khi gặp chuyện khó xử. Có lần chúng tôi đi Long Thành (Đồng Nai) để điều tra một vụ tiêu cực đất đai của một số quan chức ở xã. Hồ sơ này đầy ắp sự kiện không bình thường khiến chúng tôi thầm nhủ phải viết bài phê bình nghiêm khắc. Thế nhưng khi gặp nhân vật trung tâm, nghe giãi bày, phóng viên lại đâm ra... khó xử. Vị chủ tịch xã này xin lỗi phóng viên và nghiêm túc... nhận hết khuyết điểm vì cho rằng trình độ học vấn quá thấp nên mới sai phạm. "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", nhờ vậy mà bài viết về ông chủ tịch xã trở nên "mềm" hơn. Còn có vụ tranh chấp tiền đền bù ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) chỉ 500 ngàn đồng mà kéo dài 2-3 năm trời chưa xong. Phóng viên vượt hàng trăm cây số tới nơi làm việc với lãnh đạo địa phương chỉ 30 phút là giải quyết dứt điểm. Thì ra, do hai bên chẳng ai nhường nhịn ai, nhà báo trở thành nhà hòa giải bất đắc dĩ và vụ khiếu nại này kết thúc hoàn hảo. Về tòa soạn, mặc dù không viết bài nhưng phóng viên rất vui...

19 năm công tác xã hội Báo Thanh Niên

I- Học bổng Nguyễn Thái Bình

Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình - báo Thanh Niên chính thức thành lập từ năm học 1990 - 1991, nhằm tài trợ cho các sinh viên - học sinh nghèo trên cả nước, nguồn thu chủ yếu từ các chương trình Duyên dáng Việt Nam hằng năm và sự đóng góp của một số đơn vị xí nghiệp, công ty, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Từ năm 1994, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình là một chương trình nằm trong Quỹ Bảo trợ tài năng trẻ Việt Nam của Trung ương Đoàn.
Tính đến nay, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đã trao tổng cộng 3.602 suất học bổng, tổng trị giá 5.111.760.000đ.

II- Công tác xã hội

- Tổng cộng trị giá tiền, hàng vận động bạn đọc đóng góp giúp đồng bào lũ lụt từ năm 1993 đến nay trên 10 tỉ đồng.
- Góp phần chia sẻ với những nạn nhân chất độc da cam với số tiền 77.150.000đ.
- Xây mới được 6 trường tiểu học với tổng kinh phí 1,3 tỉ đồng, trong đó Trường Tiểu học Hành Thiện 2 (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia.
- Trường tình thương Tích Thiện (Đồng Nai) do báo Thanh Niên bảo trợ từ năm 1992, xây phòng học, sân chơi, đi tham quan... với tổng trị giá 460.120.000đ.
- Sửa chữa 2 trường tiểu học, xây mới 3 phòng học với kinh phí 123.000.000đ.
- Góp phần đưa điện về làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) - với hơn 163.000.000đ.
- Mở phòng khám lao miễn phí dành cho học sinh - sinh viên, hơn 200 bệnh nhân lành bệnh.
- Xây dựng 17 căn nhà tình nghĩa với kinh phí 262.900.000đ; hỗ trợ xây 8 căn nhà tình thương với kinh phí 30 triệu đồng.
- Thu được từ chương trình "Hát về tương lai Việt Nam lần II" hơn 82 triệu đồng sẽ được Hội LHTN tỉnh Bình Dương xây dựng nhà tình thương và tổ chức sinh hoạt văn hóa cho các phường, xã nghèo của tỉnh.
- Phụng dưỡng suốt đời 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi từ năm 1996 đến nay, với số tiền 66.300.000đ.
- Xây được 14 cây cầu bê tông ở Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu với kinh phí 160.634.000đ.
- Xây dựng 67 căn nhà cho bà con vùng lũ với trị giá 575.634.000đ.
- Chương trình "Nguồn sáng cho đời" chính thức hoạt động từ cuối tháng 12.2003, đã có 864 người mù nghèo được mổ mắt với tổng kinh phí 502 triệu đồng.
- 524 trường hợp khó khăn, bệnh hiểm nghèo được giúp đỡ với tổng số tiền là 3.467.498.884đ.
- Hỗ trợ ngành thú y tỉnh Hà Tây 100 triệu đồng và 2 chiếc xe máy, trị giá 130.000.000đ.
- Ủng hộ 18 chiếc xe lăn cho những người khuyết tật trị giá 20.700.000đ.
- Trao tặng 1 bộ trượt xích đu trị giá 20 triệu đồng.
- Trao tặng 200 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo trị giá 80 triệu đồng.
- Phát quà trung thu, tặng quà, quần áo... cho các trẻ em của 21 tỉnh, thành phía Nam. Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 2.400 trường hợp. Trị giá tiền, quà ước tính hơn 360 triệu đồng.
- Tặng 150 bộ trống, trị giá hơn 250 triệu đồng cho 150 trường học.
- Ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam 50 triệu đồng.
- Tặng tập vở, sách giáo khoa, cặp sách mới, bánh trung thu, lồng đèn, tiền mặt... trị giá 160 triệu đồng.
- Trang bị cho thư viện Trường Tiểu học Bình Tường, huyện Tây Sơn, Bình Định 33.490.600đ.
- Tài trợ 26.425.000đ cho chùa Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định để mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh nghèo mà chùa đang giúp đỡ.
Tổng trị giá tiền, hàng do bạn đọc đóng góp từ năm 1986 đến cuối năm 2004 là 18.400.852.484đ.

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.