20 năm giấc mơ Harvard

04/06/2013 05:00 GMT+7

Đằng đẵng sau 20 năm, chàng trai đất võ Bình Định - Huỳnh Thế Du mới thỏa nguyện giấc mơ bước vào cánh cổng ngôi trường danh giá Harvard (Mỹ). Trên xứ người, anh nỗ lực học tập, nghiên cứu và ấp ủ bao hoài bão cho ngày trở về.

Biến điều viển vông thành sự thực

Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Huỳnh Thế Du bày tỏ: “Từ nhỏ cho đến khi học xong đại học (ĐH), tôi là một sản phẩm thuần túy của nền giáo dục Việt Nam. Kết quả học tập của tôi chẳng có gì nổi trội so với các bạn cùng lứa. Lúc nhỏ học trường làng. Thời trung học, học trường huyện. Đến ĐH thì vào Bách khoa Đà Nẵng”.

“Vậy, giấc mơ Harvard xuất hiện từ khi nào?”. Anh Du giải thích: “Năm 1988, khi đang học THPT, tôi có một ước mơ rất viển vông là được bước vào ngưỡng cửa ĐH Harvard sau khi đọc được một bài báo ấn tượng về ngôi trường này. Lý do tôi muốn vào Harvard chỉ vì nó là trường ĐH hàng đầu thế giới. Tôi nghĩ, nếu được vào đó học thì tốt cho mình, chứ thực tình tôi chẳng biết cụ thể gì về ngôi trường này cả”.

 
Anh Huỳnh Thế Du trong lễ tốt nghiệp tiến sĩ ngày 30.5.2013 tại Graduate School of Design, thuộc ĐH Harvard - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đúng 20 năm sau, ước mơ “viển vông” ấy đã trở thành hiện thực. Năm 2008, niềm vui vỡ òa khi anh nhận tin mình đậu vào Chương trình thạc sĩ quản lý công hai năm của Trường Quản lý Nhà nước John F.Kennedy, thuộc ĐH Harvard.

Không dừng lại đó, năm 2011, anh Du tiếp tục theo học Chương trình tiến sĩ ba năm của Trường Thiết kế (Graduate School of Design), cũng thuộc ĐH Harvard. Sau 15 tháng, anh đã viết xong đề tài nghiên cứu. Ngày 7.12.2012, anh trở thành người đầu tiên của Harvard bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chỉ sau 3 học kỳ - theo nhìn nhận của một số giảng viên ở ngôi trường danh tiếng này.

“Giấc mơ 20 năm của một người gần như không có gì nổi trội và cũng không có lợi thế nào như tôi quả là dài và khó có thể kể hết ra đây. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong trường hợp của tôi là tôi luôn cố gắng giữ ngọn lửa, giữ cho ước mơ không tắt để khi có một chút đầu mối, một chút cơ hội là cố gắng nắm lấy ngay. Nếu chưa được thì làm lại”, anh Du đúc kết.

Nhìn đời bằng... nửa ly nước

Tại Harvard, anh Du dồn tâm sức nghiên cứu về kinh tế học đô thị và chính sách công, tức là tìm hiểu những yếu tố hình thành và tạo ra sức sống của các đô thị. Trong đó, đối tượng nghiên cứu cụ thể của anh chính là TP.HCM. Anh hào hứng chia sẻ: “Nghiên cứu của tôi tập trung vào những yếu tố đã tạo ra một TP.HCM như ngày nay cũng như hình hài trong tương lai. Tôi tìm hiểu những điểm tích cực cũng như những tồn tại trong phát triển đô thị. Từ đó, xem xét các chính sách, các hướng đi để TP.HCM có thể trở nên hiện đại hơn, đem lại lợi ích cho đa phần người dân”.

Anh nói thêm: “Tôi đã ở TP.HCM gần chục năm. Và cũng như nhiều người khác, tôi rất bức xúc về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu cứ nhìn vào những tồn tại mà than vãn thì mọi thứ chỉ thấy bi quan và tệ hơn thôi. Trong khi trên thực tế, TP.HCM vẫn có những điểm ưu việt. Tôi thiên về việc tìm những điểm tốt, tích cực để làm cho mọi thứ tốt hơn. Nói một cách bóng bẩy, tôi chọn cách tiếp cận nhìn nửa ly nước còn lại hơn là ly nước đã vơi mất một nửa”.

Theo kế hoạch, sau khi tốt nghiệp khóa học vào ngày 30.5, Huỳnh Thế Du sẽ ở lại Mỹ 1 năm để làm postdoc (sau tiến sĩ) chuyên về bất động sản và phát triển đô thị ở Việt Nam, trước khi trở về nước làm việc. Chọn con đường trở về, song anh Du thể hiện cách suy nghĩ thực tế và cởi mở: “Tôi tư duy theo kiểu, nếu mỗi người trong xã hội được làm việc mình thích cũng như đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình thì cả xã hội sẽ tốt đẹp lên. Không nhất thiết phải về nước mới là đóng góp tốt. Những lời hô hào sáo rỗng phải yêu cái này, phải vì cái kia dường như không có tác dụng gì. Thay vào đó, mỗi một nơi cần phải tạo ra một môi trường để những người có khả năng muốn đến đó sống và làm việc”.

Xây mạng lưới du học

Với sự hỗ trợ của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ và sự nhiệt tâm của những cựu du học sinh, ngày 14.2.2012, Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng đã chính thức ra đời. Trong nhiệm kỳ đầu tiên kéo dài từ ngày 14.2.2012 - 14.4.2013, anh Huỳnh Thế Du nắm giữ vai trò chủ tịch hội. Dù gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn bước đầu, người thủ lĩnh này đã cùng những thành viên trong hội tổ chức nhiều hoạt động lớn. Có thể kể: Gala mùa xuân, Giải thể thao mùa hè, Gặp mặt đầu năm học mới, Đón tết cổ truyền dân tộc và 6 hội thảo chuyên đề. Bên cạnh đó, sự kết nối của những nhóm thành viên có hiệu ứng tốt trong việc giúp nhau tìm chỗ ở, việc làm, chỗ thực tập, làm từ thiện, đóng góp cho cộng đồng. Không những vậy, hội còn phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức thành công cuộc thi Hành trình 13.000 cây số…

Nhiều năm du học trên xứ người, anh Du trăn trở: “Trong thế giới rộng lớn, hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người đến từ các nơi khác nhau với rất nhiều điều mới mẻ, nhưng nhiều du học sinh vẫn thèm được nghe giọng nói hay được gặp gỡ người Việt, nhất là những người cùng hội cùng thuyền. Cùng ăn một món ăn hay nói một câu chuyện Việt cũng đủ ấm lòng. Du học sinh thường xuyên phải đối mặt với những lựa chọn chiến lược là học gì và làm việc ở đâu. Thiếu thông tin về Việt Nam và một mạng lưới tương trợ và cùng chia sẻ đang cản trở việc phát huy các sở trường cũng như con đường trở về của du học sinh”.

Từ những nỗi niềm và nhu cầu có thực của bản thân và bè bạn, gần đây, anh Du cùng Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng xây dựng Diễn đàn kinh tế - xã hội để cập nhật, thảo luận những vấn đề về Việt Nam. Đặc biệt, anh cùng hơn 60 thanh niên, sinh viên Việt Nam đã và đang du học tại Mỹ tạo lập cổng thông tin www.sinhvienusa.org (dự kiến thời điểm ra mắt chính thức là ngày 1.6.2013). Là thành viên chủ chốt Ban điều phối lâm thời cổng thông tin này, anh Du cho biết: “Đây là bước khởi đầu để thanh niên - sinh viên Việt Nam ở Mỹ cùng tạo ra một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong học tập, trong công việc và làm cho con đường trở về suôn sẻ hơn”.

Nhắc lại chặng đường biến “ước mơ viển vông” thành sự thực, anh Huỳnh Thế Du khẳng định: “Tôi tin rằng giấc mơ Harvard hay một điều gì đó tương tự nằm trong tầm tay của bất kỳ ai, miễn là người đó luôn giữ ngọn lửa đam mê và nuôi dưỡng ước mơ của mình”.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

 

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.