2 vợ chồng tử vong sau ăn nấm: Độc tố Amanitin toxin nguy hiểm như thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
15/06/2023 07:58 GMT+7

Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, độc tố khiến 3 người trong một gia đình ngộ độc nấm ở Tây Ninh, trong đó 2 người tử vong, thuộc nhóm Amanitin toxin.

Trao đổi với Thanh Niên tối 14.6, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết độc tố trong vụ ngộ độc nấm ở Tây Ninh được xác định thuộc nhóm Amanitin toxin.

"Nhóm này rất độc, hủy hoại gan nhanh, gây tỷ lệ tử vong cao dù đã áp dụng nhiều phương pháp chữa trị tích cực", bác sĩ Hùng phân tích.

Theo bác sĩ Hùng, do không còn mẫu nấm nên việc xác định độc tố dựa vào diễn tiến bệnh, còn sau đó thì phải tìm cách xin mẫu nấm tại địa phương để xét nghiệm. Tuy nhiên, do gia đình bệnh nhân có hái nhiều loại nấm khác nhau nên chưa thể xác định chính xác loại nấm độc nào mà gia đình này đã ăn.

Độc tố Amanitin toxin khiến 2 người tử vong do ăn nấm nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Amanita phalloides là một loại nấm độc trong nhóm Amanita có thể gây tử vong

SHUTTERSTOCK

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Mỹ), 95% trường hợp tử vong do ăn phải nấm trên toàn thế giới là do nấm có chứa amatoxin. Các amatoxin cản trở quá trình tổng hợp protein và gây suy gan nghiêm trọng cho người bệnh từ đó dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Nấm thuộc nhóm Amanita không có hương vị hoặc mùi riêng biệt nhưng thường lớn khoảng từ 5 cm đến 15 cm và thường rất khó để phân biệt về màu sắc hoặc hình thức với các loài ăn được.

Quá trình nhiễm độc Amanita toxin có ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là sau khi ăn đến 6-12 giờ. Trong ít nhất 6 giờ đầu, người ăn thường không có triệu chứng gì. Sau giai đoạn này, người bệnh bắt đầu buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy nhiều nước và có dấu hiệu mất nước. Nếu thăm khám sẽ phát hiện người bệnh tụt huyết áp, màng nhầy khô và nhịp tim nhanh, cơ thể mất nước.

Giai đoạn thứ 2 xuất hiện khi bệnh nhân có vẻ phục hồi tạm thời và các triệu chứng ban đầu được giải quyết, nhưng tổn thương gan vẫn tiếp tục. Giai đoạn này có thể kéo dài 2-3 ngày và được đặc trưng bởi chức năng gan tăng transaminase, bilirubin, tăng tình trạng rối loạn đông máu và cuối cùng là diễn tiến bệnh não gan.

Ở giai đoạn thứ 3, cả chức năng gan và thận đều bị tổn hại. Hội chứng gan thận và bệnh não gan có thể xảy ra nhanh chóng sau khi các xét nghiệm cho thấy tổn thương gan nặng và tử vong có thể xảy ra sau 3-7 ngày.

* Trước đó, ngày 6.6, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết 3 người trong một gia đình tại Tây Ninh nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện khoảng 3-4 ngày, 2 vợ chồng bệnh nhân đã hái nấm về nhà xào với mướp ăn. Sau khi ăn khoảng 8-12 giờ, lần lượt chồng, người vợ, con gái bị đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng nhiều, tình trạng ngày càng nặng hơn. Gia đình được chuyển vào bệnh viện địa phương và tiếp tục chuyển lên bệnh viện tại TP.HCM.

Người chồng trong quá trình chuyển viện, bị khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản, bóp bóng. Tuy nhiên, ông đã tử vong tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Người vợ sau thời gian điều trị với tình trạng rối loạn chức năng gan, rối loạn đông máu đã xin về nhà và tử vong. Riêng người con gái 17 tuổi sức khỏe có cải thiện sau thời gian điều trị.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.