Đó là nội dung trong thư gửi doanh nhân từ hơn 20 năm trước của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 7.5.2004, và gợi ý cần có một ngày của doanh nhân, một giải thưởng doanh nhân Việt Nam, trao cho những doanh nhân tiêu biểu không chỉ giỏi trong sản xuất kinh doanh, làm giàu mà còn đóng góp tích cực vào cuộc xóa đói, giảm nghèo…
Những người vượt khỏi ràng buộc của lối mòn để lớn mạnh
Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh, doanh nhân Việt Nam là đội ngũ xung kích của toàn dân, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, góp phần xứng đáng làm nên những "Điện Biên Phủ" lớn, nhỏ trong sự nghiệp đổi mới. Với quan điểm đó, Đại tướng nhấn mạnh: Doanh nhân là người đứng đầu và là nhạc trưởng doanh nghiệp, phải có ý chí vươn lên theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, Đại tướng đau đáu việc doanh nhân Việt phải "nâng cao trình độ quản lý để doanh nghiệp không ngừng phát triển, trở thành những doanh nghiệp uy tín, có quy mô, có tầm cỡ quốc gia và quốc tế".
Hơn 5 tháng sau, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990, lấy ngày 13.10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam". Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Đồng thời, Ngày Doanh nhân Việt Nam cũng là dịp nhằm biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Ngày 13.10 năm đó, tại cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng Chính phủ với hơn 500 doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, Thủ tướng Phan Văn Khải đã công bố quyết định này.
Đến nay đã tròn 2 thập niên (13.10.2004 - 13.10.2024), nước ta có Ngày Doanh nhân Việt Nam. TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), nhớ lại, để có được Ngày Doanh nhân Việt Nam, phải ngược thời điểm năm 1999 khi luật Doanh nghiệp đầu tiên được ban hành, mở đường hướng quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân. "Luật Doanh nghiệp 1999 tạo tiền đề cho loạt cải cách kinh tế, hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta.
Nhờ tác động của luật Doanh nghiệp, công dân đã được quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới, ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Từ bước ngoặt đó, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được nhìn nhận rất khác trước, thúc đẩy sự thay đổi rất nhiều về số lượng lẫn chất lượng doanh nghiệp. Từ chỗ không được phép, tiến đến phát triển bùng nổ, chỉ trong vòng 3 năm sau khi có luật, số lượng doanh nghiệp mới thành lập cao gấp 1,5 lần so với 10 năm trước đó (giai đoạn 1991 - 1999)", bà Thảo nhớ lại.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, những gì mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu trong thư gửi doanh nhân và những cải cách thể chế sau đó bằng việc sửa và ban hành những quy định pháp luật cởi mở liên quan doanh nghiệp, giúp đất nước có một đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, lớn mạnh, đã vươn ra quốc tế như ngày hôm nay.
Tại sao là ngày 13.10?
Ngược dòng lịch sử, sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.9.1945), trong Tuần lễ Vàng, các nhà công thương Hà Nội đã là giới chức xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người đã rất quan tâm đến giới doanh nhân, công thương Việt Nam. Ngày 13.10.1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập "Công thương cứu quốc đoàn" và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. "Thư gửi các giới công thương Việt Nam" của Người được đăng trên Báo Cứu Quốc số 66 cùng ngày, khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng công - thương nghiệp trong việc kiến thiết nền kinh tế nước nhà.
Bức thư chưa đầy 200 chữ đó của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đồng thời đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên mà Bác dành cho giới doanh nhân. Trong thư, Bác gọi giới công thương là "các Ngài", mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: "Cùng các Ngài trong giới Công - Thương. Được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành "Công - Thương cứu quốc đoàn" và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay "Công - Thương cứu quốc đoàn" đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt".
Có thể thấy, Bác rất trân trọng và khẳng định doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và "Công - Thương cứu quốc đoàn", tổ chức của giới doanh nhân, là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước - thành viên của Mặt trận Việt Minh. Bác viết rất rõ ràng về nhiệm vụ xây dựng kinh tế của doanh nghiệp, doanh nhân rằng: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng", "Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng".
Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13.10.1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến giới công thương. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Trong khi sản xuất phải "nhanh, nhiều, tốt, rẻ", người sản xuất phải thật thà, làm hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu… Đã gần 8 thập niên trôi qua, tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân được nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. Theo thời gian, cộng đồng này ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam đã vượt mốc 1 triệu doanh nghiệp
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân, nhận xét: Bác Hồ có tầm nhìn về vai trò của doanh nhân rất sớm. Những năm Việt Nam mới thoát ách đô hộ chưa bao lâu, Người xác định rất rõ chủ trương của Chính phủ là không xóa bỏ, tước đoạt toàn bộ kinh tế tư nhân mà vẫn sử dụng nó như một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế. Dân giàu nước mới mạnh được. Chính nhận thức và quan niệm này đã mở ra "thời kỳ phát triển vàng son" của doanh nhân, kinh tế tư nhân từ những thập niên 50 - 60 của thế kỷ trước và phát triển mạnh mẽ cho đến nay.
Thực tế, chỉ trong vòng 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, số lượng doanh nghiệp đã tăng vượt bậc. Nếu năm 2004 cả nước có khoảng 90.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 60.000 doanh nghiệp có đăng ký mã số thuế, thì tính đến hết tháng 8 năm nay, số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước là gần 1,2 triệu. Trong số đó, chúng ta có những doanh nhân là tỉ phú USD, có những thương hiệu vượt đại dương, vươn tầm ra thế giới, được thị trường quốc tế công nhận. TS Nguyễn Minh Thảo nhận xét: 20 năm qua, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, FTA thế hệ mới. Từ một nước nhập siêu hơn 5,5 tỉ USD vào năm 2004, hơn 10 năm qua, VN xuất siêu liên tục; năm 2023 cả nước xuất siêu 28 tỉ USD.
"Sau 20 năm, hệ thống pháp luật nước ta có sự thay đổi rất lớn. Từ chỗ có luật Doanh nghiệp, hệ thống pháp lý được mở rộng, điều chỉnh theo tinh thần đổi mới. Luật Đầu tư cũng được sửa đổi theo phương pháp tiếp cận là chọn - bỏ, thay vì chọn - cho như trước. Nghĩa là cái gì luật không cấm, doanh nghiệp và người dân có quyền làm. Thể chế chuyển động theo hướng thị trường, có thể tạo ra đòn bẩy, nhưng quan trọng là sự kiên cường của doanh nghiệp. Chính sự lớn mạnh của doanh nghiệp tạo động lực để phát triển", TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh và khẳng định: "Từ doanh nghiệp mới tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng. Không quốc gia nào phát triển mà không nhờ vào sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi họ là nhân tố tạo việc làm, kích thích sáng tạo, cạnh tranh.
Thế nên, cần tiếp tục tháo bỏ những rào cản gây khó cho doanh nghiệp. Cải cách thể chế bao gồm cải cách chính sách và thể chế thực thi. Làm thế nào để nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, cơ hội tiếp cận vốn, nguồn lực... Với những doanh nghiệp, những dự án có tiềm năng, năng lực tốt, hãy mạnh dạn cởi trói cho họ làm. Phải tháo bung cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân tham gia làm nhiều lĩnh vực vốn được coi là "vùng cấm", chỉ doanh nghiệp nhà nước mới đảm trách, trong lĩnh vực năng lượng chẳng hạn. Đó chính là dư địa mà Việt Nam đang có trong tay để đột phá tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước".
Theo Nghị quyết số 66 ngày 9.5.2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới: Đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới; 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
"Chuyển đổi kinh tế tư nhân của chúng ta chậm hơn so với nhiều nước. Trong bối cảnh như vậy, tính kiên cường của doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Không kiên cường, không thể vượt bao nhiêu rào cản để xuất khẩu hàng hóa với sản lượng lớn như vậy. Nhờ các FTA và FTA thế hệ mới, đòi hỏi thay đổi thể chế từ bên trong, đã thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi, sáng tạo, nhằm có sản phẩm cao hơn về chất lượng, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí khắt khe của các thị trường phát triển".
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
Bình luận (0)